Việt Nam: Thành viên gắn kết xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh

Trải qua gần 5 thập kỷ phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hướng tới dấu mốc mới, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Đó là việc chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Cộng đồng ASEAN sẽ mang đến một sức sống mới, một hơi thở sinh động cho toàn bộ khu vực vì lợi ích của hơn 600 triệu dân ASEAN  và khu vực.
Theo đó, ASEAN sẽ là một Cộng đồng "gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội", dựa trên ba trụ cột vững chắc là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế, và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, đồng thời tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm và đóng góp tích cực của mình cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.

Ngày 28/7/1995, có thể xem như một bước ngoặt trong tiến trình mở cửa và hội nhập khu vực, quốc tế của đất nước. Cánh cửa đầu tiên đã được mở ra giúp Việt Nam từng bước tháo gỡ thế bao vây, cấm vận đưa đất nước hòa nhập vào đời sống khu vực. 18 năm tham gia ASEAN đã chứng kiến quá trình trưởng thành của Việt Nam trên sân chơi hội nhập từ giai đoạn học hỏi, làm quen, đến thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của thành viên, tiến tới tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm.

Ba năm sau khi chính thức gia nhập, Việt Nam đã đảm nhận nghĩa vụ đầu tiên của một thành viên với việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (1998), chủ trì xây dựng và thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) triển khai Tầm nhìn ASEAN 2020 cũng như đề ra các biện pháp ứng phó với các vấn đề nảy sinh sau khủng hoảng tài chính khu vực, để lại dấu ấn tốt đẹp đầu tiên của Việt Nam trong ASEAN. Ba năm tiếp theo đó, theo luân phiên, Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (2000-2001) khóa 34, chủ trì thành công chuỗi các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác tại Hà Nội tháng 7/2001, đề xuất và thông qua tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển, cụ thể hoá Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) nhằm đẩy mạnh phát triển đồng đều, bền vững trong Hiệp hội.

Vai trò của Việt Nam tiếp tục được thể hiện rõ nét qua những đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng các văn kiện định hướng lớn đưa ASEAN chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh liên kết và xây dựng cộng đồng như: Tuyên bố Hòa hợp Bali năm 2003, Chương trình Hành động Viên-chăn (VAP) năm 2004, Hiến chương ASEAN năm 2007, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015, Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN...

Một trong những kết quả nổi bật là Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010 - năm bản lề quan trọng đối với ASEAN trong kế hoạch 5 năm thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2015 trong giai đoạn chuyển tiếp đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống với tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động mới. Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác ASEAN với chủ đề “Hướng tới cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”; chủ trì tổ chức và điều hành một loạt các hoạt động quan trọng của ASEAN và thông qua nhiều Văn kiện, tuyên bố quan trọng, có tầm chiến lược trong định hướng phát triển của ASEAN. Việt Nam đã chủ động nêu các sáng kiến quan trọng trong việc lập một số cơ chế mới như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+8 (ADMM +), Hội nghị những người đứng đầu các cơ quan an ninh ASEAN (MACOSA), và việc Hội nghị Thượng đỉnh Đông á (EAS) đã được mở rộng với sự tham gia của Nga và Mỹ.

Trên nền tảng những kết quả tốt đẹp của năm 2010, Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò chủ động và tích cực trong triển khai các trọng tâm, ưu tiên hướng mạnh về mục tiêu hình thành Cộng đồng như nỗ lực thực hiện hiệu quả và đúng hạn Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển, triển khai kết nối ASEAN, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và triển khai các văn kiện và quyết sách chiến lược của ASEAN trong giai đoạn mới như Tuyên bố về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu (Tuyên bố Hòa hợp Bali III) năm 2011, Tuyên bố về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi của Cấp cao Đông á năm 2011, Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (AHRD) năm 2012, khởi động đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)...

Trong giai đoạn điều phối quan hệ ASEAN -Trung Quốc từ 2009-2012, Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hai bên đi vào chiều sâu và thực chất hơn, trong đó có việc thông qua chương trình hành động thực hiện Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc 2011-2015, các Nguyên tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) xây dựng các thành tố cơ bản của COC. Hội nhập và tham gia vào các hoạt động hợp tác của ASEAN cũng giúp Việt Nam tranh thủ được những lợi ích thiết thực về kinh tế - thương mại và văn hóa-xã hội, hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tham gia liên kết kinh tế nội khối ASEAN cũng như các thỏa thuận Thương mại tự do giữa ASEAN với các Đối tác một mặt giúp Việt Nam thu hút đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài, mặt khác, cũng là cầu nối để Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng trong và ngoài khu vực. Điển hình nhất là thông qua tham gia AFTA, quan hệ kinh tế - thương mại của ta tiếp tục được nhân lên trong và ngoài ASEAN với các thỏa thuận FTA của ASEAN với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand (sắp tới là Hồng Kông, EU, Mỹ)... và các khuôn khổ thương mại đa phương sâu rộng hơn là RCEP, TPP.

Hơn nữa, Việt Nam cũng tiếp nhận thêm nguồn lực, thông tin, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại, từng bước nâng cao năng lực thể chế và hội nhập quốc tế, tăng cường khả năng xử lý các vấn đề xuyên quốc gia... Đồng thời, ASEAN góp phần giúp Việt Nam xác định các mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển đất nước cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội thông qua việc theo đuổi các mục tiêu chung của ASEAN và tiến hành các bước cải cách, điều chỉnh trong nước cho phù hợp với các mục tiêu đó.

Trong giai đoạn từ nay đến 2015, Việt Nam tiếp tục dành ưu tiên cao và cam kết mạnh mẽ cùng các nước thành viên tập trung đưa Cộng đồng ASEAN đi vào hiện thực, đồng thời chuẩn bị cho những bước phát triền mới tiếp theo của cộng đồng ASEAN sau năm 2015.

Trong những khó khăn hạn chế chung của ASEAN, có thể nói Việt Nam là một trong những nước thành viên phải đối phó với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi phải có nhận thức, quyết sách và hành động kịp thời để bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong tiến trình hội nhập và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Thách thức hàng đầu xuất phát ngay từ trong nội tại, chúng ta, do xuất phát điếm thấp, năng lực cạnh tranh chậm được cải thiện, dù đã trải qua cả một tiến trình giảm thuế từ năm 1996 khi Việt Nam tham gia CEPT/AFTA, đến ân hạn ASEAN dành cho trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định thương mại hàng hoá ATIGA hiện nay. Những biện pháp mạnh mẽ đổi mới năng lực cạnh tranh, bao gồm nâng cao năng lực quản trị, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tích cực tìm kiếm đối tác liên doanh liên kết phải được đẩy mạnh trong các doanh nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.

Thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN là một nhiệm vụ quan trọng khác tạo ra cho Việt Nam và các nước thành viên ASEAN trong nỗ lực tiến tới Cộng đồng. Các bộ/ngành của Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN cũng cần chú trọng nâng cao hơn nữa sự phối hợp liên ngành, cũng như chuẩn bị sẵn sàng hơn cho việc đi tiếp những tầng nấc sâu rộng hơn của tiến trình liên kết trong Cộng đồng ASEAN. Công tác nghiên cứu, sẵn sàng cho các mức liên kết cao hơn trong ASEAN cần được tiến hành khẩn trương. Sự vận động thích ứng với các chuẩn mực chung ASEAN đang đề cao như về tuân thủ luật định, minh bạch, thị trường cạnh tranh... cũng cần được củng cố hơn nữa.

Công tác tuyên truyền, quảng bá về ASEAN tuy đã đạt một số kết quả quan trọng nhưng cần đẩy mạnh và tiến hành đồng bộ hơn nữa, nhất là nâng cao nhận thức và ý nghĩa thiết thực củn hợp tác ASEAN đến đông đảo người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Việt Nam cũng phải hết sức nỗ lực cùng các thành viên bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, giữ gìn môi trường thuận lợi cho ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng. Đây là một thách thức to lớn và là một nhiệm vụ không dễ dàng. Để thực hiện điều đó, việc duy trì đoàn kết thống nhất và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhìn tổng thể, đây là những thách thức trước mắt cũng như về lâu dài đối với chúng ta. Chúng ta cần tranh thủ trên hết những nhân tố thuận lợi khách quan của tiến trình phát triển Cộng đồng ASEAN để hóa giải các thách thức, nhanh chóng gia tăng nội lực quốc gia, thúc đẩy toàn diện các mặt hợp tác về chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa-xã hội... phục vụ xây dựng nền móng vững chắc cho an ninh quốc gia và phát triển bền vững.

Những nền tảng tốt đẹp của 18 năm vừa qua là điều đáng tự hào, song cũng là thách thức cho Việt Nam trong việc xác định một hướng đi mới, với tâm thế mới để cùng ASEAN bước vào cộng đồng sau năm 2015, cũng trùng với mốc đánh dấu tròn 20 năm Việt Nam gắn bó cùng ASEAN.

Là bộ phận gắn bó khăng khít, một thành viên có trách nhiệm trong ASEAN suốt 18 năm qua, tương lai phát triển của Việt Nam sẽ tiếp tục gắn với ASEAN. Một cộng đồng ASEAN vững mạnh, liên kết chặt chẽ chính là ưu tiên và lợi ích mà Việt Nam theo đuổi. Trên bước đường đi tới của ASEAN, Việt Nam sẽ chủ động tích cực cùng các thành viên ASEAN, đẩy mạnh đoàn kết, tăng cường hợp tác để hiện thực hóa thành công tầm nhìn về một cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm xã hội”, nơi người dân các quốc gia thành viên được “sống trong hòa bình, an ninh và ổn định bền vững, tăng trưởng kinh tế lâu dài, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội”./.
Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Không chủ quan với lạm phát

Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước ta tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,81%, thấp hơn mức CPI bình quân chung. Những con số này cho thấy diễn biến lạm phát vẫn cơ bản ổn định và trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều dự báo cũng cho thấy, giá...

Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới"*

Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu Diễn văn do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ngay sau lễ mít tinh là chương trình diễu binh, diễu...

Chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện sống động bằng công nghệ 3D Mapping

Người dân Thủ đô Hà Nội có cơ hội ôn lại lịch sử, sống lại những khoảnh khắc hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ với việc bức tranh “Chiến dịch Điện Biên Phủ” được trình chiếu bằng công nghệ 3D Mapping, với âm thanh và lời thuyết minh sống động.

Sẽ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)”

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), ngày 5/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” gồm 4 mẫu tem ngay tại Điện Biên Phủ.

4 nhóm chỉ tiêu phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (Chiến lược AI ứng dụng)

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Kế hoạch hành động năm 2024 triển khai chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.