Biến các di sản trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

Không để các di sản “ngủ quên” mà nỗ lực biến các di sản thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm nâng cao đời sống nhân dân là chủ trương đúng, đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện thực hóa.

Từ di sản thành sản phẩm du lịch

Năm nào cũng vậy, mỗi khi mùa xuân đến, thành phố Lào Cai lại đông vui nhộn nhịp bởi hàng vạn du khách trong nước và quốc tế hội tụ về mảnh đất biên giới, cùng hòa chung không khí tưng bừng của Hội Xuân Đền Thượng. Đền Thượng là ngôi đền linh thiêng thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng có công bảo vệ biên giới Lào Cai. Nơi đây có cây đa cổ thụ hơn 300 năm tuổi tỏa bóng xum xuê đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Lễ hội Đền Thượng ngày nay ngoài ý nghĩa tâm linh, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, còn trở thành ngày hội đầu xuân thu hút hàng vạn du khách thập phương đến tham quan di tích và khám phá vẻ đẹp của thành phố biên cương. Trong khuôn khổ của lễ hội, còn có các trò chơi dân gian hấp dẫn, hội chợ thương mại và khu ẩm thực phong phú với nhiều đặc sản để du khách thỏa sức mua sắm, thưởng thức. Đền Thượng đã và đang trở thành điểm du lịch tâm linh không thể thiếu của du khách khi đến thăm thành phố Lào Cai.

Lễ hội xuống đồng xã Tả Van (Sa Pa) thu hút đông đảo du khách tới tham quan.

Không chỉ ở thành phố, những năm qua, đồng bào vùng cao Lào Cai đã biết giữ gìn các di sản văn hóa độc đáo của mình để làm du lịch, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Điển hình nhất phải kể đến Sa Pa, chỉ cần dạo quanh thị trấn Sa Pa, du khách cũng có thể mua được những món đồ lưu niệm độc đáo như khăn, áo, mũ, túi xách, dây đeo chìa khóa thổ cẩm thêu hoa văn tinh tế, trống da dê, tù và sừng trâu, chuông đồng, vòng chạm khắc bạc, khèn Mông, sáo Mông, thuốc tắm của dân tộc Dao đỏ, thậm chí có cả cây nỏ dân tộc, con dao chuôi nạm đồng, chiếc mõ trâu…Chị Lý Tả Mẩy, dân tộc Dao đỏ, xã Tả Phìn chia sẻ: “Từ xa xưa, đồng bào vùng cao Sa Pa đã làm ra những sản phẩm để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Còn bây giờ, đó là sản phẩm lưu niệm độc đáo để bán cho du khách. Như tôi bán hàng lưu niệm làm từ thổ cẩm ngay tại xã mỗi ngày có được 100 - 200 nghìn đồng để trang trải cuộc sống. Hôm nào đông khách còn bán được nhiều tiền hơn. Nếu chỉ trồng ngô, cấy lúa như trước thì lao động vất vả mà cuộc sống vẫn khó khăn”. Được biết, ở các xã: Tả Phìn, Tả Van, Lao Chải, San Sả Hồ, Nậm Cang... đồng bào các dân tộc: Mông, Dao, Giáy, Tày…đã và đang “đánh thức” những di sản để phát triển du lịch cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi diện mạo vùng cao.

Cần sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”

Thực tế thời gian qua, việc thực hiện chủ trương “Biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch” có hiệu quả mới chỉ tập trung ở một số ít địa phương như Sa Pa, Bắc Hà, thành phố Lào Cai. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để các địa phương khác trong tỉnh cũng bảo tồn, khai thác tốt các di sản văn hóa trở thành nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân? Là một người luôn đau đáu với việc gìn giữ các di sản của dân tộc, nghệ nhân Vàng Sín Phìn, dân tộc Thu Lao, xã Nàn Sán (Si Ma Cai) bày tỏ: Hiện ở Lào Cai, một số di sản văn hóa đang bị “lãng quên”, có nguy cơ biến mất cùng với quá trình đô thị hóa. Thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số nhiều nơi ít mặn mà với tiếng nói của dân tộc mình, ngại nói tiếng dân tộc mà chỉ nói tiếng phổ thông. Nhiều nam, nữ thanh niên không mặc trang phục của dân tộc mình trong ngày thường và cả ngày lễ, không biết chơi nhạc cụ, hát dân ca… Khi di sản bị mai một, bản sắc văn hóa bị ảnh hưởng, tất yếu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với cộng đồng. Do đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng trở nên cấp thiết.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Muốn “Biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch”, thì cần có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”. Nhà nước định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho toàn vùng. Các gia đình người dân tham gia làm du lịch đều có quyền lợi và nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hoá dân tộc. Các nhà doanh nghiệp tăng cường quảng bá đưa du khách đến tham quan. Các nhà khoa học tư vấn cho người dân biện pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Khi đó, bản sắc văn hoá dân tộc trở thành nguồn lực cho du lịch cộng đồng phát triển. Du lịch càng phát triển thì càng khuyến khích người dân bảo tồn được di sản văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, trong quá trình “Biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch”, cần đảm bảo các nguyên tắc: Đề cao vai trò của cộng đồng; phát triển du lịch cộng đồng phải theo định hướng phát triển du lịch bền vững; các sản phẩm du lịch đều phải thấm đậm các yếu tố văn hoá truyền thống của dân tộc; các chương trình văn nghệ, nghi lễ trình diễn, sinh hoạt văn hoá phải tôn trọng tính khách quan, chân thực của bản sắc dân tộc, tuyệt đối không làm giả các sinh hoạt văn hoá truyền thống nhằm mục đích thu hút khách. Chỉ khi làm được như vậy, thì du lịch mới phát triển bền vững, di sản được bảo tồn, phát huy giá trị để trở thành tài sản, là động lực phát triển kinh tế - xã hội./.

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn

Ngón huyền trên cung đàn tính ở thôn Phẻo

Từ lâu, thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng vẫn duy trì và phát triển đội văn nghệ quần chúng gồm hơn 20 thành viên, chủ yếu là phụ nữ và tất cả đều là đồng bào Tày. Những lúc nông nhàn, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ hay buổi tối, chị em lại tề tựu về nhà văn hóa thôn tập và trao truyền cho nhau...