Nga và Việt Nam: 65 năm hữu nghị và hợp tác

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Liên bang Nga (30/1/1950-30/1/2015), Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga S.V.Lavrov đã có bài viết về tình hữu nghị và hợp tác gắn bó giữa hai dân tộc qua các thời kỳ. Báo điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu nội dung bài viết.
Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga S.V.Lavrov.
Ngày 30/1, Nga và Việt Nam kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đất nước chúng tôi là một trong số những nước đầu tiên công nhận Nhà nước Việt Nam, qua đó đã góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nền tảng vững chắc của tình hữu nghị và hợp tác gắn bó giữa hai nước chúng ta đã được hình thành trong cuộc đấu tranh đầy gian khó giành độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi đã giúp đỡ các bạn Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau đó là khôi phục nền kinh tế bị phá hủy. Với sự hỗ trợ của Liên Xô (trước đây), đã có gần 300 công trình được xây dựng tại Việt Nam, trong đó có tổ hợp năng lượng - nhiên liệu và các ngành công nghiệp chủ chốt.

Các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trị An cũng như Xí nghiệp liên doanh khai thác dầu khí trên thềm lục địa nam Việt Nam Vietsovpetro vẫn là minh chứng của niềm tự hào chung và cho đến nay Vietsovpetro vẫn nằm trong số các công ty dầu khí hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới.

Trong Hiệp ước hai nước ký kết năm 1994 về các cơ sở quan hệ hữu nghị ghi rõ, các nguyên tắc cơ bản là hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, là điểm đặc trưng của quan hệ song phương trong thời đại mới, khẳng định nguyện vọng hai bên tăng cường quan hệ chặt chẽ theo các định hướng truyền thống cũng như đề ra các phương hướng triển vọng mới.

Đối thoại chính trị, kể cả ở cấp cao không ngừng được thúc đẩy, cho phép chúng ta nhìn nhận và đánh giá lại một cách tin cậy, mang tính xây dựng việc thực hiện các nhiệm vụ hợp tác chung trong các lĩnh vực chủ chốt, đề ra các mục tiêu định hướng cho tương lai.

Các dấu mốc quan trọng nhất làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Nga V. Putin vào tháng 3/2001, hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam; chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7/2012 với kết quả là quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta đã nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Gần đây nhất, Tổng thống Nga V. Putin đã sang thăm Việt Nam vào tháng 11/2013. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng thường xuyên thăm Nga, trong  đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Nga ngày 23 đến 26/11/2014.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Chúng tôi đánh giá cao việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận lời mời tham dự các hoạt động trọng thể tại Moskva nhân sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ này. Trong năm 2015, kế hoạch trao đổi đoàn của chúng ta có chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Liên bang Nga D. Medvedev và chuyến thăm Nga của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Chúng tôi tin tưởng rằng, kết quả các chuyến thăm này sẽ tạo thêm động lực cho quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước chúng ta. Quan hệ hợp tác thương mại-đầu tư đang chuyển biến tích cực nhờ hoạt động hiệu quả của Ủy ban liên Chính phủ Nga -Việt về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.

Trong vòng hai thập kỷ gần đây, kim ngạch thương mại song phương tăng 10 lần, đạt ba tỷ USD vào năm ngoái. Lãnh đạo hai nước đã đặt ra nhiệm vụ đầy tham vọng là đến năm 2020 đưa chỉ tiêu này lên 10 tỷ USD. Chúng tôi cho rằng, để thực hiện được mục tiêu đề ra, Hiệp định tự do thương mại sắp tới giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhất, cho phép hình thành một môi trường thương mại-đầu tư mới có chất lượng, tối ưu hóa cơ cấu thương mại giữa các bên, tăng mạnh dòng vốn đầu tư, công nghệ, nguồn lao động, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên tham gia.

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng-nhiên liệu bao gồm thăm dò và khai thác dầu khí là nền tảng quan trọng trong quan hệ đối tác Nga-Việt. Các tập đoàn của hai nước như Công ty cổ phần Gazprom, Công ty cổ phần Zarubezhneft, Công ty cổ phần Rosneft và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrovietnam đang thực hiện thành công các dự án liên doanh trên lãnh thổ Nga và Việt Nam, tích cực tạo cơ hội chuyển sang hợp tác sản xuất trong các lĩnh vực như chế biến dầu và hóa dầu, cung cấp cho Việt Nam dầu và khí hóa lỏng, phối hợp sản xuất nhiên liệu cho động cơ chạy ga. Hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân vì mục đích hòa bình cũng mang tính chiến lược. Tập đoàn Nhà nước Rosatom đang thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam "Ninh Thuận 1", trong đó sử dụng công nghệ tiên tiến hoàn toàn phù hợp các yêu cầu an toàn quốc tế khắt khe nhất. Hợp tác trong lĩnh vực này sẽ giúp phát triển đồng bộ lĩnh vực nguyên tử của Việt Nam, bao gồm xây dựng cơ sở pháp lý và đào tạo cán bộ.

Ngoài ra, hai bên còn hợp tác xây dựng tại Việt Nam Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân và như chúng ta mong đợi, Trung tâm này sẽ nằm trong số các trung tâm khoa học hàng đầu của Đông Nam Á. Các công ty Nga sẵn sàng tích cực tham gia vào việc hiện đại hóa các công trình được Liên Xô xây dựng trước đây, cũng như vào việc xây dựng các công trình năng lượng mới theo Kế hoạch phát triển điện năng của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030. Các lĩnh vực hợp tác triển vọng khác chúng tôi mong muốn hợp tác gồm các dự án trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, giao thông vận tải, chế tạo máy, cung cấp cho Việt Nam công nghệ hàng không của Nga.

Hợp tác khoa học-công nghệ là bộ phận cấu thành quan trọng trong quan hệ đối tác Việt-Nga. Trung tâm Nhiệt đới Nghiên cứu khoa học-công nghệ Nga-Việt đã hoạt động tại Việt Nam hơn một phần tư thế kỷ, nay giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này. Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước đang hết sức thành công. Trong những năm qua, hàng chục nghìn công dân Việt Nam được đào tạo tại Nga theo các chuyên ngành khác nhau. Hiện có gần 6.000 công dân Việt Nam đang học tập tại các trường đại học của Nga, trong đó gần 2.000 người theo con đường nhà nước. Chỉ tiêu học bổng theo kinh phí ngân sách nhà nước Nga dành cho Việt Nam tăng hằng năm, đến năm 2020 sẽ là 1.000 suất. Hai bên đang tiếp tục hợp tác xây dựng Trường đại học Công nghệ Việt-Nga, ngôi trường trong tương lai có nhiệm vụ trở thành một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu khu vực.

Các cuộc tiếp xúc theo kênh Đảng, Quốc hội, các cơ quan đoàn thể được thực hiện thường xuyên. Giao lưu văn hóa tiếp tục được mở rộng, các Ngày Văn hóa của mỗi nước được tổ chức thường niên. Trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng được các công dân Nga biết đến như là một điểm du lịch hấp dẫn - năm ngoái đã có gần 400 nghìn công dân Nga sang thăm Việt Nam. Ngành du lịch được khẳng định chắc chắn là một trong những phương hướng hợp tác quan trọng nhất. Nga và Việt Nam phối hợp chặt chẽ trên trường quốc tế.

Hai nước chúng ta có các quan điểm đồng nhất hoặc gần gũi về những vấn đề cấp bách then chốt, trong đó có việc xây dựng một trật tự thế giới mới đa cực dân chủ và công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, tôn trọng đặc điểm riêng của mỗi dân tộc, quyền tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình.

Đối với chúng tôi, hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương là hướng ưu tiên chiến lược. Nga mong muốn sử dụng tối đa tiềm năng to lớn của mình góp phần vào quá trình phát triển mạnh mẽ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có cả việc phát triển vùng Viễn Đông và Đông Sibir của Nga.

Do vậy, chúng tôi quan tâm đến việc tham gia tích cực vào các quá trình hội nhập khu vực, xây dựng tại khu vực cấu trúc an ninh bình đẳng và không thể chia tách. Sáng kiến của chúng tôi phối hợp Trung Quốc và Brunei soạn thảo các nguyên tắc khung về hợp tác trong lĩnh vực này đã được ủng hộ tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 8 vào tháng 10/2013. Chúng tôi cũng quan tâm phối hợp với các bạn Việt Nam nhằm tiếp tục thúc đẩy sáng kiến này.

Trong suốt 65 năm, quan hệ Nga-Việt đã trải qua một chặng đường vẻ vang. Điều đáng mừng là trong thời gian đó, chúng ta không những duy trì mà còn nhân lên truyền thống hữu nghị, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta hiện có nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục tăng cường quan hệ song phương. Tôi tin tưởng rằng, với nỗ lực chung, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được thành công to lớn trong mọi lĩnh vực, vì lợi ích của hai nước và hai dân tộc chúng ta, vì hòa bình và phát triển bền vững trong khu vực.

 * Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ cũng đã có cuộc phỏng vấn Đại biện lâm thời Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam V.V.Bublikov. Ông V.V.Bublikov khẳng định: "Quan hệ Việt-Nga được xây dựng trên nền móng vững chắc".

Ông V.V.Bublikov cho biết mục tiêu chiến lược của Nga là đến năm 2020 kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam đạt đến 10 tỷ USD. Vì lý do đó sự ưu tiên vô điều kiện là việc hoàn tất tiến trình đàm phán về việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Âu-Á (Nga, Armenia, Belorussia, Kazakhstan) và Việt Nam. Điều này sẽ mở ra những cơ hội mới để gia tăng khối lượng kim ngạch thương mại và đầu tư tương hỗ.

Phía Nga đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gia tăng khối lượng cung cấp sản phẩm cho thị trường Nga. Chúng tôi mời các nhà đầu tư Việt Nam tham gia việc thành lập những dây chuyền sản xuất nông nghiệp, các liên doanh về chế biến hải sản, gỗ, dệt may, sản xuất giày trên lãnh thổ Liên bang Nga, kể cả tại Sibir và Viễn Đông.

Nga và Việt Nam có những triển vọng tốt đẹp để tăng cường sự phối hợp hành động trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự, khai thác và chế biến khoáng sản, chế tạo máy, nhiên liệu-năng lượng và các lĩnh vực khác. Tổ công tác cao cấp về các dự án đầu tư ưu tiên đang nghiên cứu soạn thảo 17 dự án với tổng số tiền là 20 tỷ USD.

Ông V.V.Bublikov khẳng định Nga quan tâm đến việc tiếp tục mở rộng sự hợp tác với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, sự gần gũi trong quan điểm của hai nước về các vấn đề căn bản trong chương trình nghị sự quốc tế đã tạo nên cơ sở thuận lợi cho sự phối hợp hành động hiệu quả giữa hai nước trên tầm quốc tế và khu vực.

Chính sách phát triển toàn diện các mối quan hệ với Việt Nam đã được kiểm nghiệm bởi thời gian và không bị tác động bởi những giao động cục diện. Chính sách đó đã được ghi nhận trong các văn bản có tính cơ sở như Học thuyết về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga đã được phê duyệt bởi Tổng thống Liên bang Nga V.V.Putin ngày 12 tháng 2 năm 2013 và Pháp lệnh Tổng thống "Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại của Liên bang Nga" ký ngày 7 tháng 5 năm 2012.

Ngày nay Nga và Việt Nam là hai đối tác chiến lược và là những người bạn tin cậy, đang tự tin tiến đến những chân trời mới của sự hợp tác cùng có lợi. Đây chính là thành tựu chủ yếu của sáu thập kỷ rưỡi qua./.


Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.