Tháng Giêng với mùa lễ hội ở thành phố Lào Cai

Thành phố Lào Cai bắt nguồn từ địa danh khu đô thị cổ “Lão Nhai” nghĩa là “Phố cổ”, là trung tâm kinh tế, chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Lào Cai. Bên cạnh những cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng, thành phố Lào Cai còn là nơi giao lưu các nền văn hóa khác nhau, cứ sau tết Nguyên Đán hàng năm, các lễ hội lại diễn ra với đa sắc màu văn hóa, là địa chỉ cho du khách gần xa tìm đến.

Đầu tiên phải kể đến lễ hội “Xuống đồng”, thường được tổ chức vào ngày Thìn đầu năm ở các xã, phường: Tả Phời, Hợp Thành, Đồng Tuyển, Vạn Hoà, Cam Đường, Nam Cường. Đây là lễ hội truyền thống theo phong tục tập quán của dân tộc Tày, Giáy ở thành phố Lào Cai. Trong không khí của những ngày đầu xuân mới, bà con các dân tộc Tày, Giáy ở các xã ngoại thành và đông đảo du khách gần xa lại nô nức về với lễ hội xuống đồng, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu, thóc đầy bồ, lợn, gà đầy chuồng, nhân khang vật thịnh, cuộc sống no ấm hạnh phúc.

Lễ hội xuống đồng được tổ chức gồm 2 phần: Phần lễ tổ chức rất công phu trang trọng theo đúng nghi lễ truyền thống. Trước một khoảng không đã được đặt sẵn những mâm cỗ lễ cúng trời đất, thần linh do các vị chức sắc và các thầy cúng trong làng sắp đặt. Đến giờ hoàng đạo các vị chức sắc và thầy cúng trong làng bắt đầu tổ chức lễ cúng dân gian. Sau lễ cầu an, người chủ hội dắt một con trâu đực đã được chọn lựa từ trước để đi những đường cày đầu tiên, tất cả tin rằng, nếu đường cày thẳng thì năm ấy họ sẽ gặp được nhiều may mắn, mùa màng bội thu. Sau phần lễ, phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc của các dân tộc như: Ném còn, kéo co, đẩy gậy cùng các tiết mục văn nghệ đặc sắc được tổ chức. Lễ hội xuống đồng như tiếp thêm sinh lực mới cho người dân trong sản xuất và xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hoá cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.   
  


Lễ rước kiệu tại Đền Thượng

Đến với thành phố, vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm du khách sẽ được hòa mình vào không khí của lễ hội xuân Đền Thượng, nơi thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Vị tướng tài, với đầy đủ ân - uy - trí - dũng đã có công cùng quân dân nhà Trần ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông xâm lược, giữ yên bờ cõi biên cương của tổ quốc. Ghi nhớ công lao của ông, người dân làng Lão Nhai đã lập Đền Thượng trên đồi Hỏa Hiệu, núi Mai Lĩnh, nay là phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đền Thượng được trùng tu tôn tạo và được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Lễ hội thường diễn ra trong ba ngày với nhiều hoạt động văn hóa phong phú mang đậm bản sắc các dân tộc Lào Cai. Cùng với sự quan tâm đầu tư của thành phố, lễ hội Đền Thượng ngày càng hội tụ nhiều nét đặc sắc mới.

Từ ngày 13 tháng Giêng, các hoạt động lễ hội bắt đầu diễn ra: Hội Báo xuân, trưng bày triển lãm hàng trăm ấn phẩm báo, tạp chí. Đêm thơ Nguyên Tiêu, lại tạo nên không gian trầm lắng, với những vần điệu làm níu chân du khách. Ngày 14 tháng Giêng, diễn ra Lễ tế dân gian và dâng mâm lễ của các xã, phường, các sở, ban, ngành và các huyện, tại Đền Thượng. Cùng với đó là các hoạt động thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian được tổ chức. Đúng ngày rằm tháng Giêng, Lễ hội Đền Thượng chính thức được khai mạc, với lễ rước kiệu từ trụ sở UBND thành phố về Đền Thượng, lễ dâng hương được tổ chức trang trọng luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách. Sau lễ dâng hương là chương trình khai hội với màn diễn sử tái hiện lịch sử hào hùng của mảnh đất, con người Lào Cai. Lễ hội xuân Đền Thượng còn là dịp để các xã phường trên địa bàn thành phố, các huyện, cùng nhiều doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu những sản vật đặc trưng, các tiềm năng của địa phương đến với du khách.

Đền Mẫu theo truyền tụng trong nhân dân ngay từ lần giáng sinh thứ hai chúa Liễu Hạnh thường lui tới cửa ải Lê Hoa (tức cửa khẩu Lào Cai ngày nay). Thủa ấy rừng thiêng nước độc, thú giữ hoành hành, nạn giặc giã quấy nhiễu thường xuyên nhưng vị thế ở nơi đây rất đẹp, sơn thuỷ hữu tình, nơi hội tụ khí thiêng sông núi. Chúa Liễu Hạnh thường lui tới nơi đây cứu giúp nhân dân trong vùng cứu khổ cứu nạn, trừ ác giúp đỡ người lành và quân triều đình dẹp giặc. Chúa Liễu Hạnh thường hiển linh là người bán hàng cơm, hàng quà, hàng nước cứu độ làm phúc cho người cơ nhỡ, cho quân lính triều đình đến đây coi giữ cửa ải Lê Hoa. Để tưởng nhớ công lao đức độ của Chúa Liễu Hạnh, nhân dân đã lập đền thờ Người ngay tại nơi bà lui tới, vị trí của đền hiện nay. Về sau thời Nguyễn xét công trạng của bách thần cả nước đã phong mệnh ấn bảo cho thánh mẫu Liễu Hạnh.

Nằm trên địa bàn phường Phố Mới, cách đây gần 200 năm, Đền Cấm được xây dựng trong khu rừng Cấm phía sau ga quốc tế Lào Cai, để tưởng nhớ chiến công oanh liệt của quân và dân ta dưới thời Trần. Đền Cấm được xây dựng để thờ phụng và ghi nhớ công ơn các quan binh nhà Trần đã hy sinh oanh liệt trong chiến trận. Đồng thời biểu thị lòng ngưỡng mộ với anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Đặc biệt Đền Cấm thờ một nhân vật hết sức quan trọng là bà Chúa Cấm - Người được nhân dân địa phương tôn vinh như một vị thần chữa bệnh cho dân. Đền Cấm qua nhiều lần trùng tu Năm 2001, Đền Cấm được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Xuôi về phía Nam thành phố, Đền Đôi Cô được xây dựng cách đây hơn 200 năm (từ thời Tự Đức). Đền Đôi Cô xây dựng thờ hai cô (cô Hà Thị Én và một cô gái hầu) có công đưa lương thực thực phẩm, muối, đường, hàng hoá từ miền xuôi lên miền ngược phục vụ nhân dân. Trong một chuyến đi hai cô bị giặc cướp bắt giết quăng xác xuống suối, xác hai cô trôi dạt tụ lại đoạn suối thôn Chiềng. Thương tiếc và ghi nhớ công ơn của hai cô, nhân dân địa phương đã vớt xác, chôn cất lập đền thờ gọi là Đền Đôi Cô ngày nay.

Bên cạnh Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Cấm, Đền Đôi Cô, những di tích gắn với đời sống văn hóa tâm linh, thờ người có công với nước, gắn với việc rèn dạy con người từ - bi - hỉ - xả và nêu cao tinh thần xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Trên địa bàn thành phố còn có Chùa Tân Bảo ở phường Lào Cai và Chùa Cam Lộ Tự ở phường Bình Minh, nằm trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong những năm qua thành phố đã quan tâm đến việc trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, hoạt động tín ngưỡng có nhiều đổi mới, vì vậy số lượng du khách đến tham quan, vãn cảnh, dâng hương ngày càng tăng, mặt khác Lào Cai đã được tỉnh xác định là một trong những điểm đến của Chương trình Du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ, vì vậy đã tạo cho du lịch Lào Cai ngày càng khởi sắc.

Đến với thành phố Lào Cai, tham dự các lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không gian khoáng đạt của vùng biên ải, hòa mình vào các hoạt động văn hóa tâm linh, được hiểu thêm về văn hóa đặc sắc các dân tộc./.

 
Phan Ngọc

Tin Liên Quan

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn

Ngón huyền trên cung đàn tính ở thôn Phẻo

Từ lâu, thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng vẫn duy trì và phát triển đội văn nghệ quần chúng gồm hơn 20 thành viên, chủ yếu là phụ nữ và tất cả đều là đồng bào Tày. Những lúc nông nhàn, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ hay buổi tối, chị em lại tề tựu về nhà văn hóa thôn tập và trao truyền cho nhau...