Ngoại giao nghị viện Việt Nam - Ngoại giao vì hòa bình và phát triển

Năm 2014 vừa qua đi với những thành tựu nổi bật trong các hoạt động lập pháp và hoạt động triển khai Hiến pháp của Quốc hội. Đây cũng chính là nền tảng để Quốc hội Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện trong thời gian tới. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phỏng vấn đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về vấn đề này.
 

 Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu. (Ảnh: Tuyết Lan)


Phóng viên (PV): Kính thưa Phó chủ tịch Quốc hội, năm 2014, năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã đạt được dấu ấn đặc biệt khi có tới 29 luật và 11 nghị quyết được thông qua, trong đó tại kỳ họp thứ 8 có 18 luật. Với vai trò là lãnh đạo Quốc hội phụ trách công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch có thể điểm lại những kết quả nổi bật trong công tác lập pháp năm vừa qua, đặc biệt là trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp mới 2013?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Công tác xây dựng pháp luật luôn được xác định là một trọng tâm trong hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là năm 2014 vừa qua, năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới. Để xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và tiếp tục cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế của nước ta theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp thì công tác lập pháp được xác định là một trong những khâu đột phá, chiến lược. Năm 2014, một số lượng lớn luật được xem xét, thông qua, cho ý kiến (29 luật, 11 nghị quyết được thông qua, 11 luật cho ý kiến). Đây là con số rất ấn tượng trong đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp của Quốc hội. Có nhiều dự án luật quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, khoa học, công nghệ và môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế…đã được ban hành.

Quốc hội đã quyết định sửa đổi kịp thời Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng của các thành phần kinh tế. Tất cả những ngành nghề cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh được quy định cụ thể, rõ ràng, bảo đảm tính công khai, minh bạch của Luật; Quốc hội cũng đã kịp thời sửa đổi một số quy định liên quan đến các luật thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Quốc hội đã sửa đổi các quy định liên quan đến thể chế của bộ máy nhà nước ta như thông qua Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đổi mới về cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; những quy định để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhất là các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) nhằm mục đích xây dựng một nền tư pháp độc lập, dân chủ, công minh. Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc độc lập của thẩm phán khi xét xử, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự…; cụ thể hóa quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát đã được quy định trong Hiến pháp… Quốc hội cũng đã cho ý kiến bước đầu về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) để bảo đảm Chính phủ, chính quyền địa phương, Kiểm toán nhà nước là các thiết chế hiến định quan trọng trong Nhà nước pháp quyền XHCN.

PV: Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua tại kỳ họp cuối năm 2014 và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2016. Thưa Phó Chủ tịch, tổ chức và hoạt động của Quốc hội sẽ có những đổi mới căn bản nào khi Luật mới này có hiệu lực?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Ngày 20/11/2014, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức Quốc hội thay thế Luật tổ chức Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001. Luật tổ chức Quốc hội được ban hành trên cơ sở thể chế hóa chủ trương, đường lối Đổi mới của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, kế thừa và phát triển Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, kết hợp với việc tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của nghị viện một số nước trên thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

So với Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, Luật tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội thông qua có một số nội dung mới căn bản trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Thứ nhất, Cụ thể hóa vị trí, vai trò của Quốc hội, các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại 16 điều luật tương ứng với 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội đã được ghi nhận tại Điều 69 và Điều 70 của Hiến pháp; cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Điều 74 của Hiến pháp thành 13 điều luật tương ứng. Trong đó có quy định rõ hơn thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; về ngân sách nhà nước, về nhân sự cấp cao của Nhà nước…

Thứ 2, xác định và thể hiện rõ hơn vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội là trung tâm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Luật quy định cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội…

Thứ 3, sửa đổi quy định về cơ cấu tổ chức và việc bầu, phê chuẩn các thành viên của Hội đồng, Ủy ban cho phù hợp với Hiến pháp mới.

Sửa đổi, bổ sung quan trọng về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội: bổ sung quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh về lĩnh vực mà Hội đồng dân tộc, các Ủy ban phụ trách; bổ sung trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc bảo vệ Hiến pháp nhằm cụ thể hóa Điều 119 của Hiến pháp; bổ sung, làm rõ hoạt động báo cáo, giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề cần thiết thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách ….

Thứ 4, trên cơ sở đánh giá hoạt động của Đoàn thư ký kỳ họp cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức phục vụ hoạt động của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội xác lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội thay thế cho Đoàn thư ký kỳ họp theo Luật tổ chức Quốc hội hiện hành. Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tổng thư ký là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Luật tổ chức Quốc hội đã thể hiện được các nguyên tắc, yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; thể hiện rõ hơn được vị trí, vai trò của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

PV: Phó Chủ tịch có thể chia sẻ rõ thêm về những nét mới cũng như các trọng điểm của hoạt động ngoại giao nghị viện trong năm 2015?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Trong năm qua, trên tinh thần triển khai Hiến pháp 2013, công tác đối ngoại của Quốc hội đã có nhiều đổi mới. Hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội năm 2014 được triển khai theo hướng tiếp tục thúc đẩy, đưa mối quan hệ hợp tác giữa Quốc hội ta với Quốc hội các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn, trong đó ưu tiên các đối tác có quan hệ hữu nghị đặc biệt, các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược, đối tác truyền thống; tăng cường hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội các nước, đồng thời giảm thiểu nhận thức sai lệch về tình hình Việt Nam. Hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội trong năm 2014 tiếp tục được triển khai với phương châm tích cực, chủ động và có trách nhiệm, củng cố vai trò của Quốc hội ta tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, với phương châm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nghị viện năm 2014 đã góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được năm 2014, năm 2015, Quốc hội tiếp tục xây dựng và triển khai hoạt động đối ngoại với các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện trong tổng thể ngoại giao nhà nước; tiếp tục phối hợp với đối ngoại Đảng và Nhà nước, ngoại giao nhân dân thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; tăng cường hoạt động đối ngoại với nghị viện các nước láng giềng, đối tác chiến lược và các đối tác ta cần tranh thủ; đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và lợi ích quốc gia, dân tộc; tăng cường công tác vận động, đấu tranh nghị trường trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; đưa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội ta với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.

Hai là, tập trung cao độ cho nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vào tháng ba tới đây và các hoạt động song phương bên lề sự kiện quan trọng này.

Ba là, đẩy mạnh công tác lập pháp phục vụ hội nhập quốc tế theo tinh thần Hiến pháp 2013; nhất là trong công tác xây dựng và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến yếu tố nước ngoài; các hiệp định, hiệp ước, các công ước, điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.

PV: Năm qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến khó lường, đặt ra nhiệm vụ rất quan trọng cho công tác đối ngoại nói chung, trong đó có đối ngoại nhân dân. Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, xin phó chủ tịch Quốc hội cho biết những nét chính của công tác đối ngoại nhân dân cũng như hoạt động của Ủy ban Hòa bình thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Trước những chuyển biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, tình hình ở Biển Đông, nhiệm vụ của công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng hết sức nặng nề và khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại song phương và đa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân phục vụ cho mục tiêu chung là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trong bối cảnh như vậy, Uỷ ban Hòa bình Việt Nam đã chủ động tổ chức và tham gia nhiều hoạt động ở trong và ngoài nước.

Uỷ ban tiếp tục chủ động tham gia và có vai trò tích cực trong các diễn đàn đa phương, mạng lưới khu vực và quốc tế như các hoạt động trong chương trình của Hội đồng hòa bình thế giới, Diễn đàn Nhân dân ASEAN, Diễn đàn Nhân dân Á - Âu; duy trì và mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức hoà bình và tiến bộ; tiếp tục triển khai hợp tác với các đối tác song phương truyền thống như Uỷ ban Hoà bình và Đoàn kết Lào, với Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc vì Hoà bình và Tài giảm quân bị trong bối cảnh căng thẳng tại biển Đông. Ủy ban tiếp tục trao đổi thông tin, kinh nghịêm về hoạt động hoà bình, công tác tổ chức và tham gia Diễn đàn Nhân dân khu vực cũng như chia sẻ thông tin, đánh giá về các vấn đề như khủng hoảng toàn cầu, kinh nghiệm đấu tranh về dân chủ, nhân quyền; vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam và có hình thức trao đổi, đấu tranh phù hợp trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông.. Trong năm qua, Ủy ban đã nhận được Tuyên bố ủng hộ của Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới; Ban Thư ký Hội đồng Hòa bình Thế giới (đã trích dẫn nội dung các Tuyên bố đó đăng lên các báo của Liên hiệp và trang báo điện tử của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam); và Thư của Hội đồng chống bom A & H của Nhật Bản bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam cũng như chia sẻ quan điểm của ta về việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Tại các hoạt động quốc tế, ta đã trao đổi để bạn bè quốc tế hiểu đúng về tình hình Biển Đông và quan điểm của Việt Nam, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Có thể thấy rằng, năm 2014 tiếng nói hòa bình được cất lên một cách mạnh mẽ. Uỷ ban Hòa bình Việt Nam đã cùng nhân dân cả nước tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động chính trị đối ngoại song phương, đa phương cũng như và nhiều hoạt động khác đã góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Trong năm 2014, Ủy ban cũng triển khai một số hoạt động nghiên cứu, hội nghị, hội thảo khoa học về dân chủ, nhân quyền, tích cực chuẩn bị kỷ niệm 65 năm thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Phó chủ tịch Quốc hội năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.