Đối ngoại 2014: Chủ động, toàn diện, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam

Trong năm 2014, công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân đã triển khai tích cực chủ động toàn diện mang lại nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động đối ngoại sôi động, mang tính chiến lược quan trọng trải dài trên các khu vực từ song phương đến đa phương đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Truyền hình Quốc hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2014, Việt Nam đã tích cực đưa quan hệ với các nước láng giềng, có vai trò quan trọng đi vào chiều sâu ổn định và có hiệu quả. Các hoạt động đa phương đã chuyển từ tham gia sang tích cực, chủ động xây dựng, định hình các khuôn khổ của ngoại giao đa phương, đưa vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới. Trong năm 2014, sự phối hợp của các bộ ngành, nhất là giữa Ngoại giao, Quốc phòng, An ninh, Truyền thông đã tạo mặt trận quan trọng trong bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Đánh giá về những thành tựu đối ngoại nổi bật của nước ta trong năm 2014, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Năm 2014, tình hình trên thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp và bất ổn, thu hút sự quan tâm không những ở Việt Nam mà ở cả các nước khác trên thế giới. Trong khi đó, kinh tế thế giới có phục hồi nhưng chậm. Tất cả những điều đó đều có tác động đến môi trường hòa bình, phát triển của Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã được triển khai toàn diện, rộng khắp từ song phương đến đa phương và thu được nhiều kết quả tích cực, quan trọng là đóng góp vào mục tiêu duy trì môi trường hòa bình, ổn định đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Năm 2014, chúng ta đã triển khai rất tích cực các mối quan hệ. Chúng ta đã đưa các mối quan hệ đã được định hình về khuôn khổ quan hệ trong những năm trước, như quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ đối tác toàn diện, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Qua đó tăng cường sự tin cậy về chính trị, hiệu quả về kinh tế.

Cụ thể, ta đã đẩy mạnh quan hệ với Lào, Campuchia trên cơ sở tăng cường sự tin cậy về chính trị, kinh tế; hay các đối tác chiến lược như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc; quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ… Trên thực tế, hợp tác kinh tế với các nước này đều tăng nhanh, thể hiện qua kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược và toàn diện tăng trung bình khoảng 20%. Đó là kết quả cụ thể của việc chúng ta đưa quan hệ với các nước đối tác chiến lược và toàn diện đi vào chiều sâu.

Trên bình diện đa phương, chúng ta đã chuyển từ việc tham gia sang chủ động tích cực, đóng góp vào xây dựng khuôn khổ của các cơ chế đa phương. Việt Nam đã nêu nhiều sáng kiến góp phần tích cực vào xây dựng luật chơi của các khuôn khổ diễn đàn đa phương như trong ASEAN, ASEM hay APEC…

Điều đáng nói là trong năm 2014, hoạt động đối ngoại cũng đã tập trung vào việc gìn giữ, bảo vệ quyền, chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông và hoạt động này đã đạt kết quả rất tích cực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, chính sách đối ngoại của chúng ta luôn luôn thực hiện hai mục tiêu đó là duy trì hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước nhưng đồng thời đóng góp vào bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong đó có quyền, chủ quyền trên biển.

Trong năm 2014, tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông và có thể nói là phức tạp nhất từ năm 1988 hay 1991 trở lại đây. Với chủ trương bảo vệ cương quyết quyền, chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng ta đã triển khai đấu tranh trên thực địa, đồng thời lấy đấu tranh chính trị, ngoại giao làm mặt trận chính. Bởi phương châm của chúng ta là đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình.

Trong quá trình đó hoạt động ngoại giao đã được triển khai rất quyết liệt, tích cực thông qua đối thoạt trực tiếp với Trung Quốc. Và chúng ta luôn luôn duy trì các cuộc trao đổi, với hơn 40 cuộc từ tất cả các cấp, đã đóng góp vào việc đấu tranh, thể hiện quyết tâm đấu tranh bằng biện pháp hòa bình thông qua luật pháp quốc tế. Đồng thời, chúng ta làm cho bạn bè thế giới, các nước hiểu, ủng hộ lập trường của Việt Nam trong lập trường đối với vấn đề Biển Đông; cũng như quyết tâm đấu tranh của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, là đại biểu Quốc hội, ông đã có dịp đi tiếp xúc với cử tri các xã, các huyện của Quảng Ninh từ vùng đồng bằng cho đến miền núi cũng như ở vùng biển và biên giới. Có thể nói cử tri tỉnh Quảng Ninh mà Phó Thủ tướng tiếp xúc có sự quan tâm rất sâu sắc đến quan hệ, chính sách đối ngoại của chúng ta với các nước, làm sao duy trì môi trường hòa bình, quan hệ hữu nghị với các nước. Từ đó tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, người dân được sống yên ổn, để làm ăn sinh sống, làm giàu. Có thể nói qua các tiếp xúc, cử tri đều mong muốn Đảng, Nhà nước triển khai chính sách đối ngoại chủ động tích cực và thúc đẩy quan hệ với các nước. Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc, việc duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc cũng như quan hệ giao thương giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc là mong muốn của người dân, của cử tri.

Người dân, cử tri rất đồng lòng với chính sách của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là trong năm 2014 với những diễn biến xảy ra ở Biển Đông và hoàn toàn tin tưởng đối với Đảng, Nhà nước đã có những chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề.

Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.