Tô thắm sắc biên cương

“Các anh được người dân tin yêu như chính con em mình, bởi đã mang đến quyết tâm, trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhân dân nơi đây những lúc khó khăn nhất, giúp họ vươn lên làm giàu trên mảnh đất khó nơi địa đầu Tổ quốc”. Đó là bộc bạch của Trưởng thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai (Mường Khương) về tình cảm của người dân với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Lầu.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu giúp nhân dân thôn Cốc Lầy làm đường giao thông nông thôn.

Ngày đầu xuân, chúng tôi cùng các chiến sĩ quân hàm xanh lên ăn tết truyền thống của người Mông ở thôn Cốc Lầy. Trên đường vào thôn, ai cũng trầm trồ trước sự đổi thay của vùng đất biên cương nơi đây bởi những đồi chuối, nương chè xanh mướt trải dài ngút tầm mắt; dọc hai bên đường thấp thoáng những ngôi nhà mới xây còn tươi màu sơn, gợi cảm giác về một vùng quê bình yên và trù phú. Đài nhà ai đó đang mở bài hát tiếng Mông vang vọng khắp thôn. Theo lời dịch của một thành viên trong đoàn thì đó là bài “Khúc hát được mùa”, vì năm nay cây ngô, cây chè, cây chuối đều cho năng suất cao, nên đồng bào rất phấn khởi.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây khang trang, bên ấm trà Tuyết shan thơm phức, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cốc Lầy Sùng Seo Sài kể nhiều chuyện trong những ngày tháng vất vả, từ khi hơn 40 hộ người Mông từ Tả Gia Khâu và Dìn Chin về đây lập nghiệp cho đến bây giờ. Năm 2000, khi mới đến vùng đất này lập nghiệp, cả thôn không nhà nào có ruộng nước để cấy lúa, mà chỉ có ít đất trồng một vụ ngô và no, đói đều phụ thuộc vào ông trời. Nếu trời thương “mưa thuận, gió hòa”, ngô lên tốt thì còn có cái ăn, còn năm nào rét đậm hoặc khô hạn, ngô không lên được, đồng bào lại phải chịu đói vào mùa giáp hạt. Bây giờ thì khác rồi, cái nghèo, cái đói, cái lạc hậu dần lùi vào dĩ vãng, đồng bào người Mông ở Cốc Lầy không còn phải lo bị đói trong mùa giáp hạt như trước nữa. Hiện, cả thôn đã có trên 5 ha ruộng cấy 2 vụ lúa, hơn 20 ha chè Tuyết shan và 50 ha chuối đang cho thu hoạch, tổng thu nhập mỗi năm của người dân trong thôn lên đến vài tỷ đồng. Cuộc sống no đủ hơn, trẻ con không còn bỏ học theo cha mẹ đi nương nữa mà cùng bạn bè cắp sách đến trường. Trong thôn giờ đã xuất hiện những triệu phú nổi tiếng khắp xã như Sùng Seo Sử, Sùng Pao, Sùng Seo Chứ… là những người đi đầu trong phát triển kinh tế hộ với thu nhập từ cây chè, cây chuối lên đến cả trăm triệu đồng/năm.

Được biết, mấy năm trước, thôn biên giới Cốc Lầy là địa bàn mà Đảng bộ, chính quyền xã Lùng Vai cũng như lãnh đạo Đồn Biên phòng Bản Lầu lo lắng nhất, bởi thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông mới chuyển từ hai xã vùng cao xuống lập nghiệp theo chương chính sắp xếp dân cư của Nhà nước. Ban đầu, đời sống người dân còn rất khó khăn, an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều bất ổn vì ruộng, nương chưa nhiều, sản xuất chưa ổn định khiến người dân hay sang bên kia biên giới làm thuê kiếm sống nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục vi phạm pháp luật. Trước tình hình đó, chỉ huy Đồn Biên phòng Bản Lầu đã báo cáo cấp trên và thống nhất với chính quyền xã để đơn vị lập một tổ công tác xuống Cốc Lầy thực hiện “ba cùng” với bà con. Về đây, việc đầu tiên các chiến sĩ biên phòng làm là cùng với xã lo chỗ ở ổn định cho bà con, khai hoang đất phục vụ sản xuất rồi triển khai xây dựng các công trình dân sinh. Bên cạnh đó, các anh còn kiên trì vận động nhân dân từ những việc rất nhỏ, như làm nhà vệ sinh đúng quy chuẩn, khi ốm thì không mời thầy cúng mà ra Trạm Y tế xã khám - chữa bệnh, cho con em đến trường đầy đủ... cho đến việc tuyên truyền và hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình trồng chè, trồng chuối mô xuất khẩu… để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Gắn bó với vùng đất biên giới này đã nhiều năm, Trung úy Lục Văn Chương hiểu rõ đồng bào nơi đây cần gì. Từng ngõ xóm trong thôn không nơi nào là không có dấu chân anh và đồng đội. Anh tâm sự: “Sau mấy năm, được sự giúp đỡ của chính quyền và tổ công tác của bộ đội biên phòng cùng sự nỗ lực vượt khó của chính người dân, đời sống của bà con Cốc Lầy đã ổn định hơn, nhưng khó khăn thì vẫn còn nhiều, nên lãnh đạo Đồn Biên phòng Bản Lầu đã tham mưu cho chính quyền địa phương một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đặc biệt, từ năm 2012, khi Chi bộ thôn Cốc Lầy được thành lập, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Bản Lầu đã phân công tôi xuống sinh hoạt với chi bộ thôn. Ðể làm tốt công tác vận động quần chúng, tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác thường xuyên thực hiện “ba bám, bốn cùng” với bà con, hướng dẫn tại chỗ công tác xóa đói, giảm nghèo, đồng thời bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sau gần 2 năm kiên trì, thực hiện quyết liệt chủ trương của Đảng ủy xã và Ban Chỉ huy Đồn, bây giờ Chi bộ thôn đã có 6 đảng viên, trình độ nhận thức của đội ngũ đảng viên, cán bộ trong thôn được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Những việc làm cụ thể, thiết thực đó đã tạo được lòng tin của đồng bào nơi đây”.

Nói về những đóng góp của các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Lầu trong việc đưa thôn biên giới Cốc Lầy trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới, đồng chí Đỗ Ngọc Đản, Bí thư Đảng ủy xã Lùng Vai cho biết: Ngoài sự sát sao trong công tác lãnh đạo của chính quyền xã, sự cố gắng, nỗ lực của người dân thì không thể không nói đến những đóng góp rất lớn của các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Lầu. Các anh không chỉ giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và đời sống, xây dựng vùng đất biên giới ngày một giàu đẹp, mà còn giúp cho họ thêm tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Cốc Lầy đang chuyển mình trở thành thôn biên giới giàu đẹp, cả thôn có tới 75% hộ khá và giàu, không còn hộ đói, nghèo. Hầu hết các hộ trong thôn đã có nhà kiên cố, với tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và điều quan trọng là người dân đã yên tâm sản xuất, không còn tư tưởng bỏ vùng đất này đi nơi khác như trước.

Chia tay Cốc Lầy, nhìn những cái bắt tay đầy lưu luyến của người dân nơi đây với các chiến sỹ biên phòng, chúng tôi hiểu được tình cảm, sự gắn bó của họ đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố, vun đắp mối quan hệ đoàn kết quân - dân như cá với nước ở tuyến biên giới địa đầu Tổ quốc./.


 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai xử lý gần 600 trường hợp vi phạm giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã bố trí 347 tổ tuần tra kiểm soát, thực hiện 15.245 lượt kiểm tra, qua tuần tra phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với 591 trường hợp, ước số tiền xử phạt khoảng 1.751 triệu đồng.

Lào Cai tiếp tục nhân rộng mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”

Năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa nhằm khuyến khích, vận động người dân không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, khuyến khích thay thế túi nilon bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hằng năm (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5) do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998 và được các Ban ngành Trung ương, địa phương và Nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng giúp đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh góp phần làm...

Lào Cai: Quyết liệt hoá giải các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông

Với mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai và các ngành chức năng đã và đang tham mưu UBND tỉnh các giải pháp quyết liệt xử lý các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Lào Cai: Giá trị xuất nhập khẩu tháng 4 tăng mạnh so với cùng kỳ

Theo thống kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong tháng 4 vẫn đang trên đà tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2023.

Chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký Công điện số 03/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.