Sa Pa mở hướng phát triển du lịch tâm linh

Là thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế, Sa Pa không chỉ có phong cảnh thơ mộng, bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, mà còn có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa nhiều giá trị như: Đền Mẫu Sơn, Đền Hàng Phố, Đền Mẫu Thượng. Việc khai thác các di tích này gắn với phát triển du lịch tâm linh là hướng đi đang được quan tâm, nhưng cũng gặp không ít khó khăn.
Đền Mẫu Sơn mới được trùng tu khang trang.

Nhắc đến những di tích lịch sử văn hóa của huyện Sa Pa, trước hết phải nhắc đến Đền Hàng Phố. Từ Nhà thờ đá Sa Pa, thả bộ xuống chợ Sa Pa không xa là đến Đền Hàng Phố. Ngôi đền nằm bên đường Phan Xi Păng,  được lập từ cuối thế kỷ XIX, thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, vị danh tướng đời Trần 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông xâm lược, giữ yên bờ cõi vùng biên ải địa đầu Tổ quốc ta từ ngàn năm trước. Sở dĩ ngôi đền có tên là Đền Hàng Phố vì được tọa lạc trên mỏm đồi ngay bên con phố tấp nập người qua lại, cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp. Bà Lưu Thị Tính (tổ 8, thị trấn Sa Pa) cho biết: Ngày Rằm, Mùng 1 đầu tháng và các dịp lễ, tết, tôi và các con, các cháu thường lên Đền Hàng Phố dâng hương để tỏ lòng tưởng nhớ đến công lao của Đức thánh Trần Hưng Đạo và các vị tướng lĩnh, anh hùng có công với nước. Ngôi đền thiêng, nhưng nếu được trùng tu khang trang và đẹp hơn, thì chắc chắn không chỉ người dân Sa Pa mà sẽ có nhiều khách du lịch đến tham quan.

Cách Đền Hàng Phố không xa là Đền Mẫu Sơn và Đền Mẫu Thượng. Hai ngôi đền này cùng thờ Công chúa Liễu Hạnh, một trong 4 vị “tứ bất tử” được nhân dân tôn vinh theo quan niệm tâm linh của người Việt Nam. Đền Mẫu Sơn nằm ở tổ 4, trung tâm thị trấn Sa Pa. Các cao niên kể lại, đền được xây dựng cách đây gần 200 năm. Năm 2013, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, ngôi đền đã được đầu tư xây dựng đẹp đẽ, khang trang, bề thế. Từ Đền Mẫu Sơn, ngược dốc theo hướng Tây Bắc khoảng 3 km là đến Đền Mẫu Thượng, nằm ở tổ 11, thị trấn Sa Pa. Ngôi đền nằm trên địa hình cao, lưng tựa vào thế núi, mặt trông ra không gian thoáng đãng. Theo bà Phạm Thị Gái, thủ nhang Đền Mẫu Thượng thì đền này được xây dựng đã lâu, trước kia còn được gọi là Đền Máy cưa, vì nằm gần một xưởng máy cưa lớn của thực dân Pháp. Trước đây, đền bị hư hỏng nhiều, nên ít khách đến thăm. Từ năm 2002 đến nay, đền được tôn tạo lại, nên không chỉ có người dân Sa Pa mà còn có cả du khách thập phương đến dâng lễ, đông nhất là từ tháng Giêng đến tháng Bảy hằng năm. “Mong muốn của tôi là ngôi đền tiếp tục được trùng tu thật đẹp, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương” - bà Gái tâm sự.

Đền Hàng Phố, Đền Mẫu Sơn, Đền Mẫu Thượng là 3 di tích lịch sử - văn hóa quan trọng của Sa Pa, đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2005. Thời gian qua, những di tích này đã và đang mang lại những giá trị thiết thực: Giá trị lịch sử, giá trị giáo dục truyền thống văn hóa, giá trị tâm linh đối với nhân dân địa phương và du khách khi đến Sa Pa. Tuy nhiên, để biến những di sản này thực sự trở thành động lực phát triển du lịch thì còn không ít khó khăn bởi loại hình du lịch tâm linh ở Sa Pa vẫn chưa có được “chỗ đứng” vững chắc. Ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Sa Pa cho biết: Trước đây, những ngôi đền này đều do nhân dân xây dựng, quá trình cải tạo, sửa chữa cũng theo lối chắp vá, hiện nay chưa có quy hoạch tổng thể các di tích. Trong 3 di tích, chỉ có Đền Mẫu Sơn mới được trùng tu hoàn thành năm 2013 với nguồn vốn xã hội hóa hơn 9 tỷ đồng. Hiện nay, Đền Hàng Phố và Đền Mẫu Thượng vẫn là nhà cấp bốn, nhiều phần đã bị hư hỏng, xuống cấp, cần được sửa chữa, trùng tu để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và du khách. Nếu không có sự đầu tư từ ngân sách nhà nước mà chỉ huy động xã hội hóa sẽ rất khó khăn…

Ông Lù Văn Khuyên, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Pa cho biết: Cùng với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thời gian gần đây, loại hình du lịch tâm linh đang được ngành văn hóa huyện Sa Pa quan tâm. Từ năm 2012, Ban Quản lý di tích huyện Sa Pa đã được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần quản lý, bảo vệ các di tích hiệu quả hơn. Hiện nay, huyện Sa Pa đang khảo sát tiến tới mở rộng không gian bãi đỗ xe cho Đền Mẫu Thượng, đối với Đền Hàng Phố do quỹ đất hẹp, nên khó tìm vị trí quy hoạch bãi đỗ xe cho du khách. Vấn đề trùng tu, tôn tạo hai ngôi đền này cần nguồn kinh phí lớn, trong khi đó nguồn huy động xã hội hóa lại chậm, nên cần có nhiều thời gian. Ngành văn hóa huyện Sa Pa đang tiếp tục đẩy mạnh quảng bá về giá trị của các di tích, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân và du khách thập phương về việc bảo vệ cảnh quan, giữ gìn vệ sinh chung cho các di tích trên, thu hút du khách đến với các di tích đông hơn.

Việc đầu tư trùng tu, sửa chữa các di tích lịch sử - văn hóa như Đền Mẫu Sơn, Đền Hàng Phố, Đền Mẫu Thượng ở Sa Pa sẽ vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ các di tích, vừa mở ra hướng phát triển du lịch tâm linh cho Sa Pa. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, các di tích này sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trên hành trình khám phá “Thành phố trong sương”./.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lên Cốc Ly xem du khách nước ngoài dạo chơi chợ phiên

Gần đây, du khách ngoại quốc đến chơi chợ phiên Cốc Ly ngày càng nhiều. Mỗi phiên chợ đón hàng trăm du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Đầu tư phát triển du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh là xu hướng phổ biến hiện nay. Nhu cầu du lịch tâm linh của người dân Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.

Hầu Thào – Nơi Sa Pa còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ nhất

Có một nơi được gọi là “nơi Sa Pa còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nhất”. Nơi những thửa ruộng bậc thang như kiệt tác ẩn hiện giữa mây trời, nơi những bản làng người Mông mộc mạc, chân tình, nơi bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông có “sức hút” rất lớn với du khách trong nước, quốc tế. Và...

Giàng A Cấu – chàng trai người Mông làm du lịch cộng đồng

Giàng A Cấu là người dân tộc Mông xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Để có tiền phụ giúp gia đình, A Cấu rong ruổi theo mẹ đi bán hàng thổ cẩm trên thị trấn. Bằng sự nhạy bén trong tư duy, anh thấy khách “Tây” rất thích theo người Mông đi về bản để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc...

Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp

Thời gian gần đây, tổ hợp lưu trú, ẩm thực kết hợp với trải nghiệm vườn mang tên O’Châu homestay tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa thu hút đông du khách. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên đón học sinh của các trường học, các gia đình có con nhỏ tới tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.