Xây dựng cánh đồng mẫu lớn: Bước tiến mới của ngành nông nghiệp

Như mấy vụ xuân trước đây, vụ này chị Đào Thị Hoan, thôn Đông Căm, xã Mường Vi (Bát Xát) cấy khoảng 30 kg thóc giống, tương đương với 10 sào.

Trước đây, gia đình chị cấy nhiều loại giống như lúa lai, lúa thuần, có vụ cấy đến mấy loại giống trên các thửa ruộng khác nhau. Cách đây khoảng 5 năm, khi bà con trong thôn tiếp cận với giống lúa Séng cù, chị Hoan cũng mua giống về cấy thử vài sào và nhanh chóng lựa chọn loại giống này làm chủ lực. Chị Hoan cho biết, với chế độ chăm sóc bình thường, lúa thuần Séng cù cho năng suất tương đương với cây lúa lai, nhưng giá trị kinh tế cao gấp 1,5 đến 2 lần nhờ giá bán trên thị trường cao. Mạnh dạn thay thế và 2 năm trở lại đây, chị Hoan đã cấy hoàn toàn một mẫu ruộng trong vụ xuân đều bằng giống lúa Séng cù. Gạo Séng cù đã khẳng định được chất lượng, danh tiếng trên thị trường, nên vào vụ thu hoạch tư thương tới tận chân ruộng đặt mua thóc của bà con. Toàn bộ sản lượng thóc vụ xuân, chị Hoan đều bán ra thị trường và dành tiền quy đổi mua thóc thường về làm lương thực. Hiện, một mẫu ruộng lúa Séng cù, gia đình chị Hoan đã qua kỳ đẻ nhánh, đang đứng cái làm đòng và hứa hẹn một vụ lúa năng suất cao.

Cán bộ xã Xuân Quang kiểm tra cánh đồng lúa một giống.

Đối với xã Mường Vi, vụ xuân năm 2015, có đến 95% trong tổng diện tích 120 ha đất ruộng được cấy bằng giống Séng cù. Đây cũng là vụ mùa đầu tiên địa phương thực hiện triệt để chủ trương của ngành nông nghiệp về xây dựng cánh đồng một giống. Ngay từ giai đoạn gieo mạ, các hộ dân tại xã Mường Vi đã thực hiện đúng quy cách về cánh đồng một giống là cùng xuống mạ, tiếp đó là cùng cấy và chăm sóc, nên hiện cánh đồng lúa của địa phương có mức độ phát triển rất đều. Anh Trần Văn Lập, cán bộ văn phòng Đảng ủy xã Mường Vi là một trong những người tiên phong đưa cây lúa Séng cù lên đồng đất Mường Vi (hiện đang thực hiện cánh đồng một giống), cho biết: Việc cấy cánh đồng cùng một giống đã hạn chế thấp nhất tình trạng sâu, bệnh hại lúa, bởi bà con đồng loạt chăm sóc, phun thuốc trong thời điểm hợp lý nhất trên toàn bộ cánh đồng. Tới đây, khi cả cánh đồng lúa chín, bà con lại đồng loạt thu hoạch, nên tránh được rủi ro do chuột, bọ phá hoại.

Việc thực hiện cánh đồng một giống trong vụ xuân 2015 còn được thực hiện tại một số xã thuộc huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng và Bát Xát. Đây là nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp và các địa phương trong thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung này. Từ cuối năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn tỉnh Lào Cai, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Văn Hưởng làm Trưởng ban và cơ quan thường trực là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiếp đó, tỉnh đã ban hành tiêu chí gồm danh mục các loại nông sản chủ lực và quy mô diện tích đối với từng loại cây trồng tham gia dự án cánh đồng lớn để có cơ sở xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển trong giai đoạn 2015 - 2025. Bước đi đầu tiên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với nội dung này là đã hoàn thành dự thảo đề cương quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn với định hướng đến năm 2030.

Trước khi thực hiện Quyết định 62 của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành một số vùng chuyên canh tập trung với các cây trồng như ngô, lúa chất lượng cao, sắn, chè, chuối cấy mô, dứa, rau, quả. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều thành phần kinh tế tham gia tiêu thụ nông sản, tiếp cận thị trường mới và có tác dụng tích cực trong thúc đẩy và hỗ trợ lớn cho sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững. Điển hình như cây ngô hàng hóa, hiện trên địa bàn có 7 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và hơn 40 đại lý thu mua sản phẩm. Còn với cây lúa, hiện mới có 1 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã chính thức được công nhận là trực tiếp tham gia thu mua thóc, gạo chất lượng cao với sản lượng khoảng 350 tấn/năm. Các mặt hàng được sản xuất tập trung và có sản lượng lớn như chè, dứa, chuối, sắn cũng đang được tiêu thụ hết sức thuận lợi tại thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận, một phần đáng kể dành cho xuất khẩu.

Việc tổ chức sản xuất cánh đồng mẫu lớn và có sự đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ nông sản là bước tiến mới của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn là giá nhiều mặt hàng nông sản chưa ổn định, thường xuyên biến động theo chiều hướng bất lợi cho người sản xuất. Chuỗi giá trị nông sản có nhiều tác nhân tham gia khiến chi phí phát sinh mạnh trong khâu trung gian, lợi nhuận của nông dân chiếm tỷ trọng nhỏ trong chuỗi giá trị gia tăng. Sản xuất còn mang tính tự phát, chưa sát nhu cầu thị trường và một số nông sản (chuối, dứa, sắn) phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc vốn bấp bênh về sản lượng nhập và giá mua. Trong khi đó, chất lượng nông sản chưa cao, sản phẩm khi đến với thị trường chủ yếu ở dạng thô nên sức cạnh tranh còn thấp.

Nỗ lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là tiếp tục hoàn thiện quy hoạch cánh đồng mẫu lớn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Tổ chức kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cánh đồng lớn trong năm 2015 và Đề  án phát triển mạng lưới kênh tiêu thụ nông sản thông qua xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng kết quả bước đầu trong tổ chức thực hiện cánh đồng mẫu lớn và liên kết tiêu thụ nông sản đã tạo ra nét mới rất tích cực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh./.

Theo Cao Cường/LCĐT

Tin Liên Quan

[Infographic] 10 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024

Ngày 17/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 220-KH/UBND về phát triển kinh tế - xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024, với mục tiêu thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã nghèo; giúp người nghèo cải thiện sinh kế, khơi dậy...

Kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành đạt hơn 46 triệu USD trong 5 ngày nghỉ lễ

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) đạt hơn 46 triệu USD.

Lào Cai trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Chiến dịch Hồ Chí Minh với đỉnh cao là chiến thắng ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam có phần đóng góp đáng kể của quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Đó là đóng góp to lớn về sức người, sức của với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng" để cùng dân tộc làm nên những...

Ban Tuyên giáo tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 4/2024

Sáng 3/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 4/2024. Đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Lào Cai xử lý gần 600 trường hợp vi phạm giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã bố trí 347 tổ tuần tra kiểm soát, thực hiện 15.245 lượt kiểm tra, qua tuần tra phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với 591 trường hợp, ước số tiền xử phạt khoảng 1.751 triệu đồng.

Lào Cai tiếp tục nhân rộng mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”

Năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa nhằm khuyến khích, vận động người dân không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, khuyến khích thay thế túi nilon bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường.