Hội đàm cấp cao Việt Nam-Algeria

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal bày tỏ nhất trí rất cao và tin tưởng với quyết tâm, nỗ lực của cả hai bên sẽ đưa quan hệ Việt Nam - Algeria lên tầm cao mới, tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và  Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hoà Algeria Dân chủ và Nhân dân, sáng 1/6 (giờ địa phương), tại Nhà khách Tổng thống ở Thủ đô Algers, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal.

Nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Algeria, Thủ tướng Abdelmalek Sellal khẳng định đây là chuyến thăm vô cùng quan trọng, coi đây là sự kiện trọng đại, là dấu mốc và bước ngoặt trong quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Algeria.

Khẳng định hai đất nước đã từng chung vai, sát cánh đấu tranh cho nền độc lập, dân chủ và tự do của mỗi nước, Thủ tướng Abdelmalek Sellal bày tỏ sự ngưỡng mộ, đồng thời chúc mừng những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, mở cửa, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tin tưởng hai đất nước sẽ tiếp tục ủng hộ lẫn nhau như đã từng dành cho nhau trong quá khứ.

“Mỗi khi Việt Nam cần Algeria, Algeria luôn ủng hộ Việt Nam. Ngược lại mỗi khi Algeria cần, Việt Nam luôn ủng hộ chúng tôi. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác và ủng hỗ lẫn nhau trong mọi vấn đề. Đối với chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người anh hùng của nhân dân Algeria, là những chiến sỹ mẫu mực đấu tranh cho độc lập, dân chủ, tự do của các dân tộc trên thế giới”, Thủ tướng Abdelmalek Sellal phát biểu.

Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng lần đầu tiên được đến thăm đất nước Algeria anh em, cảm ơn về sự đón tiếp nồng nhiệt, thân tình và trọng thị của lãnh đạo và nhân dân Algeria dành cho đoàn.

Thủ tướng khẳng định là những người bạn thân thiết, có quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời nên dù cách xa nhau về địa lý nhưng Việt Nam luôn theo dõi và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Algeria đã đạt được; đồng thời khẳng định luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu mà Algeria dành cho Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong những năm tháng khó khăn khi  Việt Nam xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.

 

Hội đàm cấp cao Việt Nam-Algeria. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội đàm, hai Thủ tướng đã thông báo cho nhau tình hình mỗi nước cũng như tình hình khu vực và quốc tế. Hai Thủ tướng đều cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống cũng như hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thời gian qua là hết sức tốt đẹp và tiến triển tích cực, tuy nhiên, kết quả đạt được còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, quan hệ chính trị tốt đẹp và mong muốn của hai bên.

Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng trong bối cảnh mới, khi cả hai nước đang đẩy mạnh cải cách và mở cửa, nhất là về kinh tế, hai bên cần xây dựng quan hệ đối tác với những khung khổ hợp tác mới, những mô hình hợp tác phù hợp và hiệu quả hơn.

Trên tinh thần đó, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế; ủng hộ lẫn nhau ứng cử và tham gia và các tổ chức của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế; tăng cường chỉ đạo để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế Ủy ban hợp tác liên Chính phủ.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Abdelmalek Sellal khẳng định Algeria luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua đối thoại để thu hẹp bất đồng. Khẳng định Algeria luôn kiên định lập trường này và sẵn sàng đóng góp cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có vấn đề Biển Đông.

 

Hai Thủ tướng họp báo sau Hội đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương từ mức 250 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong vài năm tới. Tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên hợp tác và xúc tiến các dự án cụ thể theo mô hình mới trên tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dầu khí, khai thác mỏ, dệt may, xây dự cơ sở hạ tầng, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, du lịch.

Thủ tướng Abdelmalek Sellal cho biết trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, Algeria mong muốn Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác để nước này khôi phục lại ngành công nghiệp dệt may và chế biến thực phẩm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Algeria sẵn sàng dành cho các doanh nghiệp Việt Nam diện tích từ 20.000-30.000 ha để hợp tác trồng lúa và chăn nuôi, Việt Nam có thể cử các chuyên gia giỏi và nông dân của mình sang Algeria để tiến hành sớm dự án này.

Về dầu khí, Thủ tướng Abdelmalek Sellal cho biết các doanh nghiệp Việt Nam luôn được chào đón tại Algeria, cả trong lĩnh vực thăm dò, khai thác cũng như cung cấp dịch vụ dầu khí. Ngoài dự án liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Dầu khí Quốc gia Algeria (Sonatrach) có sản lượng 20.000-40.000 thùng/ngày sẽ khai thác thương mại vào tháng 7/2015, Algeria sẵn sàng cấp phép cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mở rộng công suất dự án cũ cũng như đầu tư thêm các dự án ở địa điểm mới.

Trong lĩnh vực xây dựng, Thủ tướng Abdelmalek Sellal đề nghị Việt Nam giới thiệu doanh nghiệp xây dựng có tiềm lực và phía Algeria sẽ tạo điều kiện hết sức, kể cả việc đưa lao động sang theo để tham gia các dự án xây dựng, mà trước hết là một dự án về nhà ở. Algeria cũng sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các dự án khai thác mỏ và đây là lĩnh vực mà Algeria có tiềm năng rất lớn. Hai Thủ tướng cũng nhất trí ủng hộ doanh nghiệp hai nước hợp tác về sản xuất, thương mại, làm cầu nối để tiếp cận thị trường Trung Đông - Bắc Phi và ASEAN.

 

Việt Nam-Algeria ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực y tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảm ơn Algeria đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ; đồng thời bày tỏ ủng hộ Algeria ra nhập WTO mà không phải tiến hành đàm phán với Việt Nam.

Hai Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động, trong đó có việc Algeria tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; y tế; văn hóa, nghệ thuật, thể thao; tư pháp; quốc phòng, kỹ thuật quân sự, an ninh, tình báo; phòng chống khủng bố, tội phạm.

Hai Thủ tướng nhất trí giao các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu hợp tác mới. Thủ tướng Abdelmalek Sellal cho biết Bộ trưởng Tư pháp Algeria sẽ sớm sang Việt Nam để thảo luận về nội dung này; đồng thời cho biết sẵn sàng đón các Bộ trưởng của Việt Nam sang Algeria thảo luận cụ thể để triển khai các thỏa thuận mà hai Thủ tướng đã thống nhất nhằm sớm có các dự án hợp tác điển hình, thiết thực và hiệu quả.

“Tôi và ngài Thủ tướng Algeria đã có một cuộc hội đàm trên tinh thần chân thành, xây dựng và rất thành công. Chúng tôi nhất trí rất cao và tin tưởng với quyết tâm, nỗ lực của cả hai bên, chúng ta sẽ đưa quan hệ Việt Nam - Algeria lên tầm cao mới, tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu với báo chí hai nước sau hội đàm.

 

Việt Nam-Algeria ký kết chương trình hợp tác về văn hóa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết thúc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Abdelmalek Sellal đã chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước, gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch, Chương trình hợp tác văn hoá giai đoạn 2016-2018 và Bản ghi nhớ về hợp tác y tế./.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!