Tương lai thế giới phụ thuộc vào hành động và thiện chí

Báo cáo của Liên hợp quốc về Phát triển nguồn nước thế giới năm 2015 nêu rõ, những thách thức trong quản lý nguồn nước bền vững ngày càng trở nên gay gắt, phức tạp hơn trước.



Các đại biểu dự Hội thảo ASEM về tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước.

Có một thực tế đáng báo động là gần 750 triệu người, khoảng hơn 1/10 dân số thế giới vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch. Nhiều nơi trên thế giới chứng kiến sự suy giảm đáng kể của nhiều lưu vực sông, trong đó có sông Mekong, Danube. Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm (chiếm 95% nguồn cung nước sạch toàn cầu) tại các thành phố lớn như Bangkok, Vientiane hay thành phố Hồ Chí Minh trở nên trầm trọng hơn.

Cùng với tình trạng nước biển dâng, triều cường và xâm mặn gia tăng, 80% nước thải không qua xử lý đổ ra các con sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân. Những năm vừa qua còn chứng kiến những hệ lụy tàn khốc của các thảm họa siêu thiên tai với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa từng có, do biến đổi khí hậu. Có thể kể đến những trận lụt lịch sử ở Thái Lan năm 2011 và 2012, châu Âu năm 2013, hạn hán tại Trung Quốc năm 2014 và đợt nóng kỷ lục đang diễn ra tại Ấn Độ. Ngay tại tỉnh Bến Tre, nước mặn cũng đã xâm nhập sâu vào các con sông lớn, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân.

Trước thực trạng trên, Hội thảo ASEM về tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, diễn ra từ ngày 4 - 6/6 tại tỉnh Bến Tre, thể hiện quyết tâm của ASEM trong quản lý bền vững tài nguyên nước – một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình này.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ chỉ còn 113 ngày nữa đến Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững, 179 ngày tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21).



Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội thảo.

Phó Thủ tướng cho rằng, đây là lúc các thành viên ASEM cùng chung tay với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy để thông qua Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và đạt được thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu tại hai Hội nghị quốc tế hết sức quan trọng này. Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ hơn sự cần thiết trong việc thống nhất nhận thức và hành động để bảo đảm vấn đề nguồn nước có vị trí xứng đáng trong Chương trình nghị sự phát triển sau 2015.

Theo Phó Thủ tướng việc bảo vệ tài nguyên nước chỉ có thể bền vững, hiệu quả nếu được lồng ghép vào chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng cân bằng, đồng đều và sáng tạo của từng quốc gia. Phó Thủ tướng cho rằng cần phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về quản lý bền vững nguồn nước, sớm đưa “Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước” vào hoạt động.

Các thành viên ASEM cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm như tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quản lý các dòng sông ở hai châu lục; thúc đẩy hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, hay nhân rộng các mô hình hợp tác giữa các địa phương như Dự án hợp tác giữa hai tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Tulcea của Rumania.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm và các viện nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước. Trước hết, cần phát huy vai trò của “Trung tâm nghiên cứu và phát triển nguồn nước ASEM” tại Hồ Nam, Trung Quốc để trao đổi, phối hợp nghiên cứu và đề xuất các biện pháp hợp tác cụ thể.

ASEM có tiếp tục phát huy được vai trò là Diễn đàn tăng cường đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau hay không phụ thuộc rất nhiều vào “tầm nhìn và hành động” của các thành viên trong việc xử lý vấn đề quản lý bền vững tài nguyên nước, một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững.

Hội thảo lần sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 sắp tới ở Luxembourg và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Ulanbaataar, Mông Cổ vào năm sau. Đây cũng là đóng góp quan trọng của ASEM cho các Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững tại New York và Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris./.
Theo Hải Minh/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.