Ngày này 35 năm trước: Dấu chân Việt Nam in vào vũ trụ

Cách đây 35 năm, ngày 23/7/1980, hai nhà du hành vũ trụ Viktor Vassilyevich Gorbatko (Liên Xô) và Phạm Tuân (Việt Nam) bay vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu “Liên hợp-37”.



Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân.

Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân sinh năm 1947 tại Thái Bình. Ông là phi công, phi hành gia và là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô. Ông cũng là một trong số ít người nước ngoài được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Cơ may đến với ông khi năm 1977, Phạm Tuân được cử sang Liên Xô học tại Học viện Không quân Gagarin. Năm 1979, khi chọn phi công vũ trụ để thực hiện chuyến bay ra ngoài Trái đất theo sự thỏa thuận hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô, phía Liên Xô kiểm tra tất cả phi công và kỹ sư Việt Nam nhưng chỉ chọn được 4 người vì nhiều người không vượt qua được các bài kiểm tra thể lực.

Trung tướng Phạm Tuân cho biết, tàu vũ trụ bay quanh Trái đất trong điều kiện không có khí quyển, không trọng lượng. Để đảm bảo chuyến bay trong vũ trụ, phi công phải chịu đựng được sự tăng trọng lực khi con tàu được phóng lên, chịu được không trọng lượng khi tàu bay quanh vũ trụ, thích nghi với tốc độ và độ quay của con tàu, tức là hệ thống tiền đình của phi công phải thích nghi được với điều kiện đặc biệt mà dưới đất không có.

Ngày 23/7/1980, tại vị trí xuất phát, tàu vũ trụ “Liên hợp-37” tung bay 2 lá cờ Liên Xô và Việt Nam. Tiễn đội bay có đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu và các nhà khoa học, chuyên gia của hai nước.

Trung tướng Phạm Tuân kể lại rằng khi Đại tướng và phái đoàn Việt Nam tới, ông đã mặc bộ quần áo phi hành gia, ngồi trong nhà tàu vũ trụ. Qua micro, Đại tướng chúc mừng, động viên, nói với Phạm Tuân rằng: “Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, đã đến giờ phút người Việt Nam bay vào vũ trụ. Phạm Tuân là người đại diện cho đất nước, phải thật bình tĩnh, hoàn thành tốt chuyến bay. Đất nước, nhân dân đã giao trách nhiệm cho Phạm Tuân và sẽ chờ đợi tin thắng lợi trở về”. Lúc bấy giờ Phạm Tuân mới rút chiếc gương dành riêng cho phi hành gia ra tặng Đại tướng (bộ quần áo phi hành gia có rất nhiều chi tiết cài rất khó, phải có cái gương đeo ở tay mới soi được để cài đúng).

21h30 theo giờ Moscow, tên lửa đưa tàu vũ trụ “Liên hợp-37” khởi hành. Không lâu sau đó, trạm mặt đất nhận được báo cáo tàu vũ trụ “Liên hợp-37” đã vào quỹ đạo vệ tinh nhân tạo của Trái đất. Ngày đầu tiên sau khi xuất phát, tàu “Liên hợp-37” đáp vào Trạm Vũ trụ của Liên Xô, nơi các phi hành gia Leonid Popov và Valery Ryumin đang làm việc sau khi hoàn thành chuyến bay dài ngày. Hai ông đều là người quen của Phạm Tuân, từng gặp gỡ thường xuyên trong những kỳ học và tập luyện tại Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ ở ngoại ô Moscow. Các cư dân của Trạm đón mừng Phạm Tuân và Gorbatko theo đúng phong tục Nga với bánh mì và muối.

Sau khi gặp nhau và trao đổi công việc với hai phi hành gia tại Trạm Vũ trụ, Gorbatko và Tuân “bơi” trong không gian đến cạnh ô cửa kính. Dưới tầm mắt của họ, Trái đất hiện lên rõ ràng. Phạm Tuân không khỏi xúc động thốt lên: “Đẹp quá, tôi hạnh phúc vô cùng” khi nhìn thấy đất nước Việt Nam ruột thịt hình chữ S của mình. Và sau đó, mỗi lúc có thời gian, Phạm Tuân đều đến bên cửa sổ để được chiêm ngưỡng bức tranh đất nước mình với nỗi nhớ quê hương tha thiết và tự hào khi được mang cờ Việt Nam ra bên ngoài Trái đất. Hành trang Phạm Tuân mang theo là ảnh gia đình, vợ con, phong thư, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, một nắm đất của Quảng trường Ba Đình, bản Tuyên ngôn độc lập, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ Việt Nam và cờ Liên Xô.... Tất cả đều được đóng dấu Trạm Vũ trụ và mang trở về mặt đất.

Khoảng thời gian rảnh rỗi trên Trạm Vũ trụ không nhiều, các phi hành gia phải tiến hành nghiên cứu khoa học quy mô ở ngoài không gian. Hai phi hành gia cùng làm việc, thực hiện các thí nghiệm trong tình trạng không trọng lực; quan sát bề mặt Trái đất với các mũi đứt gãy để phán đoán vị trí các mỏ khoáng sản, quan sát hướng chảy của sông, vùng biển tập trung nhiều cá để hướng dẫn ngư dân, quan sát các hành tinh xa...

Bên cạnh những chương trình theo đề tài do các nhà khoa học Việt Nam chuẩn bị về sinh học và vật liệu học, hai phi hành gia dành sự quan tâm đặc biệt vào việc chụp ảnh lãnh thổ và sông ngòi, vùng biển của Việt Nam.

Được biết, sau này những tấm ảnh chụp từ vũ trụ đã giúp ích nhiều cho các cán bộ lâm nghiệp của đất nước khi tìm hiểu quá trình hồi sinh những cánh rừng bị hủy diệt trong chiến tranh và giúp ngư dân xác định những khu vực đánh bắt hải sản nhiều tiềm năng. Không những vậy, các dữ liệu ảnh vũ trụ cũng đã được sử dụng trong công trình xây dựng các nhà máy thủy điện Hòa Bình và Trị An, trong đề án chung của Công ty liên doanh Vietsovpetro thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đến nay những dữ liệu này tiếp tục được sử dụng cho khâu thiết kế, chuẩn bị kiến thiết Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, xây dựng những con đường và cầu cống mới cũng như giúp các chuyên gia địa chất khi tiến hành khảo sát thăm dò tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam.

Trung tướng Phạm Tuân kể rằng, ở vòng thứ 20, con tàu bay qua địa phận Việt Nam, dù chỉ vài giây nhưng ông đã được nhường vị trí quan sát tốt nhất để chụp hình ảnh Việt Nam nhìn từ vũ trụ. Đặc biệt hơn, khi đi qua vị trí Hà Nội, Phạm Tuân được phép gửi điện xuống trạm thu phát của Thủ đô với nội dung “Người con của Việt Nam đang bay qua bầu trời Tổ quốc, xin gửi lời hỏi thăm và cảm ơn nhân dân đã tạo điều kiện để tôi được bay vào vũ trụ”.

Trong gần 8 ngày ở trong vũ trụ với 142 vòng quỹ đạo quanh Trái đất, hai nhà du hành vũ trụ Liên Xô và Việt Nam đã thực hiện nhiều thí nghiệm, nghiên cứu khoa học quan trọng.

Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại giây phút ông cùng Người chỉ huy Gorbatko đáp xuống mặt đất. “Cánh cửa mở ra và tôi nhìn thấy những gương mặt hạnh phúc của các nhân viên nhóm tìm kiếm và người dân địa phương. Bầu không khí thân thương của Trái đất ngay lập tức mang đến cho chúng tôi sự hào sảng, thoát khỏi mọi mệt mỏi của những giây phút không trọng lượng ngoài vũ trụ”.

Nhớ lại những ngày đáng nhớ cách đây tròn 35 năm, Trung tướng Phạm Tuân còn rất nhiều cảm xúc. Ông bồi hồi nói rằng nền khoa học vũ trụ của nước ta mặc dù còn non trẻ nhưng là ước mơ của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1962, trước chuyến bay của ông 18 năm.

Vào năm 1962, khi vị lãnh tụ của Việt Nam và vị khách quý Xô Viết German Titov – nhà du hành vũ trụ số 2 của Liên Xô (sau Gagarin) đi thăm Vịnh Hạ Long, qua một hòn đảo nhỏ có bãi tắm rất đẹp, Bác quyết định đặt tên đảo là Titov và nói rằng Người mơ ước về một ngày trong tương lai có công dân Việt Nam được bay lên không gian. Sau 18 năm, ước mơ và tầm nhìn lớn của Bác đã trở thành hiện thực. Quả thật, ước mơ là động lực giúp con người vượt qua khó khăn, và nỗ lực chính là yếu tố giúp con người thành công, Trung tướng Phạm Tuân nói, khép lại câu chuyện đầy tự hào của mình.
Theo Phương Liên/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cùng với sử dụng sức mạnh quân sự để đánh bại kẻ thù xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa và nhân văn của cuộc chiến tranh đang tiến hành để đánh bại kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiếp nối truyền thống đó,...

Không chủ quan với lạm phát

Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước ta tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,81%, thấp hơn mức CPI bình quân chung. Những con số này cho thấy diễn biến lạm phát vẫn cơ bản ổn định và trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều dự báo cũng cho thấy, giá...

Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới"*

Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu Diễn văn do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ngay sau lễ mít tinh là chương trình diễu binh, diễu...