Chuẩn bị khẩn trương, chu đáo cho Năm APEC 2017

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ủy ban quốc gia APEC 2017 cần chuẩn bị “khẩn trương, chu đáo” cho Năm APEC 2017 nhằm nâng cao vị thế, vai trò của APEC, cũng như vị thế và vai trò của Việt Nam trong tổ chức này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các thành viên Ủy ban quốc gia APEC 2017
Ảnh: VGP/Hải Minh

Yêu cầu trên được Thủ tướng nhấn mạnh tại Lễ ra mắt Ủy ban quốc gia APEC 2017 diễn ra chiều 21/7 tại Trụ sở Chính phủ.

Đối với Việt Nam, APEC là cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu, bởi trong 20 thành viên của APEC, có đến 13 nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Hơn nữa, 13/15 Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam đã và đang được đàm phán, ký kết là với các thành viên của APEC.

Dự kiến, trong Năm APEC 2017, sẽ có 100 hội nghị, trong đó có 20 hội nghị cấp Bộ trưởng trở lên, khép lại bằng Tuần lễ Cấp cao APEC với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên, khách mời quốc tế, khoảng 1.000 doanh nghiệp lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Với quy mô và tầm quan trọng đó, Thủ tướng yêu cầu phải triển khai chương trình công tác, nội dung ngay trong năm 2016 này, trong đó trước hết cần xác định rõ nhiệm vụ, chương trình công tác chung của Ủy ban, từng Tiểu ban.

Thủ tướng nhấn mạnh “đã đăng cai thì phải làm chu đáo, kể cả nội dung, lễ tân, hậu cần…” nhằm nâng cao vị thế của APEC, đồng thời nâng cao, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Về nội dung, Thủ tướng lưu ý ngay từ bây giờ cần suy nghĩ, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ đề, mục tiêu và những nội dung ưu tiên, sáng kiến cho Năm APEC 2017 trên nguyên tắc thúc đẩy hợp tác, nâng cao vai trò của diễn đàn, gắn với lợi ích của các nền kinh tế thành viên và nhất là lợi ích của nước chủ nhà.

Thủ tướng yêu cầu cần hết sức tiết kiệm, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có nhưng công tác hậu cần “phải rất chu đáo”, “đàng hoàng”, đặc biệt là vệ sinh, an ninh, trật tự, an toàn.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải có kế hoạch tổng thể về thông tin, tuyên truyền cho cả Năm APEC 2017, trong đó lồng ghép các hoạt động truyền thông về Năm APEC với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, du lịch…

Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, là “bước tiến mới trong hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế” với bạn bè quốc tế. APEC, theo Thủ tướng, không chỉ là diễn đàn kinh tế đa phương mà còn là cơ hội để Việt Nam triển khai các hoạt động ngoại giao song phương.

Thủ tướng tin tưởng, với những kinh nghiệm từ việc tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, trong đó có Năm APEC 2006, Việt Nam sẽ tổ chức thành công Năm APEC 2017, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Ủy ban Quốc gia APEC 2017 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đồng thời là Chủ tịch SOM) và Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.

Các thành viên Ủy ban gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương gồm thành phố Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Ủy ban Quốc gia APEC 2017 bao gồm 5 Tiểu ban, gồm: Tiểu ban Nội dung; Tiểu ban Vật chất và Hậu cần; Tiểu ban An ninh và Y tế; Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa; Tiểu ban Lễ tân, có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hòa, đôn đốc và phối hợp việc chuẩn bị và tổ chức các hoạt động của Diễn đàn APEC tại Việt Nam trong năm 2017 và trong quá trình chuẩn bị của các cơ quan, địa phương liên quan./.

Hải Minh-Công Việt/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...