Ngày Nhân đạo Thế giới (19/8/2015): Truyền cảm hứng về tinh thần nhân đạo

Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy ngày 19/8 là Ngày Nhân đạo Thế giới với mục đích tăng cường hiểu biết của công chúng về các hoạt động được tiến hành dưới sự hỗ trợ nhân đạo trên toàn thế giới. Năm 2015, ngày kỷ niệm này dành để kêu gọi thế giới cùng truyền cảm hứng về tinh thần nhân đạo trong cộng đồng.

Ngày kỷ niệm quốc tế này đã được chọn bởi sự kiện xảy ra cách đây 12 năm (19/8/2003): Văn phòng của Liên hợp quốc tại Iraq đã bị ném bom khiến 22 người thiệt mạng, trong số đó có ông Sergio Viera de Mello, Cao ủy về quyền con người của Liên hợp quốc và đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Iraq vào thời kỳ đó.

Ngày Nhân đạo Thế giới là dịp để tôn vinh những người đã mất hoặc bị thương trong khi hỗ trợ những người có nhu cầu, cũng như những người đang tiếp tục xoa dịu đau khổ và sẻ chia khó khăn với hàng triệu người trên thế giới.

Ngày kỷ niệm này cũng đồng thời thu hút tất cả mọi người quan tâm hơn nữa đến các nhu cầu nhân đạo trên toàn thế giới và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc đáp ứng các nhu cầu nhân đạo. Mỗi năm, các thảm họa tự nhiên là nguyên nhân gây ra nhiều tổn thất to lớn cho hàng triệu người – những người nghèo nhất trên thế giới nói chung, đặc biệt là các cá nhân bị thiệt thòi nhất và dễ bị tổn thương.

Trước thực tế đáng buồn này, các nhân viên cứu trợ nhân đạo đã, đang và sẽ nỗ lực hàng ngày, hàng giờ để cung cấp viện trợ khẩn cấp và trong dài hạn dành cho các cộng đồng bị ảnh hưởng, dù họ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, không phân biệt quốc tịch, nhóm xã hội, tôn giáo, giới tính, sắc tộc hay bất kỳ một yếu tố khác. Những nhân viên cứu trợ nhân đạo phải được tôn trọng và có thể tiếp cận với những người cần cứu trợ để tiến hành trợ giúp.

Theo Liên hợp quốc, viện trợ nhân đạo được xác lập theo các nguyên tắc: Nhân đạo, công bằng, trung lập và độc lập. Tất cả mọi người đều có thể là một nhân viên cứu trợ nhân đạo. Những người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thường là những người đầu tiên trợ giúp cộng đồng của họ sau một thảm họa. Đối phó với tình trạng khẩn cấp chỉ là một khía cạnh của công việc nhân đạo. Các nhân viên cứu trợ nhân đạo cũng tiến hành hỗ trợ các cộng đồng để tái thiết cuộc sống sau thảm họa, từ đó có thể tăng cường khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, để bảo đảm rằng tiếng nói của họ được lắng nghe, và để xây dựng một nền hòa bình lâu dài và bền vững tại các khu vực xung đột.



Phụ nữ và trẻ em đang xếp hàng đợi phân phát nước sạch tại Nam Sudan. (Ảnh: Oxfam)

Truyền cảm hứng về tinh thần nhân đạo

Năm nay, Ngày Nhân đạo Thế giới (19/8/2015) được kỷ niệm với lời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng truyền cảm hứng về tinh thần nhân đạo bằng cách lựa chọn tham gia vào một tổ chức nhân đạo và trở thành một sứ giả về tinh thần nhân đạo. Để xây dựng một nỗ lực toàn cầu, mỗi sứ giả về tinh thần nhân đạo cần thực hiện một hành động có tính chất xã hội và chia sẻ nó trên các mạng xã hội để giúp mở rộng quy mô của thông điệp về tinh thần nhân loại.

Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: Vào Ngày Nhân đạo Thế giới, chúng ta cùng tôn vinh cống hiến và hy sinh của những người lao động và tình nguyện viên trên khắp thế giới đã thường xuyên mạo hiểm cuộc sống của mình để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất. Năm nay có hơn 100 triệu phụ nữ, nam giới và trẻ em cần sự trợ giúp nhân đạo để được cứu sống. Số người bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột trên thế giới đã lên đến mức chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi số lượng người bị ảnh hưởng bởi thảm họa tự nhiên hoặc nhân tạo vẫn còn đáng kể.

Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh: Vào ngày này, chúng ta cũng biểu dương tinh thần nhân đạo chung của chúng ta. Các gia đình và những người dân tranh đấu để được sống, đang phải đối mặt với tình huống khẩn cấp, với sự kiên trì và nhân phẩm. Họ cần lời hứa mới của chúng ta làm mọi thứ trong khả năng của mình nhằm cung cấp cho họ những phương tiện để hướng đến một tương lai tốt hơn. Mỗi người trong chúng ta đều có thể có ảnh hưởng nhất định. Trong một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta như những cá nhân có quyền và trách nhiệm để thúc đẩy đồng loại cùng hành động nhằm giúp đỡ người khác và tạo ra một thế giới đoàn kết hơn.

Nhân Ngày Nhân đạo Thế giới năm nay, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc kêu gọi mọi người thể hiện tình đoàn kết là những công dân của thế giới và tham gia vào các chiến dịch truyền cảm hứng về tinh thần nhân đạo.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết: Vào tháng 5 năm sau, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thế giới đầu tiên về hoạt động nhân đạo, sẽ cung cấp cơ hội cho người đứng đầu nhà nước và chính phủ, các nhà lãnh đạo của xã hội dân sự và khu vực tư nhân, những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng và các tổ chức đa phương cơ hội để thông báo những quan hệ đối tác bền vững mới nhằm làm giảm đáng kể sự đau khổ, đồng thời tăng cường các chương trình hành động về phát triển bền vững vào năm 2030.

“Tôi tin tưởng vào sự hỗ trợ của tất cả các lĩnh vực của xã hội để Hội nghị thượng đỉnh thế giới về hành động nhân đạo đạt được thành công. Cùng nhau, chúng ta có thể và phải xây dựng một thế giới đoàn kết hơn, và tham gia mạnh mẽ hơn nhằm ủng hộ một hành động nhân đạo nhằm cứu lấy các sự sống” – ông Ban Ki-moon nêu rõ.

Những anh hùng trong công tác cứu trợ nhân đạo

Ngày 18/8 – một ngày trước Ngày Nhân đạo Thế giới, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Ertharin Cousin đã tuyên bố hoan nghênh những người anh hùng trong công tác cứu trợ nhân đạo. Trong tuyên bố được đưa ra, bà Cousin đã ngợi khen tất cả các thành viên của cộng đồng nhân đạo cũng như các nhân viên của WFP “phấn đấu quên mình mỗi ngày để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của những người dân dễ bị tổn thương đang phải trải qua nghèo đói ở các khu vực nhạy cảm trên thế giới".

Ngày Nhân đạo Thế giới năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm năm thứ 12 cái chết bi thảm của 22 nhân viên cứu trợ nhân đạo trong vụ đánh bom Văn phòng Liên hợp quốc ở Baghdad. "Chúng tôi luôn ghi nhớ sự cống hiến, lòng từ bi và lòng dũng cảm của họ. Chúng tôi cũng suy nghĩ về gia đình của họ." – bà Ertharin Cousin nói.

Theo Giám đốc WFP, với khoảng 80% hoạt động nhân đạo đang diễn ra hôm nay tại những nước và khu vực bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột, cuộc sống của các nhân viên cứu trợ nhân đạo ngày càng có nguy cơ. “Năm trước, 4 trong số các đồng nghiệp của chúng tôi ở Nam Sudan đã biến mất không một dấu vết. Chúng tôi đã tìm kiếm không mệt mỏi để biết họ đang ở đâu. Thật không may, sau nhiều tháng, chúng tôi có thể kết luận rằng họ không còn sống nữa" – bà cho biết. Người đứng đầu của WFP cũng khẳng định ngày càng khó khăn để có được quyền tiếp cận nhằm hỗ trợ nhân đạo vô tư ở những nơi như Yemen và Nam Sudan và cơ quan này cần rất nhiều nhân viên cứu trợ./.
Theo Khánh Linh/dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.