Cần có giải pháp hành động kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường như: Nhiệt độ tăng, bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng cao... đang có dấu hiệu trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây.

Hệ lụy khôn lường của BĐKH

BĐKH và nước biển dâng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, cây trồng, vật nuôi, làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, gia tăng sức ép lên con người, tăng mức độ dữ dội khi thiên tai xảy ra.

Theo báo cáo Môi trường quốc gia do Bộ TN&MT công bố mới đây, nhiệt độ không khí có xu thế ngày một tăng lên và kịch bản có thể chấp nhận là đến năm 2070, nhiệt độ ở các vùng ven biển có khả năng tăng thêm 1,5 độ C, vùng nội địa tăng 2,0 độ C. Việc này kéo theo lượng hơi nước bốc lên tăng khoảng 7,7 - 8,4%, nhu cầu tưới tăng lên, lượng dòng chảy nước mặt sẽ giảm đi tương ứng khi lượng mưa không đổi và thậm chí giảm.

Còn hiện tượng El-Nino mỗi khi xuất hiện cũng gắn liền với việc gây hạn hán rất nặng nề tại Việt Nam. Nguồn nước các sông, các hồ chứa giảm nhanh và đều ở mức thấp hơn trung bình hàng năm từ 18 - 38%, thiếu hụt nhiều nhất ở lưu vực sông Thao. Lượng mưa trung bình năm có xu hướng giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam.

Báo cáo Môi trường cũng cho thấy, hệ quả của BĐKH có tính chất nặng nề, sâu rộng, nhất là hiện tượng nước biển dâng. Nước biển dâng cũng làm gia tăng xâm nhập mặn sâu trong lục địa, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước ngọt và làm suy thoái môi trường đất. Dưới tác động của thủy triều, nước mặn xâm nhập vào nội đồng và có xu hướng đi xa hơn do tình trạng nguồn nước ngọt từ các sông ngày càng bị giảm.

Đơn cử như tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình trạng nhiễm mặn trên sông Hậu đã xâm nhập sâu đến quá Đại Ngải 8 - 10 km; trên sông Cổ Chiên nhiễm mặn 1g/l cũng đi quá rạch Vũng Liêm; trên sông Hàm Luông trong tháng 2, 4 của nhiều năm tại vị trí thượng lưu rạch Bến Tre 5 - 10 km cũng đã từng không thể sử dụng nước cho sinh hoạt.

Còn tại Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), nhờ hệ thống đê khống chế nên đối với khu vực này mặn ít xâm nhập vào trong nội đồng, tuy nhiên lại làm ngưng trệ quá trình lấy nước tưới từ sông, làm gia tăng diện tích đất khô hạn, gây suy thoái môi trường đất. Đặc biệt, nước biển dâng kết hợp triều cường gây thiệt hại lớn đối với cảnh quan, hệ sinh thái ven biển.

Đáng lo ngại hơn, những tháng gần đây, rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường xảy ra ở nước ta. Điển hình như trong tháng 1/2015 đã có đợt rét và băng tuyết đã phủ rất nhiều tỉnh, thành vùng núi phía Bắc; đợt mưa lớn trái mùa xảy ra vào tháng 3/2015 tại Quảng Ngãi; nhiều trận dông lốc, mưa đá xảy ra, đặc biệt là Đà Lạt (Lâm Đồng) có 2 trận mưa đá và 1 trận mưa lớn gây ngập lụt ở thành phố Đà Lạt; lốc xoáy cũng gây nhiều thiệt hại tại Thủ đô Hà Nội và gần đây nhất là hiện tượng mưa lớn tại Quảng Ninh...

Theo các chuyên gia, tất cả hiện tượng đó là khí hậu thay đổi, cực đoan khí hậu sẽ xảy ra trong thời gian tới, thập kỷ tới mà chúng ta cần phải đề phòng.

Cần có hành động kịp thời

Đánh giá về những thách thức do BĐKH gây ra trong thời gian gần đây, ông Bùi Minh Tăng - nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn cho rằng, do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, những hiện tượng thời tiết bất thường sẽ xảy ra thường xuyên hơn, những cực đoan thời tiết sẽ xảy ra ngày càng nhiều. Ví dụ như đợt mưa lịch sử ở Quảng Ninh vừa qua, hay như đợt mưa lịch sử tại Hà Nội vào tháng 10 - 11/2008, hoặc những trận bão mạnh thế kỷ như: Bão Xangsane năm 2006, bão Haiyan năm 2013...

Ông Bùi Minh Tăng cũng cho rằng, các nghiên cứu cho thấy, khí hậu thay đổi như hiện nay có sự tác động của con người. “Chúng ta có thể hạn chế tác động đó bằng cách giữ gìn môi trường như: Tăng diện tích che phủ rừng, tránh chặt phá rừng bừa bãi, quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm hạn chế tối đa tác động không mong muốn của thời tiết và khí hậu. Song dù cho chúng ta có tiến hành các công việc này tốt như thế nào, nhưng chắc chắn những hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn sẽ xảy ra” - ông Bùi Minh Tăng cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, đối với Việt Nam, ứng phó với BĐKH chủ yếu hướng tới chống nước biển dâng. Nếu giai đoạn tới, Việt Nam không tích cực trong các hoạt động ứng phó với BĐKH thì sẽ xảy ra nhiều nguy cơ khôn lường. Đặc biệt ,nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ĐBSCL, ĐBSH.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, theo Thứ Trưởng Hoàng Quốc Vượng, cần rà soát chương trình hành động giai đoạn 2010 – 2015; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về BĐKH, nước biển dâng, thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; đưa ra chỉ tiêu giảm phát thải nhà kính cho các doanh nghiệp, có chế tài, thưởng - phạt cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các Chương trình giảm phát thải nhà kính, ứng phó BĐKH.../.
Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...