Liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là cầu nối của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, là cửa ngõ quan trọng và hành trình ngắn nhất nối Việt Nam, ASEAN với Vân Nam và từ Vân Nam đi các tỉnh Tây Nam Trung Quốc, Lào Cai có lợi thế nổi bật thu hút đầu tư thương mại. Do đó sự phát triển kinh tế - xã hội  của tỉnh được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế khu vực thông qua liên kết vùng.

Lào Cai đã ký kết nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước và ký kết hợp tác về giao thương kinh tế, thương mại với một số địa phương của các nước trên thế giới. Nhìn chung các văn bản thỏa thuận sau khi ký kết cơ bản được thực hiện tốt. Các nội dung hợp tác phát triển được các địa phương quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện. Các vùng đều có sự tăng trưởng, các chỉ tiêu về  tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người có chiều hướng tăng. Tăng trưởng GDP toàn vùng năm 2014 đạt trên 8,79%, trong đó tỉnh Lào Cai có tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao 14%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 24,7 triệu đồng (riêng tỉnh Lào Cai đạt 33,5 triệu đồng). Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều dự án hoàn thành đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả, nhất là tuyến đường cao tốc Nội Bài  - Lào Cai.

Với vai trò là trung tâm kết nối du lịch của 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng, ngành du lịch Lào Cai đã phối hợp với ngành du lịch các tỉnh khảo sát và đưa vào khai thác một số tuyến, điểm du lịch mới, đặc biệt là tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng của các tỉnh Phú Thọ - Yên Bái – Lào Cai được các tỉnh ký kết và đưa vào khai thác cuối năm 2014 là một trong những tour thu hút nhiều khách du lịch đến với các địa phương nói riêng và khu vực nói chung. Ngoài ra với điều kiện thuận lợi về địa lý, giao thông, văn hóa, Lào Cai còn ký kết phát triển du lịch với Vân Nam (Trung Quốc). Hai bên đã đẩy mạnh kết nối, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, mô hình liên kết du lịch “Hai quốc gia, một điểm đến” của hai tỉnh.

Trong lĩnh vực thương mại, tỉnh Lào Cai đã liên kết, phối hợp với các tỉnh trong vùng trong việc trao đổi thông tin về thu hút đầu tư, phát triển thương mại, đặc biệt là thương mại biên giới, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh trong vùng liên kết qua biên giới. Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trong vùng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa như: Vải thiều, dưa hấu, hàng đông lạnh,… Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu Lào Cai là nông sản, hoa quả nhiệt đới, quặng các loại; hàng nhập khẩu chủ yếu là vật tư, phân bón, hóa chất, máy móc thiết bị.


Dâu tây Newzealand trồng tại Trại Nghiên cứu rau quả Sa Pa (Ảnh: Thanh Cường)

 
Trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng cường phối hợp, liên kết trong sản xuất cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao; taọ điều kiện để cùng tham gia đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như giống lúa Giống lúa LC25 do Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp Lào Cai nghiên cứu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng giải thưởng "Bông lúa vàng Việt Nam" đã được thử nghiệm trồng tại một số tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang, Nghệ An, cho năng suất cao; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chuyển giao cho Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai 672 cây giống dâu tây Newzealand và tiến hành trồng khảo nghiệm tại Bắc Hà, Sa Pa, thành phố Lào Cai; hay việc phối hợp với vùng Aqiutine đưa giống dâu tây trồng tại huyện Bắc Hà, Sa Pa cho hiệu quả kinh tế cao. Duy trì các kênh thông tin để thường xuyên theo dõi, thông báo về tình hình dịch bệnh và đề xuất cách phòng, chống hiệu quả giữa các tỉnh; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng của các tỉnh trong công tác kiểm soát các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, động vật hoang dã,…
 
Bên cạnh đó, Lào Cai tăng cường liên kết, hợp tác phát triển công nghiệp theo chiều sâu khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thủy lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
 
Để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững, khai thác được tối đa lợi thế của vùng trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai đề ra kế hoạch đẩy mạnh phát triển liên kết kinh tế vùng, với những nhiệm vụ cụ thể như: Phát triển kinh tế bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển của cả nước, của vùng trên các lĩnh vực. Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh đảm bảo phát huy vị trí của Lào Cai là tỉnh kết nối giữa Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối giữa vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Phát triển vùng nông, lâm nghiệp miền núi kết nối với toàn vùng trên cơ sở lợi thế cạnh tranh và gắn kết chặt chẽ với công nghiệp, du lịch, dịch vụ; công nghiệp khai khoáng gắn với chế biến sâu và bảo đảm tốt môi trường sinh thái; phát triển dịch vụ thương mại trên cơ sở liên kết hành lang kinh tế Việt Nam – Trung Quốc và các nước ASEAN. Từng bước hình thành các chuỗi dịch vụ du lịch đa dạng trong tỉnh, kết nối các tỉnh trong vùng hình thành một không gian chung cho kinh tế du lịch, kết nối chặt chẽ với quốc tế.Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp trên cơ sở định hướng xây dựng một nền nông nghiệp mới dựa trên lợi thế đặc thù tự nhiên với các chuỗi giá trị, đảm bao tính truyền thống, hiện đại, gắn với việc hình thành ngành nông nghiệp - công nghiệp chế biến cho toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; hình thành một số khu công nghiệp chế biến, có cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành sản xuất.
 
Phát triển kinh tế biên mậu với trung tâm là cặp của khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) và Hà Khẩu (Trung Quốc), tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nhất là giao thông, thực hiện đơn giản hóa các thủ tục thông quan; có cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích thức đẩy tăng trưởng nhanh kinh tế biên mậu; thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư,…đồng thời, quan tâm phát triển các cặp của khẩu phụ gắn với sắp xếp, ổn định dân cư dọc biên giới, tạo ra những chuyển biến về đời sống xã hội và giải quyết việc làm cho cứ dân vùng biên, đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia./.
 
 
 
 
Thanh Thương

Tin Liên Quan

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Văn Phúc trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng tại huyện Si Ma Cai

Sáng 16/5, tại xã Nàn Sán, nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2024), Huyện ủy Si Ma Cai tổ chức Lễ trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho đảng viên Thền Xuấn Quáng, Chi bộ thôn Đội 3, Đảng bộ xã Nàn Sán.

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Thắng lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Ngày 14/5/2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Bảo Thắng đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Lào Cai tổ chức cuộc thi trực tuyến trên Internet Tìm hiểu cải cách hành chính

Trong tháng 8 năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến trực tuyến trên Internet “Tìm hiểu cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.

Lào Cai thu hút trên 2,7 triệu lượt khách du lịch

Theo số liệu thống kê của sở Du lịch, 04 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Lào Cai ước đạt trên 2,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế trên 298.000 lượt, khách nội địa trên 2,4 triệu lượt, tăng 5,88% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ

Chú trọng tạo nguồn, kết nạp Đảng cho thanh niên ưu tú chuẩn bị lên đường nhập ngũ góp phần nâng cao chất lượng chính trị trong thanh niên, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong quân ngũ. Năm 2024, Bảo Yên là địa phương điển hình trong triển khai công tác này.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh

Bắt nhịp với xu thế phát triển mới, Lào Cai đang thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là trong thu hút đầu tư và bước đầu đạt kết quả tốt.