ADB nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam

ADB nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 của Việt Nam lên 6,5% và năm 2016 là 6,6%, cao hơn so với dự báo mà Ngân hàng này đưa ra hồi đầu năm.

 

Đại diện ADB Việt Nam tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng


Đây là thông tin nêu trong Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm nay, 22/9.

Theo ADB, các lý do mang lại tốc độ tăng trưởng khả quan của Việt Nam là chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý góp phần khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô cùng với công tác cải cách chính sách gần đây đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ vào một loạt yếu tố, đặc biệt là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng cũng tăng và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện.

Theo đó, sản lượng trong khu vực sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt, tăng 9,9% trong 6 tháng đầu năm nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đà tăng trưởng này dự báo sẽ được tiếp tục duy trì khi tốc độ giải ngân vốn FDI trong 6 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục. Tốc độ tăng trưởng trong ngành xây dựng cũng ấn tượng, đạt tới 6,6% trong 6 tháng đầu năm nhờ sự hồi phục trên thị trường bất động sản và đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng.

Sau một vài năm gặp nhiều thách thức, khu vực tài chính cũng đã cho thấy các tín hiệu tích cực. Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu  đề ra trong năm 2015. Chính sách của Chính phủ cũng thuận lợi hơn nhờ giá cả hàng hóa thế giới giảm, giúp kiềm chế tốc độ tăng giá, tăng mức thu nhập khả dụng và giảm chi phí hoạt động kinh doanh.

Phân tích cụ thể hơn ADB cho rằng tiêu dùng cá nhân cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp tăng lên.

Sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI lớn. Trong số 84,8 tỉ USD vốn FDI cam kết mới kể từ năm 2011 đến tháng 8 năm nay, thì 70% là để mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Giải ngân FDI tăng đến 8,5 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm nay. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng tháng của các doanh nghiệp FDI tăng mạnh, từ gần 3 tỉ USD vào đầu năm 2010 lên 10 tỉ USD vào tháng 8/2015.

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đang sản xuất khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu, cao hơn so với  thời điểm 5 năm trước đây. Các doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu từ 2-4 tỉ USD mỗi tháng, kể từ tháng 1/2010 trở lại đây.

Về triển vọng thương mại và đầu tư trong thời gian tới, ADB cho rằng tình hình khả quan hơn do Việt Nam nới lỏng quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và bất động sản cũng như việc ký kết  Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế công nghiệp lớn trong năm 2016 sẽ khích lệ xuất khẩu và dòng vốn đầu tư.

Chính sách tài khóa sẽ tiếp tục theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù có thể sẽ thắt chặt hơn trong năm 2016.

Báo cáo của ADB cũng lưu ý rằng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức kinh tế vĩ mô đang gia tăng. Đó là kinh tế toàn cầu chưa ổn định, kinh tế của các đối tác thương mại và đầu tư lớn đang chậm lại. Thặng dư thương mại thu hẹp, nhập khẩu tăng cùng với doanh thu từ dầu thô giảm sẽ làm giảm thặng dư của cán cân vãng lai. Bên cạnh đó, thời tiết khô hạn lan rộng có thể còn làm xấu hơn tình trạng hạn hán hiện nay vốn đã gây nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất cà phê và lúa gạo; nếu tình trạng này kéo dài có thể làm cho tốc độ tăng trưởng trong ngành nông nghiệp tiếp tục giảm sút và đẩy giá lương thực tăng lên trong năm 2016./.

Theo Anh Minh/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cùng với sử dụng sức mạnh quân sự để đánh bại kẻ thù xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa và nhân văn của cuộc chiến tranh đang tiến hành để đánh bại kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiếp nối truyền thống đó,...

Không chủ quan với lạm phát

Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước ta tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,81%, thấp hơn mức CPI bình quân chung. Những con số này cho thấy diễn biến lạm phát vẫn cơ bản ổn định và trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều dự báo cũng cho thấy, giá...

Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới"*

Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu Diễn văn do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ngay sau lễ mít tinh là chương trình diễu binh, diễu...