Tổng quan hoạt động đối ngoại tháng 9

Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng và bạn bè truyền thống đồng thời tích cực tham gia, đóng góp vào các diễn đàn đa phương bằng những sáng kiến, kinh nghiệm cụ thể từ bài học thành công của Việt Nam... là những nét chính của hoạt động đối ngoại tháng 9.

 

Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà khách quốc gia Akasaka, Nhật Bản.


Tầm nhìn mới trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư đã hoàn tất chương trình làm việc dày đặc với rất nhiều hoạt động: Hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe; hội kiến Nhật hoàng và các nhà lãnh đạo Nhật Bản; gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các chính đảng lớn của Nhật Bản.

Tại các cuộc hội đàm và tiếp xúc, hai bên đã nhất trí tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế, đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững với những cam kết cung cấp ODA cho các dự án lớn về cơ sở hạ tầng và năng lượng tại Việt Nam.

Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ...

Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn quốc tế và khu vực về các vấn đề cùng quan tâm và chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng. “Việt Nam hoan nghênh một Nhật Bản phát triển giàu mạnh, phồn vinh, đóng góp ngày càng tích cực cho hoà bình, an ninh và phát triển của khu vực và thế giới. Một Việt Nam giàu mạnh, độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế, tích cực đóng góp xây dựng cho khu vực và thế giới cũng phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của Nhật Bản” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh .

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở ra tầm nhìn mới và định hướng lớn với những nội dung hợp tác cụ  thể. Tất cả đều được thể hiện trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và 10 văn kiện hợp tác được ký kết.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít của nhân dân thế giới tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Trong dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường quan hệ chính trị giữa hai Đảng, hai nước; duy trì tiếp xúc cấp cao, đi sâu hợp tác thiết thực cùng có lợi; triển khai các thỏa thuận đạt được giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư theo hướng cân bằng, bền vững; mở rộng giao lưu hữu nghị nhân dân, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ hai nước; nỗ lực giải quyết thỏa đáng bất đồng, tạo môi trường tốt đẹp cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, bền vững, lâu dài.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong nhấn nút khởi công dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tỉnh Khammouane. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong hai ngày 13-14/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại CHDCND Lào.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong; chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Pani Yathotou; gặp các đồng chí nguyên lãnh đạo cao nhất của Lào; dự lễ khởi công Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đầu tư tại tỉnh Khammouane, dự án đầu tư lớn nhất ở nước ngoài của Việt Nam.

Tại các cuộc hội đàm và gặp gỡ lãnh đạo Lào, hai bên nhất trí tăng cường các chuyến thăm, gặp gỡ cấp cao, thúc đẩy kết nối kinh tế giữa hai nước qua các Hiệp định thương mại mới được ký kết.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác song phương và với các nước thành viên ASEAN khác duy trì lập trường, tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề chiến lược quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Cũng trong tháng 9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc và tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh đầu tư thương mại Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 12 tại Quảng Tây từ ngày 16-20/9.

 

Trong cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, hai bên đã đi sâu trao đổi về các biện pháp triển khai hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển ổn định và bền vững.

 

Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực; phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc.

Chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp tích cực tại diễn đàn đa phương

Từ ngày 24-30/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại New York và thăm chính thức Cộng hòa Cuba​.

Tại hội nghị thượng đỉnh LHQ, đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham gia tích cực, đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng và thông qua Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững.  

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu bật 3 thông điệp và đề xuất lớn, gồm: Bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ở mọi quốc gia; các nước cần có quyết tâm chính trị cao, phát huy tối đa nội lực và tiềm năng đất nước, lồng ghép SDGs vào mọi chính sách, chiến lược về phát triển, trong đó con người luôn ở vị trí trung tâm; tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh nỗ lực của Việt Nam cùng các nước ASEAN duy trì hoà bình, an ninh trong khu vực để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Đáng chú ý, tại nhiều sự kiện, diễn đàn cấp cao liên quan trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong việc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam.

Đánh giá về vai trò của Việt Nam, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, trong buổi tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã nhấn mạnh: LHQ đánh giá Việt Nam là nước đóng góp rất tích cực trong thương lượng  văn kiện Hội nghị cấp cao, có cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện MDGs, là điểm sáng về giảm đói nghèo và là một trong 8 quốc gia tiên phong thực hiện sáng kiến “Một Liên Hợp Quốc”.

Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Việt Nam cũng đã tận dụng cơ hội tại diễn đàn LHQ để  gặp gỡ, tiếp xúc với Trưởng đoàn của gần 20 nước trao đổi về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm và tăng cường quan hệ song phương.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự một số hoạt động quan trọng, như phiên Đối thoại chính sách tại Hội châu Á; tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Mỹ về chủ đề tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); gặp và trao đổi với đông đảo bạn bè Mỹ; tiếp Đại diện Thương mại, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ...

Trong dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có các cuộc gặp gỡ song phương với Ngoại trưởng các nước Estonia, Romania, Bulgaria, Đan Mạch, Cameroon và Tổng Thư ký Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA).

Ngay sau khi dự Hội nghị cấp cao LHQ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm chính thức Cuba, góp phần tiếp tục tăng cường quan hệ đoàn kết anh em và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã đến New York tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 4 và thăm chính thức Mỹ từ ngày 31/8- 9/9/2015. 

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có bài phát biểu quan trọng, khẳng định sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong thời gian thăm chính thức Hoa Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Thường trực danh dự Thượng viện Patrick Leahy; Thượng nghị sỹ John McCain; Ngoại trưởng John Kerry và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman.

Hai bên đã thảo luận và nhất trí tăng cường hợp tác tin cậy lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước; trao đổi những vấn đề thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; đặc biệt là liên quan đến những vấn đề an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên biển, vấn đề chống khủng bố và ứng phó với biến đổi khí hậu.

* Trong tháng 9 còn có một số hoạt động đối ngoại đáng chú ý, như Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu; Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang thăm và làm việc tại Australia; tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 10 (AMMTC) tại Malaysia./.

Theo Tuấn Dũng/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...