Thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài

Đến nay, Việt Nam thu hút được 14.550 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 211 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực vẫn còn mất cân đối lớn; giải ngân vốn đầu tư chậm; hiệu quả tổng hợp chưa cao… Việt Nam chủ trương cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Sáng 27/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đồng chủ trì Hội nghị.


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: đầu tư nước ngoài
là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả, thành tựu cũng như hạn chế trong công tác thu hút vốn FDI 25 năm qua, đồng thời định hướng thu hút vốn FDI trong thời gian tới, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng vào sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, phù hợp với quy hoạch và định hướng tái cấu trúc nền kinh tế.

Khu vực FDI đóng góp đáng kể phát triển kinh tế-xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: 25 năm qua, đầu tư nước ngoài là giải pháp hữu hiệu góp phần đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn của tình trạng bị bao vây, cấm vận; khẳng định xu thế mở cửa và quan điểm “Việt Nam muốn là bạn của các nước trong cộng đồng thế giới”. Trong các giai đoạn tiếp theo, đầu tư nước ngoài là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, khai thông thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách nhà nước, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo thêm việc làm.

Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Đầu tư nước ngoài cũng đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cho quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. 

Trong Báo cáo Tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam (kể từ năm 1987), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết khu vực kinh tế FDI ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.


Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê

Tỷ trọng đóng góp vào GDP tăng dần theo từng năm và đã đạt khoảng 19% vào năm 2011, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế (hiện chiếm 25% tổng vốn đầu tư xã hội); làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu (chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012); đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách (14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001 - 2010, riêng năm 2012 đóng góp khoảng 3,7 tỷ USD).

Đầu tư nước ngoài đã có tác động tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền kinh tế cũng như cơ cấu nội bộ từng ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tốc độ tăng trưởng của khu vực đầu tư nước ngoài bình quân đạt 18% năm, cao hơn tốc độ tăng chung toàn ngành. Trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp, đầu tư nước ngoài đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu… Trong dịch vụ, đầu tư nước ngoài đã tạo nên một số ngành dịch vụ chất lượng cao như viễn thông, du lịch quốc tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán,…

Đầu tư nước ngoài góp phần tạo việc làm (hiện nay khu vực đầu tư nước ngoài tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3 - 4 triệu lao động gián tiếp), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động, góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý; thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước; đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Những hạn chế, tồn tại cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, khu vực FDI còn có những hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là, hiệu quả tổng thể nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa cao. Trong công nghiệp – xây dựng, các dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; có quá ít dự án về cơ sở hạ tầng; tỷ trọng dự án trong nông - lâm - ngư nghiệp rất thấp và có xu hướng giảm dần trong khi đây là những ngành Việt Nam có thế mạnh.

Đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm, gây mất cân đối vùng miền…

Mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao và công nghệ nguồn), chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng. Trên 80% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5-6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu, cá biệt có trường hợp sử dụng công nghệ lạc hậu.

Số lượng việc làm tạo ra chưa tương xứng, đời sống người lao động chưa cao, tranh chấp và đình công có xu hướng gia tăng.


Các đại biểu dự Hội nghị

Hiệu ứng lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế, có dấu hiệu chèn lấn. Một số dự án được cấp phép nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, chưa chú ý đầy đủ tới an ninh quốc phòng.

Có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế. Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng khống giá trị góp  vốn (bằng máy móc, thiết bị, bản quyền…), giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý, tiền bản quyền, chi phí bảo lãnh, cho vay, trả lương, đào tạo, quảng cáo, nhà thầu, chuyển nhượng vốn… tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, doanh nghiệp trở thành 100% vốn nước ngoài.

Các ý kiến tại Hội nghị hết sức thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm trong việc phân tích, đánh giá những thành tựu đã đạt được để phát huy, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, làm rõ thêm những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ và nêu bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Đoàn Xuân Hưng - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, hiện nhiều nhà đầu tư Nhật Bản rất băn khoăn vì Chính phủ vẫn chưa làm rõ, cụ thể các vấn đề về chính sách khi mời gọi họ vào đầu tư.

Ông Ichikawa, người đứng đầu tiểu ban công nghiệp phụ trợ Nhật Bản cho rằng Việt Nam ban hành rất nhiều đạo luật, văn bản pháp lý nhưng lại chưa nhất quán, mỗi địa phương thực hiện một cách khác nhau. Do vậy, đại diện đến từ Nhật Bản cho biết: "Đề nghị Chính phủ đảm bảo tính thống nhất, sao cho cùng một quy định thì ở mọi nơi đều như nhau để các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ cỡ vừa và nhỏ của Nhật có thể thành công ở Việt Nam".

Đại diện Nhật Bản cũng kể, nhiều công ty Nhật Bản than phiền phải chờ thủ tục hành chính quá lâu và thậm chí phải có ý kiến từ cấp cao hơn như Thủ tướng mới được thông qua. "Ngoài ra, để cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam không phải cứ cấp phép cho các nhà đầu tư là xong mà cần phải có quá trình chăm sóc sau khi họ nhận được giấy phép nữa", ông Ichikawa đề xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng với giai đoạn mới cần phải có cách tiếp cận mới với tư duy mới. Đến nay, vấn đề được các nhà chính sách băn khoăn nhiều nhất chính là việc Việt Nam có thể không còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai. "Nhiều phương thức xúc tiến đầu tư hiện nay của chúng ta vẫn còn theo cung cách của 20, 25 năm trước. Điều này không còn phù hợp", ông Mại nhận xét.

Ông Đoàn Xuân Hưng - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản - đất nước dẫn đầu về FDI tại Việt Nam - cũng cho rằng bối cảnh đầu tư đã khác xa so với 25 năm trước. Theo ông, hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu quan tâm và tiếp cận đến môi trường tại các nước trong khu vực như Myanmar, Indonesia... thay vì Việt Nam. "Cơ hội thu hút đầu tư đối với Nhật Bản sẽ không còn kéo dài nếu chúng ta không biết tận dụng", Đại sứ Hưng cảnh báo.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS.Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TP Hồ Chí Minh, khẳng định Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định trong thu hút FDI khi có môi trường chính trị ổn định và sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, song chúng ta lại chưa chủ động trong thu hút nguồn đầu tư.

Sự chủ động này thể hiện trước hết ở cam kết cụ thể của các cơ quan chức năng về thời gian và thủ tục hành chính đơn giản sau khi cấp giấy phép cho nhà đầu tư. Đồng thời, lựa chọn đối tác theo từng lĩnh vực kỹ càng, có sự “ích kỷ” cần thiết, chủ động tạo dòng đầu tư mới, các dự án FDI công nghệ cao, để sớm chuyển từ một nền công nghiệp gia công sang sản xuất.

“Kinh nghiệm thế giới cho thấy không có FDI tốt nếu không chủ động”, TS.Trần Du Lịch nhấn mạnh.


Số lượng việc làm khu vực FDI tạo ra chưa tương xứng, đời sống người lao động chưa cao,
tranh chấp và đình công có xu hướng gia tăng

Sửa chính sách ưu đãi đầu tư bảo đảm tính hấp dẫn, cạnh tranh

Trao đổi với đại diện các nhà đầu tư tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định các nước trong khu vực hiện đang cải cách mạnh để thu hút đầu tư, vì vậy, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng xúc tiến đầu tư quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI đã được cấp giấy phép, nhất là những dự án có hiệu quả, tiếp tục mở rộng đầu tư.

Về vấn đề chất lượng vốn FDI, nhiều ý kiến cho rằng dù đã đạt được những thành công nhất định trong việc chuyển hướng thu hút các dự án FDI vào công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá trong các sản phẩm công nghệ cao vẫn chưa được như kỳ vọng (trung bình khoảng 20%). Do đó, trong thời gian tới Việt Nam cần phải phấn đấu nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng trong những sản phẩm này để bảo đảm sức cạnh tranh bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra e ngại khi Việt Nam đang kêu gọi các dự án FDI công nghệ cao nhưng lại chưa đảm bảo đủ nguồn nhân lực có trình độ để chuyển giao công nghệ.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực tiễn kết quả 25 năm thu hút FDI cho thấy trước hết cần thống nhất từ nhận thức đến hành động ở các cấp về vị trí và vai trò của đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế.

Để phát huy hơn nữa vai trò tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế của đầu tư nước ngoài, trên cơ sở những định hướng cho giai đoạn mới, thời gian tới, theo báo cáo do Thứ trưởng Đào Quang Thu trình bày, cần tập trung vào một số giải pháp: Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư để xử lý các bất cập về sự không thống nhất giữa Luật Đầu tư và pháp luật về đầu tư, cũng như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2020, đồng thời đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Về dài hạn, cần thay đổi một cách căn bản việc xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư.

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tăng cường thống nhất điều phối các hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài; nội dung xúc tiến đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc xúc tiến đầu tư theo vùng và liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, chuyên đề theo lĩnh vực chuyên sâu; bố trí kinh phí đủ mức để tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống trang web về đầu tư nước ngoài. Đánh giá hoạt động của các đại diện xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua để kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tập trung hỗ trợ dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai hoạt động thuận lợi và có hiệu quả nhằm thông qua các nhà đầu tư này để quảng bá hình ảnh về môi trường đầu tư Việt Nam.

Hoàn thiện nội dung và quy trình cấp giấy chứng nhận nhà đầu tư. Bổ sung nội dung thẩm tra dự án (thẩm tra theo quy hoạch ngành, thẩm tra năng năng lực tài chính và kinh nghiệm đối với dự án có quy mô lớn, tác động xã hội; thẩm tra về công nghệ, môi trường, loại đất và quy mô sử dụng đất). Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch ngành/lĩnh vực, công bố công khai các quy hoạch theo vùng và địa phương, ban hành các tiêu chí đối với một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là đối với các ngành nằm trong cam kết WTO; công bố các điều kiện đầu tư trong từng ngành…

Xem xét điều chỉnh các rào cản đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có nhu cầu, đồng thời xây dựng rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để lựa chọn dự án.

Việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI đang hoạt động tại Việt Nam là phương thức có hiệu quả nhất trong việc xúc tiến đầu tư.

Đồng thời cần xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích liên quan đến đầu tư nước ngoài, gồm lợi ích của quốc gia, lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của người lao động và lợi ích của cộng đồng dân cư; thường xuyên cải thiện môi trường đầu tư nhằm bảo đảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam.

Trong những bài học kinh nghiệm về thu hút FDI thời gian qua, Thứ trưởng Đào Quang Thu cũng nhấn mạnh đến việc chú trọng nâng cao năng lực phản ứng chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; hướng tới phát triển bền vững phải trở thành xu thế chủ đạo trong hoạt động đầu tư nước ngoài.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực tiễn  25 năm qua cho thấy việc  thu  hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
 



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư,
tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam đã trở thành địa điểm được ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin cậy, lựa chọn đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài”.

Bên cạnh khẳng định những kết quả tích cực đã đạt được, Thủ tướng cũng  nêu rõ những yếu kém, hạn chế cần phải ra sức khắc phục trong lĩnh vực này, trong đó nổi lên là tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực vẫn còn mất cân đối lớn; giải ngân vốn đầu tư chậm; hiệu quả tổng hợp đầu tư nước ngoài chưa cao; đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ mới chiếm tỷ lệ thấp; đầu tư vào công nghiệp phụ trợ còn ít; tác động phát triển lan tỏa của đầu tư nước ngoài chưa cao.

Từ đó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tất cả những hạn chế, bất cập này đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, tổng thể để sớm khắc phục trong thời gian tới”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực tập trung thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển nhanh và bền vững gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thực hiện các đột phá chiến lược.

Trong tiến trình này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục các yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội để thu hút đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn…

Để thực hiện tốt mục tiêu tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực; tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư.

Đồng thời, có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế, xã hội có quy mô lớn, có tính lan toả và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án hợp tác công - tư (PPP), bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đối ứng cho các dự án PPP này. Bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao với các ưu đãi phù hợp, có tính đến nhóm các dự án công nghệ cao có doanh thu, kim ngạch xuất khẩu hàng năm lớn và sử dụng nhiều lao động. Rà soát, bổ sung cơ chế phát triển công nghiệp hỗ trợ, thị trường vốn, thị trường tài chính…

Ban hành quy định rõ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và giới hạn đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường. Yêu cầu doanh nghiệp phải công khai một số thông tin liên quan về phát thải.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, có quy hoạch và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam gắn với kế hoạch đào tạo cán bộ thay thế trong nước. 

Tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển trên các lĩnh vực, trước hết là quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin về quy hoạch để xây dựng kế hoạch, dự án đầu tư.

Hoạt động xúc tiến đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; có sự điều phối thống nhất trong cả nước, tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến, tránh chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương.

Cuối cùng, cần hoàn thiện cơ chế phân cấp và công tác cấp chứng nhận đầu tư; phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương để hạn chế thấp nhất những sai sót trong thu hút đầu tư,  gây phương hại đến lợi ích chung của đất nước. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần thường xuyên nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, nhất là việc tạo thuận lợi trong lĩnh vực cấp phép và giải quyết thủ tục hành chính.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam cam kết sẽ cùng các nhà đầu tư nước ngoài chung tay vượt qua thách thức, khó khăn, cùng nhau chia sẻ lợi ích và chúng ta cùng thành công”.
 
(Theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.