Hội nghị Ngoại trưởng ASEM 12: Nhiều đề xuất của Việt Nam được hoan nghênh

Nhiều đề xuất của Việt Nam tại Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn Kinh tế Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 tổ chức tại Luxembourg trong hai ngày 5 - 6/11 đã được nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Đoàn Việt Nam cho biết: Hội nghị Ngoại trưởng ASEM lần thứ 12 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và hai châu lục tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hợp tác, liên kết và phát triển là xu thế chủ đạo, song hòa bình, ổn định ở nhiều khu vực bị thách thức. Bất ổn chính trị, xung đột cục bộ, chủ nghĩa cực đoan, tranh chấp lãnh thổ tiếp tục diễn biến phức tạp, quy mô lan rộng, trong khi kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm và thiếu bền vững.

Với chủ đề “Cùng hợp tác vì tương lai bền vững và an toàn”, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch với những định hướng và biện pháp cụ thể, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm đưa hợp tác Á - Âu đi vào chiều sâu và hiệu quả, nâng cao vị thế và nâng tầm đóng góp của ASEM vào các nỗ lực chung toàn cầu trong thập niên phát triển mới của Diễn đàn.

Thứ nhất, Hội nghị nhất trí ASEM tăng cường phối hợp, chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực hành động toàn cầu vì phát triển bền vững, thiết thực đáp ứng mong đợi của người dân. Theo đó, Hội nghị nhất trí đối thoại và hợp tác ASEM gắn kết chặt chẽ với việc triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó chú trọng xóa đói giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, hỗ trợ xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ cho các thành viên đang phát triển. ASEM tiếp tục coi trọng hợp tác quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Do vậy, các thành viên cam kết tập trung triển khai Khuôn khổ Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai 2015 – 2030 và nỗ lực đạt thỏa thuận mới, cân bằng tại Hội nghị COP 21 phù hợp với khả năng và hoàn cảnh quốc gia.

Thứ hai, Hội nghị nhất trí cho rằng "Kết nối" là nội hàm quan trọng của hợp tác ASEM và cần triển khai trên cả 3 phương diện hạ tầng cơ sở, thể chế và con người; nhất trí nghiên cứu khả năng thành lập nhóm làm việc về kết nối để đề xuất nội dung hợp tác và biện pháp cụ thể. Hội nghị nhất trí tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, liên kết Á - Âu, đẩy mạnh Vòng đàm phán Doha…, nối lại cuộc họp các quan chức cao cấp về thương mại và đầu tư (SOMTI), coi đây là bước quan trọng làm sống động hợp tác kinh tế. Đáng chú ý, các thành viên chú trọng tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ các chương trình hợp tác tiểu vùng, khu vực, đặc biệt hợp tác liên tiểu vùng là Mekong - Danube nhằm giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng tới tăng trưởng bền vững, đồng đều.

Thứ ba, Hội nghị đề cao vai trò của ASEM là diễn đàn đối thoại và hợp tác quan trọng giữa hai châu lục để tăng cường hiểu biết, trao đổi thẳng thắn, thực chất về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, “vườn ươm ý tưởng” và triển khai các sáng kiến hợp tác. Các thành viên nhất trí triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, lập thêm 2 nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM và hợp tác bảo đảm thành công của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm thành lập ASEM tại Ulanbator, Mông Cổ năm 2016.

Thứ tư, các thành viên đặc biệt quan tâm và chia sẻ nhận thức chung cần tăng cường hợp tác duy trì hòa bình, ngăn chặn xung đột, bảo đảm ổn định và thịnh vượng. Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và an toàn hàng hải, kiềm chế không có hành động đơn phương, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), các biện pháp xây dựng lòng tin. Nhiều thành viên nhấn mạnh nhu cầu bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Biển Đông, là quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, Hội nghị ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và đóng góp quan trọng của ASEAN ở châu Á - Thái Bình Dương. Với những dấu ấn trên, Hội nghị Ngoại trưởng ASEM 12 đã thành công tốt đẹp tiếp tục khẳng định sự phát triển năng động và vị thế của ASEM.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Đoàn Việt Nam đã tham gia và có nhiều đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung tại Hội nghị. Cụ thể, đề xuất sáng kiến phù hợp quan tâm chung về “Hội nghị ASEM về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai: Công nghệ và sáng tạo vì phát triển bền vững, tự cường”, nhận được sự ủng hộ rộng rãi và tham gia đồng tác giả nhiều nhất. Các thành viên đánh giá cao nhiều đề xuất thiết thực của Việt Nam nhằm nâng tầm đóng góp của ASEM vào nỗ lực chung toàn cầu, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối tiểu vùng Mekong, tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành, dài hạn về phát triển bền vững, tăng cường sự tham gia và đóng góp của các doanh nghiệp.

Các sáng kiến của Việt Nam về xóa đói giảm nghèo, đào tạo kỹ năng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh cũng được các thành viên cam kết tiếp tục triển khai trong năm 2016. Các thành viên chia sẻ đánh giá và hoan nghênh đề xuất của Việt Nam về thúc đẩy đối thoại, hợp tác, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông, góp phần quan trọng củng cố xu thế hợp tác, liên kết và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Bên cạnh đó, các cuộc tiếp xúc song phương rộng rãi của Đoàn Việt Nam với chủ nhà Luxembourg và nhiều Bộ trưởng, Trưởng đoàn thành viên ASEM đã tiếp tục góp phần thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ song phương cũng như tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và đa phương.

"Những kết quả thiết thực đạt được tại Hội nghị cũng như tại các cuộc gặp song phương một lần nữa khẳng định ASEM tiếp tục là cơ chế đối thoại, hợp tác liên khu vực quan trọng để chúng ta bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao vị thế của đất nước, xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế. Đây cũng là nơi Việt Nam thể hiện tinh thần thành viên có trách nhiệm, chung tay giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Theo Thanh Xuân/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...