Lào Cai: Xác định phát triển du lịch là khâu đột phá

Với những tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, Lào Cai đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nội địa và quốc tế và là địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch của đất nước. Giai đoạn 2015- 2020, tỉnh Lào Cai đã xác định du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bản làng người Hà Nhì ở Y Tý - huyện Bát Xát (Ảnh: Dương Hùng Vĩ)
 
Những năm gần đây, khách du lịch đến với Lào Cai đã tăng gấp 4 lần, tăng trưởng du lịch bình quân đạt 15,5%/năm. Chỉ tính riêng năm 2015, Lào Cai đã đón khoảng 2 triệu lượt khách nội địa và quốc tế. Kinh tế du lịch đã đóng góp 11,5% GDP toàn tỉnh. Lào Cai đang khẳng định là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Mới đây, Trang The Richest vừa xếp Lào Cai của Việt Nam là 1 trong 10 điểm đến đẹp nhất thế giới.
 
Lào Cai hiện có 17 tài nguyên du lịch được xếp hạng di tích quốc gia và 11 tài nguyên du lịch được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trong đó, 5 tài nguyên du lịch tự nhiên được xếp hạng di tích quốc gia đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách là di tích thắng cảnh núi Hàm Rồng (Sa Pa), danh thắng Ruộng bậc thang Sa Pa, thắng cảnh động Mường Vi (Bát Xát), thắng cảnh động Hàm Rồng (Mường Khương), danh thắng Động Thiên Long (Bắc Hà). Cùng với tài nguyên khí hậu tuyệt vời của Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà và hệ sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai luôn là điểm đến mang lại cho du khách những cảm nhận thú vị.  


Huyền ảo Sa Pa (Ảnh: Dương Hùng Vĩ)
 
Tài nguyên nhân văn của Lào Cai cũng vô cùng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Với hơn 20 lễ hội truyền thống đặc sắc, những phiên chợ vùng cao nổi tiếng như chợ tình Sa Pa, chợ Cốc Ly, chợ phiên Bắc Hà, chợ Cán Cấu... ; tập quán canh tác, làng nghề truyền thống và những tín ngưỡng dân gian đã tạo nên bức tranh sinh động về cuộc sống của 25 nhóm, ngành dân tộc Lào Cai. Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa, khu căn cứ cách mạng Cam Đường, phế tích lịch sử thành cổ Nghị Lang, di tích lịch sử Chiến thắng đồn Phố Ràng, di tích lịch sử văn hóa Đền Thượng, các di tích lịch sử văn hóa Đền Bảo Hà, Đền Cấm, Đền Bắc Hà, Đền Trung Đô, Đền Mẫu, nhà Hoàng A Tưởng, di tích chiến thắng đồn Phố Lu và 11 di tích nhân văn cấp tỉnh được xếp hạng là hành trình du lịch về cội nguồn đầy ý nghĩa đã tạo cho Lào Cai cơ hội để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.
 
Những năm qua, ngành du lịch đã khảo sát những tuyến, điểm du lịch mới, đem lại nhiều lựa chọn thú vị cho du khách. Lào Cai hiện có 35 tuyến, điểm du lịch trong tỉnh. Trong đó, 18 điểm du lịch chính thức, 9 tuyến du lịch và 8 tuyến du lịch cộng đồng đang trong giai đoạn thử nghiệm. Cơ sở lưu trú du lịch phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng. Toàn tỉnh có gần 530 cơ sở và 120 nhà nghỉ homestay đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách.


Ruộng bậc thang Y Tý - Bát Xát (Ảnh: Dương Hùng Vĩ)
 
Thu hút đầu tư về du lịch của Lào Cai rất ấn tượng. Các nhà đầu tư đã lựa chọn Lào Cai là điểm đến với nhiều dự án lớn được triển khai. Tiêu biểu là dự án cáp treo Fansipan, khách sạn 5 sao Aristo, khách sạn 4 sao Amazing, Indochine, Victoria, Mường Thanh và hàng loạt khách sạn tiêu chuẩn 3-4 sao. Trị giá đầu tư vào các dự án du lịch khoảng trên 10.000 tỷ đồng.
 
Hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch là một hướng đi nhằm xây dựng nền “công nghiệp không khói” của địa phương phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Nhiều hợp tác đã đem lại hiệu quả tích cực như: hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để phát triển du lịch biên giới và khách du lịch Trung Quốc; hợp tác với EU trong phát triển du lịch có trách nhiệm tại 8 tỉnh Tây Bắc; hợp tác với tổ chức ILO trong việc nâng cao năng lực cho Trung tâm thông tin du lịch Lào Cai; hợp tác với Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha trong việc phát triển du lịch cộng đồng; phối hợp với AFD trong Phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học; hợp tác với vùng Aquitaine-Cộng hòa Pháp trong việc quy hoạch đô thị và du lịch Sa Pa; hợp tác với vùng Vancouver - Canada trong các hoạt động nghiên cứu, quy hoạch và phát triển du lịch cộng đồng…
 
Để đưa du lịch trở thành khâu đột phá, Lào Cai đã quy hoạch chi tiết phát triển du lịch như: Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sơn - Văn Bàn đến năm 2020; Quy hoạch sử dụng đất của huyện Si Ma Cai, huyện Văn Bàn và thị trấn Khánh Yên (Văn Bàn) nhằm bố trí quỹ đất cho các hoạt động du lịch và dịch vụ trên địa bàn; đầu tư xây dựng khu bảo tồn động thực vật và cứu hộ Hoàng Liên Sơn thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn; quy hoạch du lịch bản Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, huyện Sa Pa; quy hoạch điểm du lịch cộng đồng tại Trung Đô - xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) và xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên)...

Tỉnh đã ưu tiên đầu tư vào 3 khu du lịch trọng điểm là thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương xây dựng quy hoạch Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia và thành phố Lào Cai trở thành điểm du lịch quốc gia.
 
Cơ hội vàng cho du lịch Lào Cai khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai trong hệ thống đường xuyên Á được đưa vào hoạt động, tạo điều kiện rất thuận lợi cho du khách khi đến với Lào Cai. Hệ thống giao thông tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh, đặc biệt là sân bay và đường cao tốc Lào Cai – Sa Pa đang được nghiên cứu để xây dựng. Đây là những yếu tô quan trọng, tạo động lực để có thể tin tưởng rằng kinh tế du lịch của Lào Cai sẽ trở thành khâu phát triển đột phá trong tương lai./.
Thu Hiền

Tin Liên Quan

Học sinh Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Vàng tại Cuộc thi triển lãm phát minh quốc tế

Hai dự án của Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Vàng tại cuộc thi là: “Bàn tay robot hỗ trợ người khuyết tật chi trên” và “Thiết bị thông minh hỗ trợ người mù”.

Bộ CHQS tỉnh: Nhiều hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 369/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Lào Cai hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2024

Các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2024 sẽ được diễn ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ ngày 15/5 đến 22/5/2024.

[Infographic] 10 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024

Ngày 17/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 220-KH/UBND về phát triển kinh tế - xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024, với mục tiêu thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã nghèo; giúp người nghèo cải thiện sinh kế, khơi dậy...

Kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành đạt hơn 46 triệu USD trong 5 ngày nghỉ lễ

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) đạt hơn 46 triệu USD.