Để vùng Tây Bắc phát triển bền vững

Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực hết sức khó khăn. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, dù xuất phát điểm thấp nhưng có hướng đi thích hợp, Tây Bắc vẫn có thể phát triển mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành phố, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong cả nước đã tham dự Hội nghị “Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc” diễn ra ngày 3/4 tại Tuyên Quang.


Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng
về quốc phòng, an ninh và KT - XH của đất nước

Đầu tư chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế vùng

Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và KT - XH của đất nước. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành cho Tây Bắc sự quan tâm sâu sắc với nhiều chính sách ưu đãi về phát triển KT-XH, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Bắc đã rất nỗ lực lao động, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng Tây Bắc ngày càng phát triển, tạo lập cho người dân trong vùng có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Tính sơ bộ, các huyện nghèo nhất vùng Tây Bắc đã được hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng để xoá nhà tạm, xây dựng trường học, trạm y tế, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm.

Tuy nhiên, hiện Tây Bắc vẫn là khu vực hết sức khó khăn của cả nước, có tới 43/62 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 25,6% (cả nước là 10%), nhiều gia đình phải sống trong những căn nhà tạm bợ, các cháu học sinh bán trú đang sống trong những lều lán, phòng học đơn sơ, vẫn còn học sinh bỏ học vì gia đình khó khăn…

Hiện nay, tổng số vốn đầu tư nước ngoài toàn vùng Tây Bắc đạt hơn 2,4 tỷ USD, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các tỉnh trong vùng, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng muốn phát triển Tây Bắc, kêu gọi đầu tư với tiềm năng, lợi thế và cơ chế ưu đãi, trước hết cần phải xây dựng được cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh, kết nối Tây Bắc với các tỉnh trong vùng và cả nước. Đây là nền tảng chính để thúc đẩy Tây Bắc phát triển, là điều kiện lớn để nhân dân các tỉnh trong vùng thoát nghèo, tiến kịp miền xuôi.


Hiện Tây Bắc vẫn là khu vực hết sức khó khăn của cả nước,
có tới 43/62 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 25,6% (cả nước là 10%)

Vì thế, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cần xã hội hoá việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng, thúc đẩy Tây Bắc phát triển bền vững.

Để phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và triển khai chương trình, dự án phát triển vùng chuyên canh tập trung gắn với lợi thế các tiểu vùng và cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chuẩn bị hoạt động đầu tư, nâng cao các tuyến giao thông trọng điểm và đề xuất các dự án do Bộ quản lý để thí điểm đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương tập hợp nhu cầu về an sinh xã hội vùng Tây Bắc, nhất là xoá nhà dột nát, kiên cố hoá trường lớp học, trạm y tế, để vận động các nhà tài trợ ủng hộ.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính theo chức năng của mình, tích cực giải quyết những vướng mắc liên quan đến đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho vùng Tây Bắc.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ vốn cho các dự án đã ký kết vùng Tây Bắc. Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, triển khai có hiệu quả chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh Tây Bắc cần hoàn thiện công tác quy hoạch, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, vận dụng sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách ưu tiên đối với địa bàn trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với các dự án có yêu cầu triển khai trên địa bàn nhiều tỉnh, cần chủ động phối hợp để giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.


Muốn phát triển Tây Bắc, trước hết cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh,
kết nối Tây Bắc với các tỉnh trong vùng và cả nước

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà khoa học tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc đặc điểm, tình hình, các lợi thế, tiềm năng, các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên cần gìn giữ và bảo tồn, vì lợi ích của nhà đầu tư và nhân dân trong vùng.

26 dự án đầu tư với tổng vốn 10.623 tỷ đồng

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng Tây Bắc 2013, các tỉnh Tây Bắc đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 10.623 tỷ đồng.

Bên cạnh các cam kết đầu tư mới, các ngân hàng cũng đã ký 14 cam kết tài trợ vốn với tổng giá trị 19.078 tỷ đồng và 35 triệu USD vào các lĩnh vực thế mạnh của Tây Bắc như: thuỷ điện, khai khoáng, luyện kim, may mặc, trồng cây cao su…

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội ký Biên bản ghi nhớ với Ban Chỉ đạo Tây Bắc cam kết nâng tăng trưởng dư nợ cho vay tại Tây Bắc lên 10-15%/năm trong giai đoạn 2013-2017. Theo đó, đến năm 2015, dư nợ tăng lên 16.000 tỷ đồng, năm 2017 trên 38.000 tỷ đồng.

Trong số các cam kết tài trợ vốn, đáng chú ý là Thủy điện Lai Châu được Vietcombank tài trợ 14.500 tỷ đồng, Nhà máy diôxit titan tại Thái Nguyên 610 tỷ đồng do BIDV tài trợ, Dự án Khai thác và tuyển tinh quặng đồng mỏ Tả Phời 1.700 tỷ đồng do Vietinbank tài trợ...

Theo nhiều chuyên gia, Tây Bắc với nhiều tiềm năng sẽ tạo cơ hội lớn các doanh nghiệp đi tiên phong và có hướng đầu tư đúng. Đầu tư công nghệ hiện đại để phát huy lợi thế địa phương có thể mang lại thành công lớn như trường hợp sữa Mộc Châu.


Đầu tư vào Tây Bắc cần hướng vào lĩnh vực Tây Bắc có lợi thế như du lịch,
nông lâm sản…để tạo đột phá phát triển

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, hỗ trợ về vốn cho Tây Bắc là rất quan trọng nhưng cần hướng vào lĩnh vực Tây Bắc có lợi thế như du lịch, nông lâm sản… để tạo đột phá phát triển. Nhưng để tiếp nhận dòng vốn nói trên, các tỉnh Tây Bắc cần khắc phục điểm yếu về nguồn nhân lực, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, dòng vốn lớn kể trên phải được sử dụng hiệu quả. Do đó, cán bộ tín dụng ở khu vực Tây Bắc không chỉ làm tốt công tác cho vay mà còn phải có khả năng làm khuyến nông, cùng nông dân và doanh nghiệp địa phương để đồng vốn đầu tư hiệu quả hơn. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết, hằng năm, ngành ngân hàng sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc định kỳ tổ chức xúc tiến hội nghị đầu tư.

Đánh giá về triển vọng của Tây Bắc, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, dù xuất phát điểm thấp nhưng có hướng đi thích hợp vẫn có thể phát triển mạnh mẽ.

Đại diện WB lưu ý các địa phương trong khu vực Tây Bắc cần tham khảo Lào Cai, tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh khá cao. Các địa phương cần cải thiện khả năng hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia các dự án đầu tư...

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo nghị định về ưu đãi thu hút đầu tư vào khu vực vùng sâu vùng xa, đặc biệt là Tây Bắc, theo hướng tăng ưu đãi hơn cho một số lĩnh vực đầu tư, ví dụ như trồng rừng để người dân có thể sống nhờ rừng.

Nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ

Cũng trong ngày 3/4, tại Tuyên Quang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Kết nối nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý về nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.

Ông Bùi Quang Thu, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết, vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược trọng điểm, là nơi sinh sống của hơn 11,6 triệu dân, trong đó trên 63% là đồng bào dân tốc ít người. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một chương trình nghiên cứu tổng thể toàn diện về vùng Tây Bắc với tầm nhìn chiến lược mang tính đột phá, tiếp cận và giải quyết các vấn đề của vùng một cách bền vững, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Do đó, theo ông Bùi Quang Thu, việc trao đổi, thảo luận giữa các nhà quản lý địa phương và Trung ương với các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp và cộng đồng địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của vùng Tây Bắc.
 
Tại hội thảo, ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng việc đề xuất ra được định hướng quy hoạch, mô hình và các giải pháp khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và cơ chế chính sách sẽ góp phần phục vụ sự phát triển bền vững của vùng Tây Bắc. Qua đó, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của các đồng bào dân tộc, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
 
Cũng theo ông Nhạ, các mục tiêu cụ thể trong thời gian tới cần ưu tiên xây dựng các quy hoạch tổng thể vùng, ngành, liên ngành phát triển bền vững trong mối liên hệ với khu vực trong nước và quốc tế. Cùng với đó, xây dựng các mô hình mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên và chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Bên cạnh việc chuyển giao khoa học và công nghệ, cần chú trọng tới phát triển nguồn nhân lực, xây dựng các cơ chế chính sách quản lý bền vững theo các mô hình và quy hoạch.
 
 
(Theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.