FTA Việt Nam-Hàn Quốc chính thức có hiệu lực

Bộ Công Thương cho biết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick tại Lễ ký kết chính thức Hiệp định VKFTA. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Theo Bộ Công Thương, sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định VKFTA tại Hà Nội vào ngày 5/5/2015, hai Bên đã khẩn trương triển khai thủ tục phê duyệt nội bộ tại mỗi nước. Đến nay, hai nước đã hoàn thành thủ tục phê duyệt theo quy định pháp luật của từng nước.

Ngày 16/12 vừa qua Bộ Ngoại giao hai nước đã trao đổi công hàm về ngày hiệu lực của Hiệp định VKFTA, theo đó thống nhất Hiệp định này chính thức có hiệu lực vào ngày 20/12/2015.

Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương.

Hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng và các tiểu ban chức năng về thương mại hàng hóa, hải quan, phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), di chuyển thể nhân... để rà soát, giám sát và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc thực thi Hiệp định.

Bộ Công Thương cho biết, thương mại hai chiều đã tăng hơn 57 lần, từ 0,5 tỉ USD năm 1992 lên 28,8 tỉ USD năm 2014. Năm 2014, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 tăng 5,7% so với năm 2013, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 7,1 tỉ USD, tăng 7,9%, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 21,7 tỉ USD, tăng 5%, nhập siêu 14,5 tỉ USD tăng 3,6% so với năm trước.

Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang Hàn Quốc trong năm 2014 bao gồm dệt may, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện…

Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn nhất từ Hàn Quốc trong năm 2014 bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, vải các loại, điện thoại các loại và linh kiện, chất dẻo nguyên liệu…

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 33,6 tỉ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 8,2 tỉ USD tăng 25,2%; nhập khẩu đạt 25,4 tỉ USD tăng 28,2%; nhập siêu 17,2 tỉ USD, tăng 29,3%.

Dự kiến kim ngạch thương mại hai chiều cả năm 2015 ước đạt 36,8 tỉ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2014.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/10/2015, Hàn Quốc dẫn đầu 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 4.777 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 43,6 tỉ USD.

Trong 10 tháng năm 2015, hoạt động đầu tư trực tiếp của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam diễn ra ở 17 phân ngành, trong đó tập trung nhiều nhất ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ và xây dựng. Số vốn đầu tư trong 4 ngành này chiếm trên 5 tỉ USD, tương đương 96% tổng số vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Hiện có gần 3.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng trên 400.000 lao động với các cơ sở sản xuất quy mô lớn như thiết bị điện tử và thép./.

Theo Công Minh/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...