Mở rộng cánh cửa cho kiều bào trở về quê hương

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận cấu thành, không tách rời của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, song song với hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương cũng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có khoảng hơn 4,5 triệu người, tăng hơn 25 lần so với năm 1975, được phân bố không đồng đều tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những khu vực nghèo, đang phát triển như ở châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ, hoặc các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương.
 
Trong những năm vừa qua, cộng đồng NVNONN luôn một lòng hướng về quê hương, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Cộng đồng NVNONN chính là cầu nối quan trọng góp phần quảng bá Việt Nam với thế giới. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong mọi thời kỳ cũng luôn gắn với sự hậu thuẫn lớn của đông đảo đội ngũ kiều bào, nhất là trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong thời bình, bà con kiều bào cũng luôn đóng góp, san sẻ khó khăn với đồng bào trong nước mỗi khi xảy ra khó khăn. Điều đó cho thấy sự gắn kết giữa kiều bào và đất nước ngày càng trở nên khăng khít, không thể tách rời.


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan 
gặp gỡ kiều bào về nước đón Tết cổ truyền Ất Mùi 2015

Xây dựng môi trường thông thoáng, thuận lợi cho kiều bào
 
Công tác đối với NVNONN thực sự là công tác xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, và “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”.
 
Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới cũng đã nhấn mạnh: “Tình hình quốc tế, trong nước và những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới đòi hỏi công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần được tăng  cường, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển vững mạnh, nâng cao uy tín, tham gia tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước sở tại; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “…thường xuyên tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến và tham gia vào các sự kiện chính trị - xã hội lớn của đất nước”; “…có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài…”.
 
Đặc biệt, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII đề cập tới việc đẩy mạnh công tác đối với NVNONN, khuyến khích và hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước, làm tốt công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài. Điều này khẳng định sự nhất quán trong chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, coi NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, và công tác đối với NVNONN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
 
Chủ trương này cũng đã được thể hiện trong Hiến pháp, văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất của nước ta: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
 
Chủ trương đúng đắn của Đảng đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của tất cả các tầng lớp cán bộ, nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Hàng loạt các chính sách pháp luật của Nhà nước đã thể chế hoá quan điểm của Đảng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào ta ở nước ngoài gắn bó với quê hương, góp phần xây dựng quê hương như: pháp luật về quốc tịch, cư trú, xuất nhập cảnh, nhà đất, đầu tư…. Hưởng ứng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, số lượng kiều bào về nước thăm thân nhân, du lịch, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học ngày càng tăng. Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, những năm gần đây, gần 500.000 lượt người về nước hàng năm, đóng góp tích cực vào công cuộc hội nhập, bảo vệ và phát triển đất nước.
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam cho biết: “Thực hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao và quyết tâm thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc (…). Đảng ta xác định lấy ý thức dân tộc, lòng yêu nước, mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất và phát triển đất nước là cơ sở của sự đoàn kết. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài. Đồng thời, khẳng định NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
 

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm Doanh nhân, Doanh nghiệp kiều bào phát triển cùng đất nước. 
 
Mở rộng cánh cửa đón kiều bào trở về quê hương
 
Thực tế những năm qua cho thấy cộng đồng NVNONN đã thực sự trở thành một bộ phận cấu thành, không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, được thể hiện trong cả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị,… của Đảng và Nhà nước, cũng như trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời, kiều bào ta ở nước ngoài cũng rất tự tin rằng luôn luôn được đất nước quan tâm, là bộ phận máu thịt của dân tộc. Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta luôn chú ý tới công tác đối với NVNONN. Điều này thể hiện ở chỗ chúng ta hội nhập quốc tế, đồng thời cũng tạo điều kiện và môi trường thông thoáng hơn để NVNONN trở về quê hương, đất nước.
 
Tiếp tục mở rộng hành lang thông thoáng cho cộng đồng NVNONN trở về quê hương, ngày 24/9/2015 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2015/NĐ-CP quy định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam. Chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2015, Nghị định 82 thay thế Quyết định 135 năm 2007, theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân khi về thăm Việt Nam.
 
Theo đó, nếu như trước đây, theo Quyết định 135, NVNONN được miễn visa (thị thực) trong 3 tháng thì đến nay Nghị định 82 quy định kiều bào được miễn thị thực trong 6 tháng và gia hạn trong 6 tháng nữa. Như vậy, NVNONN được miễn thị thực tối đa trong 1 năm, điều này giúp cho bà con có điều kiện trở về Việt Nam hơn. Ngoài ra, Nghị định 82 cũng nêu rõ đối tượng áp dụng ở phạm vi rộng hơn, đó là các thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, thứ 4, con cháu người Việt Nam, có dòng máu Việt định cư ở nước ngoài đều được miễn thị thực. Đây cũng là bước tiến lớn trong việc tiếp tục tạo điều kiện cho NVNONN khi trở về quê hương.
 
Theo anh Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp người Việt Nam tại Pháp, “thời gian miễn thị thực kéo dài đến 1 năm, và việc mở rộng phạm vi cho thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, thứ 4 được quy định trong Nghị định 82 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào ở khắp nơi trên thế giới nói chung và kiều bào tại Pháp nói riêng trở về nước đầu tư, kinh doanh, du lịch, thăm thân nhân,…”.
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam đánh giá: “Việc ban hành Nghị định 82 thay thế Quyết định 135 là một bước thể chế hóa cao hơn nữa quy định về miễn thị thực cho NVNONN; bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật (để phù hợp với Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 2014); và phù hợp với chủ trương tiếp tục đơn giản hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính”. “Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc tạo ra hành lang thông thoáng hơn nữa cho người Việt Nam ở nước ngoài khi trở về quê hương, đồng thời là sự khẳng định chủ trương trước sau như một của Đảng và Nhà nước coi cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
 
Thực tế hiện nay có rất nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài vì nhiều lý do như ra đi đã lâu, bị mất hết giất tờ hoặc sinh ra tại nước ngoài, nên không có bất cứ giấy tờ chứng minh là đã từng có quốc tịnh Việt Nam. Đây là những lý do khách quan, tồn tại khá phổ biến trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhất là với những người đã rời Việt Nam từ 30– 40 năm trước hoặc với các thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4 mang quốc tịch nước ngoài ngay từ khi sinh ta. Đối với những đối tượng này, khi ban hành Nghị định 82 cũng như quy định về miễn thị thực từ năm 2007, các cơ quan chức năng đã có tính đến và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể nộp các loại giấy tờ chứng minh có nguồn gốc Việt Nam để làm căn cứ xem xét, cấp giấy miễn thị thực. Các loại giấy tờ này đã được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BTP-BNG-BCA ngày 31/1/2013, bao gồm giấy tờ về nhân thân, hộ tịch, quốc tịch do các chế độ cũ cấp; giấy bảo lãnh của Hội đoàn NVNONN; Giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam. Những quy định này đã tính tới tất cả các đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hưởng quyền và lợi ích chính đáng của mình khi về nước.
 
Với chủ trương đoàn kết, gắn bó cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài với trong nước, Nhà nước ta đã có các chính sách ngày càng rộng mở, thông thoáng để bà con về nước thuận tiện, dễ dàng.  Việc đáp ứng các điều kiện để được miễn thị thực không còn là điều khó khăn đối với hầu hết người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đến nay, tất cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay người nước ngoài là chồng, vợ, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đều thuộc diện được miễn thị thực về Việt Nam. Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam khẳng định: “Những người đáp ứng đủ điều kiện sẽ được các cơ quan chức năng xem xét, cấp giấy miễn thị thực trong thời gian sớm nhất. Những người chưa đủ điều kiện có thể liên hệ với các cơ quan chức năng gần nhất để được xem xét, giải quyết”.
 
Một mùa xuân nữa lại về và năm nay, chắc chắn nhiều người con xa quê hương đã lâu sẽ trở về vui đón mùa xuân sum vầy cùng gia đình, bạn bè và dân tộc. Hy vọng rằng với nhiều chính sách bổ sung, sửa đổi ngày càng thông thoáng hơn, đặc biệt là Nghị định 82 của Chính phủ, số lượng kiều bào trở về nước sẽ tăng cao hơn nữa, cùng với thủ tục thuận lợi và thời gian lưu trú dài hơn cũng mở ra nhiều cơ hội để kiều bào đầu tư, kinh doanh, mua nhà, tham gia các sự kiện chính trị, xã hội, các hoạt động giao lưu văn hóa..., qua đó tăng cường sự gắn bó về mọi mặt của bà con với quê hương./.

Theo Khánh Linh/dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...