Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Jonathan Dunn 

Điều này đã được Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Jonathan Dunn chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên (PV): Với vai trò là người đứng đầu một thể chế tài chính toàn cầu tại Việt Nam, xin ông đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015?

Ông Jonathan Dunn: Những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô bắt đầu từ năm 2011 tiếp tục mang lại những kết quả tích cực trong năm 2015. Tăng trưởng đã tăng tốc lên 6,7 phần trăm nhờ hoạt động sản xuất mạnh mẽ của khu vực chế biến chế tạo hỗ trợ và cầu trong nước được cải thiện. Lạm phát vẫn ở mức thấp 0,6 phần trăm so với năm trước, phần nhiều  phản ánh giá nhiên liệu và lương thực thực phẩm thấp mặc dù tăng giá một số mặt hàng có giá do nhà nước quản lý. Cán cân vãng lai đối ngoại duy trì ở mức gần cân bằng, với nhập khẩu cho đầu tư và hàng tiêu dùng tăng mạnh và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại đôi chút do xuất khẩu hàng hóa sơ chế kém đi. Xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn khá so với các xu hướng của khu vực và toàn cầu.

Thâm hụt ngân sách năm 2015 ước tính khoảng 6,5 phần trăm GDP (theo định nghĩa Thống Kê Tài Chính Chính Phủ—GFS 2001). Mức thâm hụt này cao hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm GDP so với dự toán ngân sách với chi ngân sách cao hơn một chút và chỉ được bù đắp một phần nhờ thu ngân sách cao hơn. Nợ công giờ đã tăng lên mức 61 phần trăm GDP. Điều này càng cho thấy sự cần thiết phải củng cố dần dần ngân sách theo hướng hỗ trợ tăng trưởng mà vẫn đảm bảo các khoản chi xã hội thiết yếu và chi đầu tư hạ tầng đồng thời với tăng thu ngân sách để đảm bảo sự bền vững nợ công và khôi phục lại dư địa tài khóa.

Chính sách tiền tệ vẫn duy trì nới lỏng trong suốt cả năm. Tăng trưởng tín dụng thực tăng tốc lên mức ước tính khoảng 19 phần trăm so với năm trước, phản ánh cả cầu được cải thiện và các biện pháp chính sách đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn và đánh giá rủi ro thấp hơn đối với  cho vay khu vực bất động sản và chứng khoán. Trong tương lai, cần tiếp cận thận trọng  và giám sát chặt chẽ để đảm bảo  sự ổn định của hệ thống tài chính vẫn được duy trì. Các bước tiến của Chính phủ trong năm 2015 và đầu năm 2016 cho phép sự linh hoạt  tỷ giá lớn hơn là rất đáng hoan nghênh. Điều này cho phép tỷ giá giúp hấp thụ các cú sốc bên ngoài, đồng thời cũng hỗ trợ dự trữ quốc tế. Cần tăng dự trữ quốc tế để đảm bảo Việt Nam có đủ đệm giảm sốc cho khu vực đối ngoại. 

Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thiết kế các hành động chính sách dựa trên những thành tựu đã đạt được trước đây sẽ quan trọng đối với thành công của cải cách trong tương lai và đối với khả năng Việt Nam tối đa hóa các lợi ích có thể đạt được từ các hiệp định thương mại tự do gần đây. Tiếp tục cải cách khu vực tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu, vì một hệ thống ngân hàng lành mạnh và được quản lý tốt sẽ hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc đảm bảo rằng các nguồn lực sẽ chảy vào các lĩnh vực sinh lợi nhất. Ngoài ra, cần tăng cường cải cách doanh nghiệp nhà nước với việc đặt trọng tâm vào cải thiện minh bạch và quản trị, quản lý nhằm tăng năng suất và thay đổi cách thức hoạt động, và đẩy nhanh hơn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn. Thực hiện những cải cách cơ cấu sẽ củng cố niềm tin và thúc đẩy tăng trưởng, nhờ đó sẽ tạo nhiều việc làm và cơ hội cho lực lượng lao động đầy động lực và đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam.

PV: Năm 2015 đánh dấu thời điểm quan trọng cho quá trình hội nhập của kinh tế Việt Nam đối với khu vực và thế giới. Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do, thành viên của Cộng đồng ASEAN và tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông có thể đánh giá những thách thức và cơ hội? Việt Nam cần phải làm gì để hội nhập một cách hiệu quả? 

Ông Jonathan Dunn: Việc Việt Nam đã ký kết những hiệp định thương mại tự do (FTAs) với Liên Minh Kinh tế Á Âu, Liên Minh Châu Âu và Hàn quốc trong năm 2015 là rất ấn tượng. Những hiệp định này, cùng với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới và trở thành thành viên của Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (AEC) mang lại thêm những cơ hội cho Việt Nam. Xuất khẩu mong đợi sẽ được hưởng lợi từ việc thâm nhập thuận lợi hơn vào các thị trường lớn. Điều này cũng sẽ giúp thu hút thêm những luồng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào ngành dệt may. Hội nhập quốc tế sâu hơn cũng sẽ giúp tăng nguồn cung nguyên liệu đầu vào và hàng tiêu dùng cho thị trường nội địa, ở mức giá có thể thấp hơn, do đó mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Hơn nữa, các FTAs sẽ hỗ trợ thúc đẩy cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý và thể chế. Điều này rồi sẽ giúp tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo rằng tất cả các doanh nghiệp đều được tiếp cận bình đẳng các thị trường và nguồn lực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh tăng lên từ những doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về vốn và công nghệ. Để thành công trong việc đối phó với những thách thức này, Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa các thể chế, tăng tính cạnh tranh và nâng cao năng suất. Những cải thiện này sẽ giúp giảm chi phí lao động và phi lao động của sản xuất và tăng sự hấp dẫn của Việt Nam như là điểm đến của kinh doanh và đầu tư. 

PV: Một trong những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước Việt Nam trong những năm gần đây đó là việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Ông hãy đưa ra đánh giá về chương trình tái cơ cấu khu vực ngân hàng mà Việt Nam đang thực hiện gần đây?

Ông Jonathan Dunn: Một số bước cải cách đáng hoan nghênh đã được thực hiện trong 2015, bao gồm xóa bỏ dần việc trì hoãn trả nợ quy định rõ ràng; hạn chế trả cổ tức của các ngân hàng có hoạt động yếu kém; tăng cường thanh tra khu vực tài chính; thắt chặt quy định về cho vay người có liên quan và sở hữu chéo; và phê duyệt tăng vốn cho Công Ty Quản Lý Tài Sản Việt Nam (VAMC). Ngân hàng Nhà nước đã mua lại ba ngân hàng yếu kém và xóa sổ các cổ đông hiện tại; cũng như sát nhập ba ngân hàng khác. Tuy nhiên, những thách thức của khu vực ngân hàng vẫn còn đó. Khả năng sinh lời của khu vực ngân hàng vẫn còn thấp. Việc xử lý nợ xấu (NPLs) gồm thông qua bán và chuyển nhượng tài sản đảm bảo chậm hơn mong đợi do một số yêu cầu về pháp lý. Cần tăng cường nỗ lực tăng vốn trong hệ thống ngân hàng. Mặc dù việc sát nhập các ngân hàng yếu kém có thể giải quyết các vấn đề trước mắt thì vẫn cần  nỗ lực cải cách toàn diện như giảm mức nợ xấu của toàn hệ thống, tăng vốn, thúc đẩy cải cách pháp lý và trao quyền tự quyết lớn hơn cũng như thêm nguồn lực tài chính và nhân lực cho VAMC nhằm  đảm bảo sức khỏe của hệ thống ngân hàng, tăng niềm tin và tạo ra một môi trường mà ở đó các ngân hàng có thể là trung gian chuyển tiết kiệm quốc gia tới những khu vực hiệu quả nhất.

PV: Với tư cách là Trưởng đại diện mới của IMF tại Việt Nam, ông có thể cho biết ông sẽ có những đóng góp gì trong vai trò là cầu nối giúp thúc đẩy quan hệ Việt Nam – IMF cũng như đưa ra những tư vấn, hỗ trợ thiết thực gì cho Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Jonathan Dunn: Là một nước thành viên, Việt Nam tham gia vào nhiều hoạt động của IMF bao gồm tư vấn chính sách và nâng cao năng lực. IMF và Chính phủ đã có nhiều tư vấn chính sách trong khuôn khổ những thảo luận của đoàn Điều IV thường niên và một số đoàn làm việc định kỳ. Bên cạnh đó, tôi cùng các đồng nghiệp tại Văn phòng Đại Diện của IMF tại Hà Nội thường xuyên liên lạc hàng ngày với các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về hỗ trợ và tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và IMF. Trong những năm gần đây, IMF đã hỗ trợ Việt Nam thông qua trợ giúp kỹ thuật ở một số lĩnh vực như chính sách và quản lý hành chính thuế và hải quan, quản lý nợ công, các khuôn khổ và chính sách tiền tệ và tỷ giá, quản lý dự trữ và cải thiện chất lượng số liệu thống kê kinh tế vĩ mô theo chuẩn quốc tế. Học Viện của IMF về Phát Triển Năng Lực tại trụ sở của chúng tôi ở Washington D.C. và Học viện  Đào tạo khu vực của IMF- Singapore mang lại cho các công chức của Việt Nam  nhiều cơ hội đào tạo trong một số lĩnh vực như phân tích kinh tế vĩ mô, chính sách và lập trình tài chính, tài chính công, thống kê tài chính chính phủ, phương pháp luận về cán cân thanh toán. Hơn nữa, rất nhiều cán bộ của Việt Nam đã tham gia những cuộc hội thảo của IMF và cũng được hưởng lợi từ cơ hội đào tạo dài hạn ở cấp sau đại học do Chương Trình Học bổng của IMF-Nhật Bản cho Châu Á tài trợ. IMF sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế thông qua những thảo luận chính sách, trợ giúp kỹ thuật và đào tạo để tăng cường năng lực thể chế ở những lĩnh vực mà IMF giàu kinh nghiệm.

Chúc mừng năm mới! Xin chúc quý vị một năm mới Mạnh Khỏe, Hạnh Phúc và Thịnh Vượng!

PV: Xin cảm ơn ông và chúc ông một năm mới tốt lành!