Môi trường pháp lý của Việt Nam ngày càng được đổi mới tạo điều kiện thu hút các dự án FDI 
(Ảnh minh họa: K.L)

Có thể thấy, quyết định đầu tư một dự án giấy bao bì quy mô lớn ở Việt Nam nêu trên có một phần nguyên nhân để đón đầu các cơ hội do Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại. Và đây là dự án “tỉ đô” thứ 3 có mặt tại Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, sau hai dự án là Thành phố Đế Vương (vốn đầu tư 1,2 tỉ USD) ở TP.Hồ Chí Minh và Samsung Display (3 tỉ USD) ở Bắc Ninh... 

Môi trường pháp lí trong đầu tư tại Việt Nam ngày càng được đổi mới và từng bước hoàn thiện góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng nâng cao chất lượng nguồn vốn, khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, ưu tiên các dự án phát triển công nghệ phụ trợ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Đầu tiên, phải nói tới số vốn thực hiện trong năm 2015. Đây là năm có số vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước tới nay, ước đạt khoảng 14,5 tỉ USD. Nghĩa là, nếu so với làn sóng FDI trong giai đoạn 1991- 1997 thì con số này cao hơn gấp 1,5 lần. 

Về chất lượng dự án, những công trình quy mô nhất đều có dấu ấn của vốn FDI. Có thể kể đến như nhà máy LG ở Hải Phòng; nhà máy Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.Hồ Chí Minh; nhà máy Microsoft ở Bắc Ninh, Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa); Khu liên hợp gang thép của Formosa (Hà Tĩnh)... 

Tiếp đến là môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhìn vào tổng vốn đăng kí của các dự án cấp mới và cấp vốn bổ sung cả năm 2015 đạt 22,76 tỉ USD, tăng 12,5% so với năm 2014, do Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy Việt Nam vẫn là địa điểm được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn lựa. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng kí đạt 15,23 tỉ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng kí; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt trên 2,8 tỉ USD, chiếm 12,4%. Ngành kinh doanh bất động sản đạt trên 2,3 tỉ USD, chiếm 10,5%; các ngành còn lại đạt trên 2,3 tỉ USD, chiếm 10,2%...

Xét theo địa phương, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với số vốn đăng kí đạt hơn 2,8 tỉ USD, chiếm 18% tổng vốn đăng kí cấp mới. Tiếp đến là Trà Vinh hơn 2,5 tỉ USD, Bình Dương hơn 2,4 tỉ USD, Đồng Nai hơn 1,4 tỉ USD... Cũng trong năm 2015, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 2,6 tỉ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đăng kí cấp mới; tiếp đến là Malaysia với hơn 2,4 tỉ USD, chiếm 15,7%; Samoa với hơn 1,3 tỉ USD, chiếm 8,4%; Nhật Bản hơn 1,2 tỉ USD, chiếm 8,2%... 

Nói thêm về Dự án Cheng Loong Đài Loan, đây là dự án có vốn đầu tư 1 tỉ USD, với quy mô hơn 1 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch, Cheng Loong sẽ khởi công xây dựng nhà máy ngay trong tháng 12/2015 trên khu đất của KCN Singapore Ascendas-Protrade (Bến Cát, Bình Dương). Cheng Loong hiện có 29 nhà máy sản xuất bao bì giấy trên thế giới và chuyên cung cấp cho các tập đoàn lớn như Apple, Nike… Tập đoàn này cũng đã có hai nhà máy tại Việt Nam và đây là dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Tập đoàn từ trước đến nay ở Việt Nam. 

Dự án Thành phố Đế Vương (Empire City), có tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD do Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd (Anh) đầu tư tại TP.HCM. Dự án có mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kĩ thuật trên khu đất diện tích khoảng 14,5 ha, nằm dọc theo trục đường Mai Chí Thọ và ven sông Sài Gòn, thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Tại đây, Dự án thành phố Đế Vương là một khu phức hợp bao gồm trung tâm thương mại cao cấp, khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, căn hộ ở và căn hộ dịch vụ, bãi đậu xe ngầm… theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 730.000m2, trong đó có một tòa nhà chức năng cao 86 tầng với kiểu dáng kiến trúc độc đáo mang tính biểu tượng, là công trình điểm nhấn cao nhất Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây cũng được xem là dự án toà nhà cao nhất Việt Nam hiện nay... 

Dự án Samsung Display chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư với mức đầu tư thêm 3 tỉ USD tại Bắc Ninh, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 4 tỉ USD vào nhà máy chuyên nghiên cứu phát triển (R&D) và sản xuất các loại màn hình thế hệ mới, độ phân giải cao cho thiết bị di động, trong đó bao gồm các loại màn hình AMOLED, OLED… Còn nhớ, tháng 7 năm ngoái, Samsung Display đã lần đầu tiên đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD. Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Samsung Display đã xây dựng nhà máy và tháng 2/3015, chính thức đưa nhà máy đi vào vận hành... 

Rõ ràng, những dự án tỉ đô trong năm 2015 sẽ là tiền đề để Việt Nam thu hút FDI và tạo nên làn sóng đầu tư mới tăng cả về chất lượng và số lượng trong năm 2016. Đây cũng là thời điểm mà Việt Nam cùng lúc thực hiện nhiều cam kết quốc tế về hội nhập, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)...sẽ làm tăng sức hấp dẫn của chúng ta trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng, quan trọng hơn cả là chúng ta tận dụng và nắm bắt cơ hội đó ra sao mà thôi.../.