Căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thời kỳ từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến Chiến thắng Mùa xuân 1975

Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, Pháp quay lại Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1946, Pháp đưa một phân đội bộ binh đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza trở lại Hoàng Sa. Dựa trên Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, 4 tàu chiến của Trung Hoa Dân Quốc đổ bộ lên quần đảo với lý do giải giáp quân Nhật trong năm 1946. Ngày 17 tháng 1 năm 1947, pháo hạm Le Tonkinois của Hải quân Pháp đến quần đảo Hoàng Sa để đòi quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đây và đã tiếp quản quần đảo Hoàng Sa sau khi quân đội Tưởng Giới Thạch rút quân vào tháng 4 năm 1950.

Ngày 7/9/1951, tại Hội nghị San Francisco về việc ký hòa ước với Nhật Bản, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ miền Nam Việt Nam thời đó trong phát biểu của mình, tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo: “… và cũng vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Spratlys (Trường Sa) và Paracels (Hoàng Sa), tạo thành một phần của Việt Nam”. Lời tuyên bố này của Thủ tướng Trần Văn Hữu không bị bất cứ phái đoàn nào trong tổng số 51 quốc gia tham dự hội nghị phản đối. Lời tuyên bố đó đã được ghi vào biên bản của hội nghị. Đây là những cơ sở luật pháp rất quan trọng mà Trung Quốc không thể phủ nhận.
 
Hội nghị Geneva 1954 với sự tham dự của 9 quốc gia, gồm 5 cường quốc: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô và Trung Quốc đã minh thị xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hiệp định Geneva ký ngày 20/7/1954.
 
Tháng 4/1956, Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Chính quyền VNCH đã đưa quân ra thay thế quân Pháp trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và đóng quân trên hai quần đảo, đảm nhiệm việc quản lý hai quần đảo theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Geneva năm 1954 về việc Việt Nam Cộng hòa được trao quyền quản lý tạm thời nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào trong khi chờ đợi thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do. Trong thời gian này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã luôn khẳng định và duy trì các quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình đối với hai quần đảo bằng các hoạt động nhà nước (do Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía trong vĩ tuyến 17 theo đúng Hiệp định Geneva).

 
Ngày 20/10/1956, Tổng thống chính quyền Sài Gòn đã ra Sắc lệnh số 143-NV về thay đổi địa giới các tỉnh, thành phố miền Nam, trong đó đã đặt quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Phước Tuy. Trong Sắc lệnh số 174-NV ngày 13/7/1961 về việc sắp xếp lại quần đảo Hoàng Sa, Tổng thống chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa, trước thuộc tỉnh Thừa Thiên vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại đây một đơn vị hành chính gọi là xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Từ 1961 đến 1963, chính quyền Sài Gòn lần lượt cho xây bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa: Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây, Song Tử Đông, Thị Tử, Loại Ta. Nghị định số 709-BNV-HCDP-26 ngày 21/10/1969 của Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, sáp nhập xã Định Hải (quần đảo Hoàng Sa) vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Nghị định số 420-BNV-HĐP/26 ngày 06/9/1973 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn thi hành Quyết định của Hội đồng Nội các ngày 9/01/1973, quyết định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Ai, Sinh Tồn và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Tuy nhiên, trong năm 1956, khi chính quyền VNCH chưa kịp đưa quân ra thay thế quân Pháp trên quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc đã bí mật đưa quân ra chiếm đóng các đảo thuộc nhóm phía Đông của quần đảo này. Ngày 11/7/1956, lực lượng vũ trang của Trung Hoa Dân Quốc đổ bộ lên đảo Ba Đình, thuộc quần đảo Trường Sa và duy trì 1 căn cứ hải quân nhỏ với 1 tiểu đoàn lính hải quân ở đây. Chính quyền VNCH đã kịch liệt phản đối. Năm 1959, quân Trung Quốc giả làm ngư dân đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Quân đội VNCH đã phát hiện ngăn chặn và bắt giữ 82 “ngư dân” Trung Quốc. Tiếp đến ngày 19/01/1974, Trung Quốc dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do chính quyền VNCH đóng giữ. Cùng ngày, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; ngày 20/01/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra bản tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 14/02/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 5 và 6/5/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thông báo việc giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 9/1975, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị khí tượng ở Colombo tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và yêu cầu Tổ chức khí tượng thế giới tiếp tục ghi tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam (trước đây đã được đăng ký trong hệ thống các trạm của OMM dưới biểu số 48.860) trong danh mục trạm khí tượng của Tổ chức khí tượng thế giới./.
Theo baohaugiang.com.vn

Tin Liên Quan

Bản đồ cổ Trung Quốc khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Nhiều bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ đều cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Thêm tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Cuốn sách vừa được phát hiện mang tên "Khải đồng thuyết ước” được xác định là cuốn sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ thời vua Tự Đức, ghi chép về thiên văn, địa lý do soạn giả Kim Giang Phạm Phục Trai thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ...

Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các bản đồ nước ngoài

Hiện tại các trung tâm lưu trữ trên thế giới còn lưu giữ nhiều bản đồ cổ, trong đó thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XIV

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...

Các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Phần XIII

Châu bản triều Nguyễn là một loại văn bản hành chính của các vương triều phong kiến Việt Nam dưới thời các vua nhà Nguyễn. Việc xác lập và thực thi chủ quyền của triểu đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể...