Cần có chính sách đặc thù để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững

Gồm 5 tỉnh Đăk Lắc, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế phát triển. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, kinh tế - xã hội Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng còn khó khăn, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững.
Tây Nguyên giàu tiềm năng


Có dân số 5,3 triệu người với nét văn hóa đặc thù, đa dạng và phong phú,
Tây Nguyên thực sự là vùng đất giàu tiềm năng lợi thế phát triển

Công cuộc đầu tư phát triển Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn đối với việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và sự ổn định, phát triển bền vững đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Đây là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều năm qua.

Với diện tích tự nhiên trên 5,4 triệu ha, trong đó có 1,36 triệu ha đất đỏ bazan, dân số 5,3 triệu người với nét văn hóa đặc thù, đa dạng và phong phú, Tây Nguyên thực sự là vùng đất giàu tiềm năng lợi thế phát triển, nhất là về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, đây cũng là vùng khó khăn, lạc hậu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, dân cư phân tán, tỷ lệ đói nghèo cao, sản xuất chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh, chính trị.

Nhận rõ ví trí quan trọng, tiềm năng to lớn và cả những khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết định về quy hoạch và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh Tây Nguyên.

Kinh tế - xã hội Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

Hiện nay, Tây Nguyên là vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hoá với sản lượng lớn, chất lượng và giá trị kinh tế ngày càng tăng, có lợi thế cạnh tranh cả trong và ngoài nước như cà phê, cao su, chè, tiêu, bông vải, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy...

Công nghiệp phát triển cả về quy mô và công nghệ, đáng chú ý là thủy điện, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản... với thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Dịch vụ, nhất là thương mại, vận tải, viễn thông, ngân hàng phát triển khá nhanh.


Kết cấu hạ tầng ở Tây Nguyên phát triển khá nhanh, tạo điều kiện thuận lợi
cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Ảnh: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên

Kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức khá cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 2,9 triệu đồng (năm 2001) lên 26,9 triệu đồng năm 2012. Kết cấu hạ tầng phát triển khá nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng, giao lưu thuận lợi hơn với các tỉnh Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, duyên hải miền Trung, với Lào và Campuchia.

Hầu hết các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn đã được cải tạo. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã được hoàn thành về cơ bản, tuyến đường Đông Trường Sơn nối liền 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã được khởi công xây dựng. Các sân bay được nâng cấp và mở thêm đường bay đến một số thành phố lớn trong nước. Giao thông nông thôn tiếp tục phát triển, 100% các trung tâm cụm xã, hầu hết số xã đã có đường ô tô đến trung tâm.

Thu hút đầu tư vào Tây Nguyên còn thấp

Cơ hội đầu tư vào vùng Tây Nguyên là rất lớn, nhu cầu vốn đầu tư phát triển của vùng giai đoạn 2011-2015 khoảng 400.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư tư nhân (kể cả FDI) khoảng 250.000 tỷ đồng (chiếm đến 60%).

Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đến nay còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.

Số lượng, quy mô dự án còn hạn chế, công nghệ đơn giản, lạc hậu; sử dụng ít lao động và chủ yếu tập trung ở các đô thị. Số lượng dự án đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, du lịch - dịch vụ tạo giá trị gia tăng lớn còn rất ít, chưa thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn.


Cà phê là một trong những cây chủ lực của Tây Nguyên

Đến nay, Tây Nguyên mới thu hút được 169 dự án với tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 1 tỷ USD, chỉ bằng 1,2% về số dự án và 0,4% về tổng vốn FDI đăng ký của cả nước.

Phát biểu Khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ hai - 2013 diễn ra tại Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khẳng định Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần này, sự kiện xúc tiến đầu tư cấp quốc gia trọng điểm, nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên; các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư; các dự án trọng điểm cần thu hút vốn đầu tư giai đoạn 2013-2015.

Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 12/4, là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nắm bắt các tiềm năng, lợi thế của vùng, tiếp cận các dự án trọng điểm đang ưu tiên thu hút đầu tư, những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực, địa bàn trong vùng.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước, có tiềm năng và lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện. Tuy nhiên, đây hiện vẫn là vùng khó khăn, yếu kém về cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu vực Tây Nguyên trong điều kiện đầu tư còn không thuận lợi.

Cùng quan điểm trên, các nhà đầu tư bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên, ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên. Bên cạnh đó là  việc các ngành hữu quan cần quan tâm hơn nữa tới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng; chú trọng tới công tác đào nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và trình Chính phủ quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020. Trong đó tập trung vào xúc tiến đầu tư, thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo, huy động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp muốn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên.


Phát huy tiềm năng, lợi thế Tây Nguyên, đặc biệt là trồng, chế biến
và xuất khẩu cà phê, cao su và các cây công nghiệp có thế mạnh khác

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, sử dụng có hiệu quả công cụ của chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng, chính sách phát triển mạng lưới để điều tiết, phân bổ tốt nguốn vốn tín dụng, phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng ở vùng Tây Nguyên, góp sức cùng cả nước đưa kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững xứng tầm với tiềm năng, vị trí của vùng chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Về phía địa phương, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cũng cam kết sẽ tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên.

Cơ hội đầu tư vào Tây Nguyên rất lớn

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đến nay còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; số lượng, quy mô dự án còn hạn chế, công nghệ đơn giản, lạc hậu.

Tuy nhiên cơ hội đầu tư vào vùng Tây Nguyên rất lớn.

Để tiếp tục xây dựng Tây Nguyên trở thành một trong những vùng động lực phát triển của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện để trình ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020.

“Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và nghiên cứu bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi đặc thù để phát triển một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để vùng Tây Nguyên thu hút được mạnh mẽ các nguồn đầu tư để phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ nghiên cứu bổ sung các cơ chế
chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi đặc thù để vùng Tây Nguyên thu hút được mạnh mẽ các nguồn đầu tư

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các Bộ, ngành trung ương, các địa phương trong vùng cần tập trung huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình lớn về hạ tầng giao thông, đảm bảo thông suốt, nối liền các cảng biển, sân bay, đô thị ven biển và các vùng phụ cận.

Đồng thời, các địa phương trong vùng Tây Nguyên cần tăng cường phối hợp, triển khai quy hoạch một cách hiệu quả, gắn kết các tiềm năng, lợi thế, tạo tiếng nói chung để thu hút đầu tư, phát triển. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao; có chính sách thích hợp để khuyến khích ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong vùng khẩn trương chọn, đề xuất một số dự án đầu tư trọng điểm, có tính lan tỏa vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và đề xuất các chính sách ưu đãi để tập trung đầu tư và thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau. Đây là một trong số các các bước đi phù hợp, thực tiễn để tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới bền vững ở khu vực Tây Nguyên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư gắn với thúc đẩy các chương trình hợp tác khu vực “Tam giác phát triển”, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh vùng biên của Lào, Campuchia; triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, Lệ Thanh... sớm trở thành những hạt nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên phải gắn với việc đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội nhằm tạo cho Tây Nguyên trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm Tây Nguyên là vùng căn cứ vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giải pháp tín dụng cho phát triển Tây Nguyên

Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên tổ chức ngày 12/4 tại Gia Lai, các ngân hàng cam kết tập trung nguồn vốn lớn cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn này.

Các ngân hàng thương mại đã ký kết 28 hợp đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp trong vùng với số tiền lên đến 23.899 tỷ đồng vào các lĩnh vực cà phê, cao su, thủy điện…


Cần tập trung huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển
kết cấu hạ tầng Tây Nguyên ngày càng hiện đại

Các ngân hàng cam kết đóng góp hơn 180 tỷ đồng cho 5 tỉnh Tây Nguyên để thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Lãnh đạo các địa phương trong vùng cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng.

Trước đó, tại cuộc Tọa đàm “Các giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên” chiều 11/4, các đại biểu đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong việc huy động tín dụng cho phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên, cả từ phía doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và cơ chế chính sách.

Theo các đại biểu, thời gian qua, nguồn vốn ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, phát huy được những tiềm năng, lợi thế trong vùng, đặc biệt là trồng chế biến và xuất khẩu cà phê, cao su và các cây công nghiệp có thế mạnh khác.

Tuy nhiên, nguồn vốn cho phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn của vùng như chế biến lâm sản, khai khoáng, thủy điện còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm tín dụng cho các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của Tây Nguyên còn đơn điệu. Chênh lệch giữa nguồn vốn huy động và dư nợ trên địa bàn khu vực Tây Nguyên còn cao.

Doanh nghiệp trong khu vực Tây Nguyên có quy mô nhỏ bé, năng lực tài chính và năng lực điều hành còn yếu,  vốn tự có nhỏ nên tiếp cận vốn tín dụng rất khó khăn. Trong khi đó, năng lực báo cáo tài chính yếu dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng “ngại” cho vay hoặc phải mất thời gian và chi phí lớn thẩm định hồ sơ.

Về phía cơ chế chính sách, các ý kiến phát biểu cho rằng Nhà nước chưa có chiến lược phát triển bền vững đối với những ngành kinh tế thế mạnh của vùng. Công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, lĩnh vực thiếu đồng bộ, mang tính ngắn hạn, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng đô thị. Chiến lược xúc tiến đầu tư của khu vực và từng tỉnh chưa rõ ràng, cơ chế thu hút đầu tư còn mang tính tự phát, thiếu định hướng về quy hoạch phát triển chung và liên kết vùng.

Ngoài ra, việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... tại các tỉnh trong vùng chưa được tốt, còn nhiều thủ tục hành chính không phù hợp, gây khó khăn cho nhà đầu tư ngay từ khâu lập dự án; chính sách hỗ trợ tín dụng chưa thực sự hiệu quả...

Các đại biểu kiến nghị ngân hàng cần thiết kế chính sách tín dụng theo hướng phù hợp với đặc thù của Tây Nguyên. Ngân hàng cũng cần tiếp tục mở rộng mạng lưới, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận vốn ngân hàng.
 
(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu: Quân và dân Khu Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17/7/1952, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích 44.300 km2, dân số 440 nghìn người.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại lịch sử, tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân cả nước; biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đồng...

Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu có công suất tiêu thụ điện 30MW

Đây là Trung tâm dữ liệu (DC) thứ 14 của Viettel và là DC đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế công suất cao, với 60.000 máy chủ, 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30MW.