Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Cần nhân rộng mô hình hợp tác Việt Nam - Italy

Chiều 5/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp thân mật Đại sứ Italy tại Việt Nam Cecilia Piccioni (Chê-chi-li-a Pích-chi-ô-ni) đến chào xã giao.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp thân mật Đại sứ Italy tại Việt Nam Cecilia Piccioni 

đến chào xã giao. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) 

Chiều 5/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp thân mật Đại sứ Italy tại Việt Nam Cecilia Piccioni (Chê-chi-li-a Pích-chi-ô-ni) đến chào xã giao.           

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Đại sứ Cecilia Piccioni đã có một năm thành công trong nhiệm kỳ tại Việt Nam; cảm ơn sự hỗ trợ và ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Italy dành cho nhân dân Việt Nam trong thời gian qua.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao việc Quốc hội Italy vừa hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA); đề nghị Italy ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, ủng hộ ứng viên Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, ứng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC); khẳng định Việt Nam ủng hộ Italy ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017 - 2018.   

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vui mừng nhận thấy, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực phát triển tích cực trong những năm qua. Việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013 nhân chuyến thăm Italy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh dấu một bước chuyển lớn trong quan hệ song phương. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Italy Sergio Mattarella (Séc-gi-ô Mát-ta-rê-la) tháng 11/2015, chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Italy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, là một chuyến đi có nhiều ý nghĩa. Italy luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch song phương năm 2015 đạt 4,3 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD/năm. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước có những mô hình hợp tác rất hiệu quả, thời gian tới cần tiếp tục nhân rộng mô hình hợp tác này. Việt Nam luôn ủng hộ các doanh nghiệp Italy kết nối, hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam, mong các nhà đầu tư Italy với những công nghệ tiên tiến tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong quá trình phát triển quan hệ Việt Nam - Italy luôn có sự đóng góp quan trọng của Đại sứ quán và các Đại sứ hai nước.         

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đại sứ Cecilia Piccioni cùng chia sẻ quan điểm, hợp tác chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hóa là những trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Chủ tịch nước đề nghị, trước hết hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, mở rộng quan hệ không chỉ ở cấp bộ/ngành, mà cả giữa các địa phương hai nước. Cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hai nước cần tăng cường hợp tác về các lĩnh vực quốc phòng, an ninh; mở rộng hơn nữa giao lưu văn hóa để nhân dân hai nước hiểu nhau hơn; cũng như tăng cường hợp tác về giáo dục-đào tạo để hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.  

Bày tỏ cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Cecilia Piccioni cho rằng, quan hệ Italy - Việt Nam đang có bước phát triển hết sức tốt đẹp thông qua các chuyến thăm trao đổi ở các cấp. Italy rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, nhất là kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Italy Sergio Mattarella.          

Bà Cecilia Piccioni chia sẻ, Việt Nam hiện là bạn hàng lớn nhất của Italy trong khối ASEAN; Italy đứng thứ 2 trong các nước châu Âu tiếp nhận hàng hóa của Việt Nam và đứng thứ 4 trong số các nước EU về hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam. Doanh nghiệp Italy và Việt Nam đang hợp tác khá hiệu quả, nhờ hai nước có hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ tương đồng, hợp tác trên cơ sở cùng có lợi. Nhiều doanh nghiệp Italy đầu tư ở Việt Nam rất thành công, như Piagio, Ariston, ENI… Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, Italy đóng cửa nhiều sứ quan, nhưng đã mở Tổng Lãnh sự quán ở Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó có thể hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp Italy ở Việt Nam. ENI cũng coi Việt Nam là địa bàn trung tâm ở khu vực Đông Nam Á. Điều này minh chứng cho mong muốn của Italy trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam.     

Nhân dịp này, Đại sứ Cecilia Piccioni đã chuyển lời mời của Tổng thống Italy Sergio Mattarella mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm cấp Nhà nước Italy trong thời gian tới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chia sẻ với Đại sứ Cecilia Piccioni những ấn tượng sâu sắc về chuyến thăm Italy tháng 7/2014 trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an./.  

Theo Đức Dũng/TTXVN

Tin Liên Quan

Hiệp ước Xanh: Hành trình nhiều gian nan

Việc thực hiện Hiệp ước Xanh ở châu Âu đang đối mặt nhiều khó khăn do lo ngại về tác động kinh tế và sự phản đối từ một số ngành. Tuy nhiên giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khẳng định Hiệp ước Xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu của khối và liên minh sẽ “linh hoạt trong cách thức thực hiện” hiệp...

Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ đoàn kết trong Đảng đến đồng thuận xã hội

“Tôi chỉ có một đảng, Đảng Việt Nam” - Đó là lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I (ngày 31/10/1946). Đó là sự khẳng định của Người sáng lập ra Đảng, xây dựng thiết chế Nhà nước và mở đường kiến thiết...

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV

Sáng nay (20/5) Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.