Ấm tình thầy trò giữa “rốn lũ” Phìn Ngan

Những ngày cuối tháng Tám, chúng tôi vượt dốc lên xã Phìn Ngan (Bát Xát), nơi lũ quét vừa mới đi qua, vẫn còn ngổn ngang đất, đá và ngổn ngang nỗi lo trong lòng người dân nơi đây. Trái ngược với cảnh tan hoang nơi “rốn lũ” nhiều đau thương ấy, ở những trường học vùng cao, các thầy, cô giáo và các em học sinh đang nỗ lực khắc phục khó khăn, rộn ràng chuẩn bị đón tiếng trống ngày khai trường. Ở nơi ấy, tình thầy trò thật ấm áp biết bao, nâng bước các em vượt qua gian khó đến với mái trường thân yêu.

Đường vào trung tâm xã Phìn Ngan nhiều đoạn vẫn lầy lội bùn đất, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Chỉ cần nhìn xuống lòng suối trơ những tảng đá to, những bụi tre, cột điện và gốc cây cổ thụ bị lũ quật ngã, cuốn trôi cũng có thể hình dung ra mức độ khủng khiếp của trận lũ vừa mới quét qua nơi này.

Tháng Tám, tiết trời Phìn Ngan bắt đầu se lạnh. Thầy giáo Ngô Văn Lạng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phìn Ngan pha ấm trà nóng, nhìn ra bầu trời vẫn xám xịt mây đen, nét mặt lo lắng: Trận lũ quét vừa qua đã làm 2 phòng học, 2 phòng công vụ và 1 nhà bếp ở phân hiệu thôn Sùng Hoảng hư hỏng hoàn toàn. Còn ở phân hiệu thôn Sùng Bang, đất đá trên taluy cũng sạt xuống vùi lấp khu nhà vệ sinh, làm 2 phòng học và 1 phòng công vụ bị sụt lún, không thể dạy học được nữa vì rất nguy hiểm. Năm học mới này, Trường Tiểu học Phìn Ngan có 22 lớp với 284 học sinh, thì 83 học sinh có nhà ở, tài sản bị thiệt hại do lũ quét, đặc biệt, 4 học sinh nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Đa số gia đình học sinh trong trường đều nghèo, lại bị ảnh hưởng của thiên tai, nay khó khăn lại chồng thêm khó khăn.

Cô và trò Trường Tiểu học Phìn Ngan rộn ràng chào đón năm học mới.

- Năm học mới đến rồi, vậy các em học sinh ở phân hiệu bị lũ cuốn và sạt lở đất sẽ học tập như thế nào đây? Tôi băn khoăn hỏi thầy Lạng.

- Nhà trường quyết định đưa 5 học sinh học lớp ghép 1+2 và 9 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 ở thôn Sùng Hoảng về ở bán trú và học tập tại trường chính để việc học tập của các em không bị gián đoạn. Đối với phân hiệu Sùng Bang, năm học mới có 6 học sinh lớp 1 và lớp 2 thì sẽ chuyển lớp tới học ở nhà văn hóa thôn. Các thầy, cô giáo đã tích cực đến tận nhà dân điều tra, rà soát lại số lượng học sinh trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sau đó lập danh sách đề nghị hỗ trợ theo quy định, đồng thời tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh khắc phục khó khăn, chuẩn bị các điều kiện để đưa con em đến trường. Nhà trường quyết tâm vận động 100% học sinh ra lớp trước ngày khai giảng 5/9…

Chúng tôi thăm khu phòng ở bán trú của học sinh Trường Tiểu học Phìn Ngan. Mặc dù trận lũ quét kinh hoàng vừa đi qua, nhưng không khí những ngày đầu năm học mới vẫn náo nức, bởi các em học sinh đều háo hức chờ tiếng trống khai trường. Trong khi các anh, chị lớp 4, lớp 5 thỏa sức chạy nhảy, vui đùa, thì mấy em học sinh nhỏ hơn có vẻ khép nép, có em còn thút thít khóc. Thì ra, đó là những học sinh ở phân hiệu Sùng Hoảng, do điểm trường cũ bị cuốn trôi, nên các em được đưa về điểm trường chính cách thôn cả chục km để học tập. Lần đầu tiên xa nhà, nên các em còn lạ lẫm và nhớ bố mẹ. Em Chảo Lở Mẩy, học sinh lớp 3, nhà ở thôn Sùng Hoảng ngân ngấn nước mắt kể rằng nhà mình bị lũ cuốn trôi mất, cả 3 con trâu cũng không tìm thấy, bố mẹ em phải ở nhờ nhà bác, còn em được các thầy, cô giáo đón xuống trường học bán trú cùng các bạn. Hai anh em Chảo Láo Tả (lớp 4) và Chảo Láo Lở (lớp 2) nhà cũng bị lũ cuốn, được bố mẹ đưa về trường chính học tập. Mỗi khi em khóc, Láo Tả lại dỗ cho em nín, đưa đi chơi cùng các bạn để em vui… Các cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Phương Thúy, Nguyễn Thị Lương trực bán trú 24/24h tại trường, tận tình quan tâm đến học sinh, chuẩn bị sẵn chăn ấm, đệm êm cho các em có giấc ngủ ngon, chăm lo từng bữa ăn để các em ấm bụng, rồi tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn giúp các em đỡ nhớ nhà, yên tâm bước vào năm học mới…

Rời Trường Tiểu học, chúng tôi đến thăm Trường Phổ thông DTBT THCS Phìn Ngan. Từ sân trường nhìn xuống là suối Phìn Ngan, tuy lũ đã rút, nhưng dòng nước đỏ ngầu vẫn cuồn cuộn đổ từ thượng nguồn về, tiếng nước vẫn gầm gào như chưa hết cơn giận dữ. Cây cầu treo bắc qua suối đi vào thôn Sùng Hoảng bị lũ cuốn trôi chỉ còn trơ lại hai cột trụ… Khác với trường tiểu học, học sinh các trường THCS và THPT đã bắt đầu buổi học đầu tiên của năm học mới từ ngày 22/8. Mặc cho tiếng suối chảy ầm ầm vọng lại, trong các lớp học, các em học sinh vẫn chăm chú nghe thầy, cô giáo giảng bài và miệt mài, háo hức với từng trang sách mới. Thầy giáo Ngô Văn Hướng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học mới này, trường có 8 lớp với 220 học sinh, trong đó 159 học sinh bán trú. Trong đêm mưa lũ 4/8, có 4 bộ máy vi tính của trường bị hỏng do sự cố về điện gây ra. Điều đáng quan tâm là có 97 học sinh ở các thôn, bản bị ảnh hưởng của lũ quét, nhà cửa hư hỏng, trong đó 12 học sinh nhà ở, tài sản, hoa màu bị lũ cuốn mất trắng, hoàn cảnh rất khó khăn. Mới đây, các thầy, cô giáo trong trường đã quyên góp ủng hộ nhân dân các thôn, bản bị lũ với số tiền 4,2 triệu đồng. Với phương châm không để học sinh phải nghỉ học, bất kể nắng mưa, tất cả các thầy, cô giáo đều “ra quân” vào các thôn phối hợp với trưởng thôn, vận động học sinh ra lớp. Đối với một số học sinh nhà ở gần trường, không trong diện bán trú, nhưng nhà cửa bị lũ cuốn trôi, nhà trường cũng đưa các em vào ở bán trú để yên tâm học tập. Hiện nay, có 3 hộ dân bị trôi mất nhà cũng đang được trường sắp xếp cho ở nhờ phòng học sinh bán trú, trong khi chờ đợi chính quyền các cấp xây dựng khu tái định cư để ổn định cuộc sống và sinh hoạt.

Ở nơi lũ quét vừa mới đi qua, chúng tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tình cảm ấm áp của thầy, cô giáo dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số bị thiên tai. Và tiếng cười nói vô tư, ánh mắt hồn nhiên của các em nhỏ vượt qua mưa lũ, tung tăng cất bước tới trường đã xua tan đi bao nỗi âu lo. Ông Chảo Dùn Vạn, thôn Sùng Bang, bị lũ cuốn mất nhà, đang ở nhờ tại Trường PTDTBT THCS Phìn Ngan tâm sự: Tôi rất cảm ơn các thầy, cô giáo đã tạo điều kiện cho gia đình tôi có chỗ ở trong những ngày này. Cháu tôi là Chảo Láo Tả cũng đang được ở bán trú tại trường, được các thầy, cô giáo quan tâm, chăm lo. Tôi sẽ động viên cháu cố gắng học tập thật tốt, không phụ sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo. Còn em Tẩn Thu Hiền, lớp 6A, nhà ở thôn Trung Chải chia sẻ: Nhà em bị nước lũ tràn vào, thóc, ngô bị ướt nhiều, đàn lợn, đàn gà cũng bị lũ cuốn trôi mất. Bố mẹ em rất lo lắng vì năm học mới đến, không có tiền mua sách vở, quần áo cho em đi học. Bây giờ, em được ở bán trú tại trường, được các thầy, cô giáo giúp đỡ, nên bố mẹ em cũng yên tâm hơn, em sẽ cố gắng học tập thật chăm chỉ trong năm học mới.

Trò chuyện với tôi về công tác chuẩn bị cho năm học mới của địa phương, ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Trong những ngày qua, nhiều tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm từ khắp nơi đã quyên góp, ủng hộ nhân dân Phìn Ngan bằng tiền, quần áo, sách vở, lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt… tiếp sức cho bà con và học sinh nghèo từng bước vượt qua khó khăn, yên tâm bước vào năm học mới. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân các thôn, bản cho con em đến trường đảm bảo sĩ số và tỷ lệ chuyên cần ngay từ đầu năm học. Cầu treo Sùng Hoảng cũng đang được khẩn trương sửa chữa để học sinh đi học an toàn hơn. Phìn Ngan còn bộn bề khó khăn, nhưng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tất cả trẻ em đều được tới trường, để tiếng trống khai trường sẽ vẫn rộn rã vang lên.

 

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh 65 năm xây dựng và phát triển

Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh trong sự phát triển chung của tỉnh

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh (10/5/1959 - 10/5/2024), Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy về những kết quả đạt được trong thời gian qua và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ Khối trong tình hình mới.

Tinh thần khởi nghiệp của chàng trai "9x" dân tộc Nùng

Không nản chí, không sợ thất bại, luôn cần cù, chịu khó học hỏi là những đức tính để anh Lương Văn Xuân, sinh năm 1990, dân tộc Nùng ở thôn Trang Nùng, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) phát triển kinh tế, thành công với mô hình gia công cơ khí và ươm giống cây nông nghiệp.