Ðón “hạt vàng” mùa vui

Ngày mùa, trên những cánh đồng của huyện Mường Khương, lúa chín óng vàng như màu nắng, mùi thóc mới quện mùi rơm khô giữa tiết trời se se lạnh tạo nên hương vị đặc trưng của mùa thu vùng cao. Năm nay, người dân Mường Khương sẽ có thêm một mùa vàng no ấm nhờ cây lúa Séng cù - đặc sản gắn liền với địa danh này. Người dân gọi thóc Séng cù là “hạt vàng” không chỉ bởi màu vàng ruộm trong mùa thu hoạch, mà còn vì giá trị kinh tế từ giống lúa này mang lại cho nông dân vùng “đất thép”.
Nông dân Mường Khương thu hoạch lúa Séng cù.

Theo nhiều tài liệu, giống lúa Séng cù được người dân Mường Khương sưu tầm và trồng từ những năm 1990. Người tiêu dùng sử dụng gạo Séng cù của Mường Khương đều đánh giá là chất lượng gạo ở đây hơn hẳn sản phẩm Séng cù được trồng ở nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Cũng bởi lý do đó, sản lượng lúa Séng cù Mường Khương dù đã tăng dần qua các năm (hiện nay người dân gieo trồng hơn 500 ha mỗi vụ) nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngay từ đầu vụ thu hoạch lúa, tư thương khắp nơi đã kéo đến Mường Khương đặt mua thóc Séng cù với giá cao gấp 2 lần thóc thường.

Lau những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán, anh Lù Trung Thắng ở tổ dân phố Mã Tuyển 1, thị trấn Mường Khương tâm sự rằng: “Từ khi biết theo cha ra đồng, tôi đã thấy người dân cấy giống lúa này. Cây lúa Séng cù cho gạo ngon, nên bán được giá cao. Nhưng đó chỉ là một phần thôi, với chúng tôi bây giờ, trồng lúa Séng cù không chỉ vì thu nhập, mà còn để giữ thương hiệu, giữ niềm tự hào của người dân Mường Khương”. Cũng như anh Thắng, người dân thị trấn Mường Khương đều có những câu chuyện về giống lúa quý này, có thể nội dung khác nhau nhưng chung một điểm là đều thể hiện sự tự hào và trân quý giống lúa đặc sản. Những phụ nữ cao tuổi tôi từng gặp đã kể nhiều câu chuyện dài về hành trình của cây lúa Séng cù trên “đất thép”. Thời gian đầu, lúa Séng cù được trồng cấy ở Mường Khương, khi trao đổi lấy thóc thường, người dân vẫn định giá kiểu nôm na là “một bao thóc Séng cù đổi lấy 2 bao thóc thường”. Điều đặc biệt tạo nên “thương hiệu” lúa Séng cù là chỉ khi được trồng trên đất Mường Khương thì hạt gạo mới trong, bóng, giữ nguyên được độ dẻo, thơm khi nấu thành cơm. Có thể đó là cách hạt giống “trả ơn” những nông dân vì đã có công mang giống lúa quý từ một nơi xa xôi về trồng cấy, gìn giữ, phát triển ở miền đất này.

Giờ đây, sản phẩm gạo Séng cù Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Những năm qua, huyện Mường Khương rất quan tâm đến việc phát triển vùng lúa Séng cù tập trung gắn với bảo quản, chế biến và nâng cao chất lượng, cũng như tiêu thụ sản phẩm. Tuy vậy, sản xuất lúa Séng cù tại địa phương vẫn còn những tồn tại nhất định như diện tích sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, việc chọn lọc, tạo giống chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất…

Ngơi tay đập những bó lúa theo hình thức thủ công, chị Trần Thị Ngọc ở tổ dân phố Tùng Lâu 2 băn khoăn: “Mỗi gia đình chỉ trồng một ít lúa để ăn thôi, trong thôn chưa mấy ai dám đầu tư để làm hàng hóa vì giống lúa Séng cù sau 2 hoặc 3 vụ là năng suất và chất lượng gạo giảm nhanh. Trồng giống lúa này từ lâu, bà con vẫn phải dựa vào nguồn giống mua từ bên kia biên giới, dù không muốn nhưng còn cách nào khác đâu”. Thực tế thì ngành nông nghiệp Lào Cai đã chủ động sản xuất giống lúa Séng cù nhưng chưa thực sự phù hợp với đồng đất Mường Khương. Thực hiện Đề án “Đầu tư nâng cao chất lượng vùng lúa đặc sản Séng cù” trên địa bàn 6 xã vùng cao của Mường Khương, những năm tới, doanh nghiệp sẽ chủ động sản xuất giống theo hình thức nhập giống lúa thuần nguyên chủng để sản xuất lúa giống với diện tích 5 ha mỗi năm, sản lượng khoảng 20 tấn thóc giống. Đây là hướng đi trước mắt để giữ chất lượng hạt gạo Séng cù thơm ngon.

Cũng bắt đầu từ năm nay, giống lúa Séng cù được nông dân Mường Khương canh tác theo mô hình “cánh đồng một giống”. Những ngày này, trên các tràn ruộng bậc thang, lúa đã chín vàng trĩu bông tạo thành những đợt sóng dập dìu theo niềm hân hoan của mỗi nông dân khi thăm ruộng đồng. Nhặt những hạt thóc Séng cù có phần đuôi nhọn, chị Nông Thị Đại ở thôn Na Cạp, xã Lùng Khấu Nhin cười giòn tan: “Lúa năm nay lại được mùa, cả tràn ruộng này đều cấy lúa Séng cù. Thóc giá cao, mong rằng một vài năm nữa, cây lúa này sẽ nhân rộng trên các cánh đồng của huyện để hộ nghèo bớt nghèo, hộ khá giàu lên”.

Mùa này, nông dân Mường Khương thêm an tâm về hạt thóc Séng cù khi các hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp đang chờ đón từng bao thóc. Từ thương hiệu sẵn có và việc mở rộng quy mô sản xuất, cây lúa Séng cù tiếp tục mở rộng hơn cánh cửa cho nông dân miền “đất thép’, cánh cửa đón những “hạt vàng”.

Theo Thúy Phương/LCĐT

Tin Liên Quan

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh 65 năm xây dựng và phát triển

Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh trong sự phát triển chung của tỉnh

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh (10/5/1959 - 10/5/2024), Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy về những kết quả đạt được trong thời gian qua và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ Khối trong tình hình mới.

Tinh thần khởi nghiệp của chàng trai "9x" dân tộc Nùng

Không nản chí, không sợ thất bại, luôn cần cù, chịu khó học hỏi là những đức tính để anh Lương Văn Xuân, sinh năm 1990, dân tộc Nùng ở thôn Trang Nùng, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) phát triển kinh tế, thành công với mô hình gia công cơ khí và ươm giống cây nông nghiệp.