Tổng kết 5 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc

Sáng 21/9, tại thành phố Lào Cai, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc, giai đoạn 2011-2015.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Hầu A Lềnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam; và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Bắc (gồm 12 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và 21 huyện phía Tây của 2 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An).  

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc nêu rõ: Trong những năm qua, các tỉnh vùng Tây Bắc đã có những bước phát triển và thay đổi tích cực. Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển vùng Tây Bắc của Đảng và Chính phủ để tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn.

Thông qua 2.528 điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã, NHCSXH đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án nhận ủy thác cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách. Đến 31/8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 32.194 tỷ đồng, hiện có trên 1,2 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 của vùng Tây Bắc là 12,6%, cao hơn bình quân chung toàn quốc là 2,8%; tỷ lệ nợ quá hạn của vùng chỉ chiếm 0,25% trên tổng dư nợ, thấp hơn bình quân chung của toàn hệ thống.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc báo cáo kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2011-2015.

Vốn tín dụng chính sách thực hiện tại vùng trong giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần giúp trên 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114 nghìn lao động, trong đó gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 121 nghìn học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 681 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 61 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại vùng Tây Bắc; góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 tại vùng Tây Bắc giảm từ 34,58% (cuối năm 2010) xuống còn 14,97% (năm 2015), trong đó, 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 57,52% (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2015). Thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Tại tỉnh Lào Cai, qua 5 năm (2011-2015) thực hiện tín dụng chính sách, với phương thức uỷ thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và mạng lưới tổ tiết kiệm & vay vốn tại các thôn, bản  đến nay đã và đang triển khai thực hiện 13 chương trình, dự án tín dụng chính sách ưu đãi. Trong giai đoạn 2011-2015, dư nợ của NHCSXH tỉnh Lào Cai không ngừng tăng trưởng. Chất lượng tín dụng được nâng lên, nợ quá hạn giảm từ 0,27% (năm 2010) xuống còn 0,12% (năm 2015). Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cùng với các nguồn lực tài chính khác đã giúp tỉnh Lào Cai phát triển mạnh về kinh tế, xã hội; góp phần giúp 21 xã được công nhận hoàn thành nông thôn mới, 42.116 lượt hộ thoát nghèo.

Đồng chí Nguyễn  Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn  Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khẳng định: Gắn liền với những thành tựu của tỉnh trong thời gian qua có sự đóng góp tích cực của tín dụng chính sách, đặc biệt là tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Thông qua tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; ổn định an ninh chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố niềm tin vào Đảng và Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo.

Tại hội nghị đã có các tham luận bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện Nghị quyết 30a vùng Tây Bắc; triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW; vai trò của Ban đại diện HĐQT trong việc thực hiện tín dụng chính sách tại địa phương; thực hiện ủy thác và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện ủy thác; vai trò của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn; kinh nghiệm sử dụng đồng vốn hiệu quả của các hộ vay vốn…

Đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị về kinh nghiệm trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội ở địa phương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đánh giá cao những kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 5 năm (giai đoạn 2011-2015) của Ngân hàng CSXH tại các tỉnh trong vùng Tây Bắc. Đồng chí nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, khi vùng Tây Bắc vẫn còn là “lõi nghèo” của cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước, trong đó có nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 40-50%, đồng thời phương pháp tiếp cận đo lường từ nghèo đơn chiều đã thay đổi sang nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, những điều này đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách cho vùng Tây Bắc trong thời gian tới. Trong đó, giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm theo mục tiêu chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân khoảng 10%/năm). Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách cho NHCSXH theo quy định tại các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo các bộ, ngành khi tham mưu Chính phủ ban hành chính sách có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội cần bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo cho vùng Tây Bắc theo hướng phát huy tính chủ động của người nghèo và cộng đồng, giảm cho không. Các địa phương cần thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra… Đặc biệt, có chính sách quy hoạch phát triển vùng kinh tế nhằm giúp cho hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH phát huy hiệu quả hơn. Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp chặt chẽ cùng NHCSXH tiếp tục triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Tây Bắc, đặc biệt là 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao; dành sự quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Cũng trong dịp này, tại hội nghị đã có nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác tín dụng chính sách tại vùng Tây Bắc./.

Theo Thanh Cường - Tất Đạt/LCĐT

Tin Liên Quan

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh 65 năm xây dựng và phát triển

Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh trong sự phát triển chung của tỉnh

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh (10/5/1959 - 10/5/2024), Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy về những kết quả đạt được trong thời gian qua và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ Khối trong tình hình mới.

Tinh thần khởi nghiệp của chàng trai "9x" dân tộc Nùng

Không nản chí, không sợ thất bại, luôn cần cù, chịu khó học hỏi là những đức tính để anh Lương Văn Xuân, sinh năm 1990, dân tộc Nùng ở thôn Trang Nùng, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) phát triển kinh tế, thành công với mô hình gia công cơ khí và ươm giống cây nông nghiệp.