Du lịch Lào Cai sau 25 năm tái lập tỉnh

Nằm ở vị trí trung tâm trong vòng cung Tây Bắc, Lào Cai hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cả về tài nguyên du lịch nhân văn và tài nguyên du lịch tự nhiên để thúc đẩy du lịch phát triển. Lào Cai đã và đang là một điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước với những bước phát triển mang tính đột phá, đặc biệt là giai đoạn từ sau khi tái lập tỉnh (tháng 10 năm 1991).
Thời kỳ trước những năm 1990, ở Lào Cai đã manh nha hình thành một số khu du lịch nghỉ mát như Sa Pa, Bắc Hà. Tuy nhiên, du lịch Lào Cai khi đó mới cơ bản mang tính tự phát, cơ sở vật chất chuyên ngành du lịch hầu như chưa có, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh về du lịch lúc này chưa hình thành ngoài hệ thống các nhà nghỉ mát của một số ngành. Từ tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, ngành du lịch được thành lập, “bộ mặt” du lịch Lào Cai bắt đầu có những thay đổi, đặc biệt từ giai đoạn 2001 đến nay.

Dự kiến đến hết năm 2016, Lào Cai sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách
(tăng 312 lần so với năm 1992), trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 30%

Các trung tâm du lịch của tỉnh đã dần hình thành như thành phố Lào Cai, khu du lịch Sa Pa, khu du lịch Bắc Hà. Lượng khách du lịch đến Lào Cai đã tăng lên nhanh chóng qua từng năm, bình quân luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Nếu như năm 1992 Lào Cai mới chỉ đón được 8.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1,3 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã đón được trên 890.000 lượt khách và đạt doanh thu trên 825 tỷ đồng. Và đến năm 2013 lần đầu tiên vượt con số một triệu lượt khách (đón trên 1,2 triệu lượt khách, doanh thu trên 2.500 tỷ đồng). Dự kiến đến hết năm 2016, Lào Cai sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách (tăng 312 lần so với năm 1992), trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 30%.

Cùng với sự tăng trưởng vượt bậc về lượng khách và doanh thu xã hội, cơ sở vật chất chuyên ngành du lịch cũng không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 662 cơ sở lưu trú với trên 8.680 buồng phòng, trong đó đã có nhiều cơ sở lưu trú chất lượng cao (1 khách sạn 5 sao, 4 khách sạn 4 sao, 9 khách sạn 3 sao), cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần nâng cao năng lực đón khách du lịch lưu trú của địa phương.

Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch cũng đã đạt được nhiều kết quả, ngày càng có nhiều dự án lớn đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp như Khu vui chơi giải trí dịch vụ cáp treo Fansipan của tập đoàn Sungroup, Khách sạn quốc tế Aristo, Quần thể du lịch khách sạn Victoria,...Cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư, nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến với các điểm du lịch trong tỉnh, nhất là từ sau khi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào hoạt động, nhiều tuyến đường du lịch nội tỉnh ở Sa Pa, Bắc Hà đã được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch của trung ương.

Số lượng doanh nghiệp lữ hành hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện cũng khá đông  với 38 doanh nghiệp, trong đó có 25 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế và 13 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Có trên 220 hướng dẫn viên được cấp thẻ hành nghề. Đến hết năm 2015, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch đạt 8.500 người, trong đó có 5.100 lao động trực tiếp.

Nhà ga cáp treo Fansipan

Các sản phẩm du lịch được phát triển theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, một số loại hình du lịch đã được đưa vào khai thác và phát triển tốt như du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao…Mô hình du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong việc thu hút du khách, đem lại thu nhập cho người dân và góp phần xóa đói giảm nghèo. Hướng tới Năm du lịch quốc gia 2017 được tổ chức tại Lào Cai, nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng đã và đang được hình thành hoặc nâng cấp để đưa vào khai thác phục vụ du khách như du lịch chợ phiên, du lịch chinh phục đỉnh cao, du lịch theo mùa hoa,…

Lào Cai cũng chủ động trong việc thúc đẩy liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận trong khu vực Tây Bắc, với tỉnh Vân Nam Trung Quốc, các địa phương, tổ chức trong và ngoài nước khác để mở rộng phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Tỉnh cũng đã thành lập được các hiệp hội về du lịch như Hiệp hội doanh nghiệp du lịch khách Trung Quốc, Hiệp hội du lịch tỉnh, Hiệp hội du lịch Sa Pa; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Các chính sách, quy hoạch chuyên ngành đã và đang được đầu tư xây dựng tạo cơ sở, hành lang pháp thuận lợi cho du lịch phát triển. Đến nay đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh; quy hoạch Sa Pa thành khu du lịch quốc gia, thành phố Lào Cai thành Điểm du lịch quốc gia; các địa bàn có du lịch phát triển như Bát Xát, Bắc Hà cũng đang tiến hành xây dựng quy hoạch du lịch của địa phương.

Những thành quả, sự phát triển đột phá của du lịch Lào Cai sau 25 tái lập tỉnh đã đưa Lào Cai trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Bắc và cả nước. Tuy nhiên, trước sự gia tăng nhanh về lượng khách đến, trước những yêu cầu nâng cao về chất lượng du lịch, sức ép về tác động của du lịch đến môi trường tự nhiên, nhân văn, du lịch Lào Cai vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

Được xác định là khâu phát triển đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2020, Lào Cai đang hướng tới mục tiêu trở thành vùng trọng điểm du lịch của Tây Bắc, một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam. Để du lịch Lào Cai thực sự “cất cánh”, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần có phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế và toàn xã hội trong phát triển du lịch./.
Tố Loan

Tin Liên Quan

Hầu Thào – Nơi Sa Pa còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ nhất

Có một nơi được gọi là “nơi Sa Pa còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nhất”. Nơi những thửa ruộng bậc thang như kiệt tác ẩn hiện giữa mây trời, nơi những bản làng người Mông mộc mạc, chân tình, nơi bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông có “sức hút” rất lớn với du khách trong nước, quốc tế. Và...

Giàng A Cấu – chàng trai người Mông làm du lịch cộng đồng

Giàng A Cấu là người dân tộc Mông xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Để có tiền phụ giúp gia đình, A Cấu rong ruổi theo mẹ đi bán hàng thổ cẩm trên thị trấn. Bằng sự nhạy bén trong tư duy, anh thấy khách “Tây” rất thích theo người Mông đi về bản để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc...

Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp

Thời gian gần đây, tổ hợp lưu trú, ẩm thực kết hợp với trải nghiệm vườn mang tên O’Châu homestay tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa thu hút đông du khách. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên đón học sinh của các trường học, các gia đình có con nhỏ tới tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.