Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tận dụng nhiều cơ hội mới ở Việt Nam

Chiều 18/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đoàn doanh nghiệp của Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), do ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong-Nhật Bản, thuộc JCCI dẫn đầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban
Hợp tác kinh tế Mekong-Nhật Bản, thuộc JCCI. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hoan nghênh đoàn doanh nghiệp (DN) Nhật Bản sang thăm, tìm hiểu thị trường, cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng phát triển hết sức tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập cơ chế Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Hai nước chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung.

Thủ tướng đánh giá cao hợp tác của JCCI với Bộ KH&ĐT và các địa phương của Việt Nam thời gian qua, thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước. Hiện Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (năm 2015 cao kỷ lục với 2,5 tỷ USD) và đứng thứ hai về đầu tư vào Việt Nam với hơn 3.000 dự án và tổng vốn 42 tỷ USD.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị JCCI phối hợp tốt hơn với các cơ quan chức năng của Việt Nam; triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy các ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược Công nghiệp hóa Việt Nam-Nhật Bản; thực hiện tốt sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 6 và các giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng cũng đề nghị JCCI tiếp tục hợp tác để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược Công nghiệp hóa như điện, điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Cùng với đó là vận động Chính phủ Nhật Bản ưu tiên Việt Nam trong chính sách mở rộng tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam cả về số lượng và ngành nghề. 

“Ngài có thể thông tin đến các DN Nhật Bản rằng chúng ta cần tận dụng các cơ hội mới đem lại từ mối quan hệ chính trị tốt đẹp, chính sách thương mại tốt, cũng như các hiệp định thương mại mới mà Việt Nam tham gia”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh, những vấn  đề liên quan đến thuế, hải quan, bán lẻ, phân phối, nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng mà phía DN Nhật Bản đề nghị, Chính phủ Việt Nam sẽ giao các cơ quan chức năng giải quyết, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước thời gian tới.

“Tôi sẽ chuyển ý kiến của ngài tới 1,25 triệu thành viên của chúng tôi (JCCI)”, ông Yoichi Kobayashi khẳng định, đồng thời cho biết, đoàn DN Nhật Bản sang Việt Nam lần này hoạt động trong nhiều lĩnh vực thương mại, dịch vụ, hàng không và mong muốn tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ông Yoichi Kobayashicho biết, Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong-Nhật Bản thuộc JCCI đã nhiều lần phối hợp với Bộ KH&ĐT trao đổi ý kiến về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, cũng như thúc đẩy các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Tại cuộc gặp với Bộ KH&ĐT chuyến thăm lần này, Ủy ban đã đưa ra các đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, cũng như đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam tháo gỡ những khó khăn mà DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam gặp phải.

Các DN Nhật Bản rất vui mừng khi các đề xuất, khó khăn đã được lãnh đạo Bộ KH&ĐT Việt Nam giải đáp, tháo gỡ.

Con số hơn 1.600 DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, theo ông Yoichi Kobayashi, cho thấy ngày càng nhiều DN Nhật Bản coi trọng đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh những yếu tố hấp dẫn như kinh tế tăng trưởng cao, chính trị ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao… thì người dân Việt Nam có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản. Chính vì thế, làn sóng đầu tư của DN Nhật Bản sang Việt Nam không chỉ là DN lớn, mà lan sang các DN nhỏ và vừa. Các DN Nhật Bản cảm thấy tự tin khi đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam trên cơ sở quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước.

“Chúng tôi hy vọng thời gian tới ngày càng nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam”, ông Yoichi Kobayashi chia sẻ và mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Nhật Bản./.

Theo Đức Tuấn/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Hiệp ước Xanh: Hành trình nhiều gian nan

Việc thực hiện Hiệp ước Xanh ở châu Âu đang đối mặt nhiều khó khăn do lo ngại về tác động kinh tế và sự phản đối từ một số ngành. Tuy nhiên giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khẳng định Hiệp ước Xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu của khối và liên minh sẽ “linh hoạt trong cách thức thực hiện” hiệp...

Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ đoàn kết trong Đảng đến đồng thuận xã hội

“Tôi chỉ có một đảng, Đảng Việt Nam” - Đó là lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I (ngày 31/10/1946). Đó là sự khẳng định của Người sáng lập ra Đảng, xây dựng thiết chế Nhà nước và mở đường kiến thiết...

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV

Sáng nay (20/5) Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.