Một ngày "sống chậm" ở miền cổ tích

Có lẽ, cuộc sống hiện đại ồn ào, náo nhiệt đã lấy đi của chúng ta quá nhiều thời gian do công việc hay những bận rộn, lo toan cho gia đình. Bởi vậy, trong chúng ta, ai cũng cần có khoảng thời gian dành cho riêng mình, để thỏa sức hòa mình với thiên nhiên, với những lượm lặt thú vị từ cuộc sống. Một ngày “sống chậm” ở cao nguyên Bắc Hà đã cho tôi những điều dung dị ấy, mà không phải lúc nào cũng dễ kiếm tìm...
Thung lũng hoa - điểm mới hấp dẫn du khách tham quan khi đến Bắc Hà.

Khởi động cho hành trình của mình, tôi tìm đến nếp nhà sàn làm bằng gỗ - một địa chỉ homestay ở xã Bản Phố. Chị chủ nhà người Mông dường như có kinh nghiệm đón khách du lịch nên nhanh nhẹn dẫn tôi lên sàn gác và giới thiệu về nơi ở. Sau đó, chị nhanh tay dọn đồ, sửa sang lại chăn đệm cho khách. Cũng chính nhờ làm du lịch mà nhà chị ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ và biết tạo không gian đẹp cho cơ sở lưu trú. Sau khi sắp xếp xong hành lý, theo lịch trình, tôi ra chợ đêm Bắc Hà. Dưới ánh điện lung linh và sắc màu thổ cẩm, tiếng gậy múa sinh tiền, nhịp khèn của người Mông, rồi cả những điệu xòe của đồng bào Tày, điệu hát của người Phù Lá... cứ thế lôi cuốn tôi say sưa chìm đắm trong không gian văn hóa của người dân ở miền cổ tích “trăm bó gianh” (Bắc Hà theo tiếng địa phương gọi là Pạc Kha, nghĩa là trăm bó gianh).

Sáng hôm sau, tiếng nói chuyện xì xầm, tiếng vó ngựa gõ xuống nền đường lọc cọc theo bước chân hối hả của người dân vùng cao tới chợ phiên đã kéo tôi rời khỏi căn phòng ấm áp để khám phá ngày mới trên xứ sở này.

Đón chào buổi sáng đẹp trời bằng bát phở chua trộn xá xíu, đậu xị “trứ danh” của đất Bắc Hà, khi đã ấm bụng rồi, tôi cứ men theo “nhịp váy đung đưa”, phiêu du trong tiết thu dịu mát trên những con đường bê tông uốn lượn vào thôn. Dừng chân bên nếp nhà sàn mới, tôi vào thăm nhà chị Lâm Thị Loan, một gia đình người Tày có dịch vụ homestay ở thôn Na Hô, xã Tà Chải. Xởi lởi mời khách vào nhà, chị Loan pha ấm trà mới. Trong ngôi nhà sàn gỗ làm theo truyền thống của người Tày, chị chỉ ra phía sân đang phơi thóc để làm “khẩu nang” (một món ăn đặc sản của người Tày Bắc Hà) và bảo: “Khách du lịch rất thích món xôi cốm già này, nên gia đình tôi làm để phục vụ nhu cầu của khách. Có khi khách nấu ăn luôn ở đây, cũng có khi mua về làm quà”.

Chẳng là hôm nay nhà chị Loan có đoàn khách nước ngoài đến nghỉ, vì thế, chị đang chuẩn bị mẻ cốm mới để phục vụ khách... Chị Loan cho biết thêm: “Nghỉ theo hình thức homestay chủ yếu là du khách nước ngoài vì họ rất thích khám phá cuộc sống thường nhật của đồng bào Tày. Gia đình làm sẵn mẻ cốm để giã cho du khách trải nghiệm, tìm hiểu một nghề truyền thống của người Tày...”. Chưa kịp dứt lời, bỗng có tiếng “thình thịch, thình thịch” từ xa vọng lại, chị Loan bảo: “Tiếng giã cốm đấy! Chắc nhà ai trong thôn đang giã cốm để bán cho khách. Giờ là cuối vụ làm cốm rồi, nhà nào cũng tranh thủ giã vài mẻ nữa để bán hoặc để ăn, nếu không thì phải đợi tới vụ sau mới được ăn cốm”. Tiếng giã cốm cứ đều đều vang lên giữa những thanh âm của ngày mới, tạo nên nhịp sống thanh bình trong mỗi nếp nhà sàn “homestay” ở Na Hô.

Được biết, không chỉ gia đình chị Loan mà rất nhiều hộ dân đang làm dịch vụ homestay trên địa bàn huyện Bắc Hà chú ý đến việc chuẩn bị chu đáo dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng và có những hoạt động giúp du khách trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân địa phương.

Trong hành trình khám phá Bắc Hà của tôi, không thể bỏ qua một lần được xem người Mông chưng cất thứ rượu ngô đặc sản. Anh Lý Seo Thồng, một người Mông gốc ở Bản Phố luôn đau đáu với nghề truyền thống của gia đình, nên cứ hết giờ làm ở cơ quan, anh lại về nhà cùng vợ nấu rượu. Rượu của nhà anh Thồng giữ nguyên công thức nấu của cha ông, đó là sử dụng men lá hồng mi tự làm lấy, rượu ngô ủ lâu ngày. Mặc dù cách làm này được ít rượu, lãi không nhiều nhưng anh Thồng vẫn làm, chủ yếu để giữ nghề, giữ hương vị và thương hiệu rượu Bắc Hà. Và có lẽ việc khai trương cửa hàng “Rượu hồng mi” ở chợ Văn hóa Bắc Hà là một hướng đi mà anh tâm đắc và dồn hết nhiệt huyết bao năm nay để thực hiện... Đây sẽ là động lực để anh Thồng tiếp tục chắp cánh cho hương rượu ngô men hồng mi bay xa. Dẫn tôi đi thăm khu nấu rượu phục vụ cho khách tham quan, anh Lý Seo Thồng tâm sự: “Cứ đến chợ phiên Bắc Hà, gia đình tôi lại tổ chức nấu rượu tại nhà theo đúng phương thức truyền thống của đồng bào Mông để du khách tham quan. Cùng với mô hình du lịch làng nghề, gia đình tôi còn đầu tư trồng thêm cánh đồng hoa tam giác mạch và trồng cây hồng mi để thu hút du khách. Đây cũng là cách để níu chân du khách ở lại Bắc Hà lâu hơn...”.

Từ Bản Phố, tôi tiếp tục đến xã Na Hối, nơi được ví là “thủ phủ” của mận Tam hoa nổi tiếng, bởi theo thống kê, đây là xã có diện tích mận lớn nhất huyện. Người Tày ở Na Hối dường như cũng đã biết biến lợi thế thành giá trị kinh tế, nên trong những năm gần đây, ngoài việc trồng mận Tam hoa, các hộ dân còn trồng đào Pháp để tạo thêm sản phẩm hàng hóa cho du khách vừa đến tham quan, vừa thưởng thức và mua về làm quà... Ông Chu Đình Sa, đại diện nhóm hộ homestay ở xã Na Hối và là người được nhận Giải thưởng “Homestay Asean” cho biết: Với những nếp nhà sàn truyền thống cùng giá trị văn hóa phi vật thể, người Tày ở Na Hối đã và đang góp phần hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Bắc Hà. Ngoài những lễ hội truyền thống như xuống đồng, lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới... những năm gần đây, Na Hối còn được nhiều khách du lịch biết đến bởi đã sinh ra rất nhiều kỵ sỹ chân đất, liên tiếp giành “ngôi vương” trong Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà hằng năm.

Rời Na Hối, tôi đến thung lũng hoa ở Thải Giàng Phố trong sự tấp nập, đông vui của khách du lịch khắp nơi đến thưởng hoa, ngắm cảnh. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp làm du lịch đang trở thành một nét mới đầy hấp dẫn trong bản đồ sản phẩm du lịch của huyện Bắc Hà. Mỗi ngày, điểm đến này có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt khách tới tham quan, khám phá, mang theo sự háo hức được hòa mình trong sắc màu rực rỡ của các loài hoa.

Và có lẽ, điểm dừng chân khiến tôi chờ đợi là chợ Bắc Hà - 1 trong 10 chợ phiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Chen vai giữa sắc màu thổ cẩm, tôi tới những gian hàng nông sản của vùng cao. Này đây, những bó đỗ cô ve trồng trên núi vàng óng ả, những quả dưa chuột to trồng trên nương ngô xếp lăn lóc, những bó cải nương xanh mướt, những gùi ớt sừng chín đỏ rực được bày bán tại chợ... Không chỉ riêng tôi mà nhiều người thích đi chợ Bắc Hà cũng bởi những sản phẩm rất đời thường, bình dị như thế. Thật uổng nếu đến Bắc Hà mà không ngồi ở chợ phiên thưởng thức món thắng cố, nếm rượu ngô Bản Phố, ăn bát canh đậu với mèn mén... để cảm nhận rõ hơn về cuộc sống giản dị thường nhật, nét văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng cao nơi này.

Rời Bắc Hà sau một ngày tận hưởng dù chưa đầy đủ những không gian văn hóa và cảnh quan tươi đẹp, nhưng cũng giúp tôi có những cảm xúc tuyệt vời về miền đất cao nguyên, về cuộc sống bình dị nơi này. Quan trọng là tôi đã có cảm giác được “sống chậm”, được thư thái, trải lòng và đón nhận, nuôi dưỡng những cảm hứng, niềm đam mê để làm việc hăng say hơn, sáng tạo hơn./.

Theo Thanh Cường/LCĐT

Tin Liên Quan

Họp Ban Chỉ đạo Dự án GREAT 2 Lào Cai

Sáng 8/5, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại Lào Cai (Dự án GREAT 2 Lào Cai).

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam

Chiều 7/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam do Tiến sỹ Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Lào Cai.

Quân và dân Lào Cai góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Âm vang và giá trị trường tồn

Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, cơm dầm mưa vắt, máu trộn bùn non” (từ ngày 13/3 đến 7/5/1954), quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm của Pháp vốn được coi là “pháo đài bất khả xâm...

Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh

Đó là chỉ đạo của đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị giao ban 3 lực lượng quân sự - công an - biên phòng diễn ra vào chiều 6/5.

Học sinh Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Vàng tại Cuộc thi triển lãm phát minh quốc tế

Hai dự án của Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Vàng tại cuộc thi là: “Bàn tay robot hỗ trợ người khuyết tật chi trên” và “Thiết bị thông minh hỗ trợ người mù”.