Những vùng sản xuất cho “trái thoát nghèo”

Chúng tôi đến xã Bản Lầu (Mường Khương) - thủ phủ của chuối, dứa để gặp anh Vàng Seo Dìn ở thôn Na Lốc - một trong những hộ trồng nhiều dứa, chuối của xã. Dù đã hẹn từ trước, vậy mà khi đến nơi, chúng tôi phải ngồi chờ gần 1 giờ đồng hồ vì anh còn bận lên nương kiểm tra vùng chuối sau mấy ngày mưa liên tục. Trong căn nhà 2 tầng khang trang, anh Dìn kể cho tôi nghe về cơ duyên đưa anh đến với danh hiệu “tỷ phú nông dân” cũng đơn giản như chính sự chất phác của anh. “Hơn chục năm về trước, gia đình tôi nằm trong diện “ăn bữa nay lần bữa mai”, kinh tế phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn, nên khó cứ hoàn khó. Vào những năm mất mùa, để có cái ăn cho các con, tôi phải vất vả đi làm thuê ở nhiều nơi. Nghèo quá, đói quá thì phải nghĩ cách thoát nghèo. Khi ấy, phong trào trồng dứa, chuối phát triển mạnh ở Bản Lầu, nhiều nhà thu hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Vì thế, tôi dành thời gian đến nhiều địa phương để học kinh nghiệm rồi về vay vốn ngân hàng để trồng dứa. Hiện, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi cũng để ra được khoảng 300 triệu đồng”.

Nhiều hộ dân ở Bản Lầu có thu nhập cao từ trồng dứa.

Chia tay anh Dìn, chúng tôi ngược lên thị trấn Mường Khương để tìm hiểu thêm về hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân nơi đây. Vụ quýt vừa qua, gia đình anh Sền Pờ Diu, thôn Chúng Chải B thu hơn 100 triệu đồng tiền bán quả quýt. Đây chưa phải là số tiền lớn, bởi chỉ năm sau thôi, khi toàn bộ diện tích quýt đủ tuổi cho thu hoạch, số tiền này sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Trước năm 2010, anh Diu cũng như các hộ khác trong thôn chỉ “quay ra nhìn thấy lúa, quay vào nhìn thấy ngô” nên thu nhập không đủ ăn. Anh Diu cũng nhiều lần “khăn gói quả mướp” xuống xã Bản Lầu để học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhưng rồi đành ngậm ngùi từ bỏ bởi “thiên chưa thời, địa chưa lợi”. Thế rồi, anh Diu và nhiều hộ khác ở Chúng Chải B mừng như bắt được vàng, khi huyện Mường Khương triển khai nhiều dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân phát triển kinh tế, trong đó có mô hình trồng quýt. Được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, vận động, anh Diu và nhiều hộ khác trong thôn mạnh dạn đăng ký trồng. Nhà có nhiều đất thì trồng nhiều, nhà ít cũng 300 - 400 gốc. Giờ đây, sau 6 năm bén rễ trên đất Mường, cây quýt đã mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân.

Anh Diu, anh Dìn chỉ là hai trong rất nhiều hộ dân trên vùng cao Mường Khương thoát nghèo nhờ nhanh nhạy chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giờ đây, nhắc đến Mường Khương, nhiều người nghĩ ngay đến những cái tên như: Làn Mậu Thành (thị trấn Mường Khương); Thào Dìn, Thào Thắng, Thào Minh (Bản Lầu)… Từ những mô hình điểm của các hộ tiên phong, bà con trong huyện đã tích cực làm theo, bởi ai cũng có khát khao thoát nghèo.

Được biết, thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện là nhờ định hướng, lựa chọn của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Khương qua các nhiệm kỳ trên cơ sở phát huy tiềm năng của địa phương; sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của tỉnh, các sở, ngành thông qua các chương trình, dự án. Ngoài ra, phải kể đến yếu tố quan trọng đó chính sự vào cuộc tích cực của người dân. Lý do rất đơn giản, bởi bao đời nay, người dân phải sống trong nghèo khó, vì thế ngay khi chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đưa ra, người dân ở Mường Khương đã biết tranh thủ nguồn lực giúp đỡ của Đảng và Nhà nước; đồng thời phát huy nội lực để tự vươn lên, thoát nghèo. Để giúp dân xóa nghèo nhanh và bền vững, huyện Mường Khương đặc biệt coi trọng việc chuyển dịch cơ cấu nội ngành, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chú trọng phát huy thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa. Các cây trồng được Mường Khương lựa chọn đưa vào canh tác phải đảm bảo những yếu tố: Thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, phù hợp với trình độ canh tác của người dân và quan trọng nhất là giá trị kinh tế cao, ổn định.

Giờ đây, Mường Khương đã hình thành nhiều vùng chuyên canh hàng hóa nổi tiếng như dứa (550 ha), chuối (646 ha) tập trung chủ yếu ở các xã Bản Lầu, Lùng Vai, Nậm Chảy; chè (2.348 ha), quýt (288 ha)... Chỉ tính riêng cây dứa, năm 2016, bà con trong huyện thu được 12.500 tấn, với giá bán bình quân 5.000 đồng/kg, giá trị ước đạt 62,5 tỷ đồng. Hay như cây chè, sản lượng chè búp tươi thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt 6.100 tấn, với giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, giá trị đạt 42,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn còn phát triển một số loại cây trồng cho giá trị kinh tế như: Mía (70 ha), thảo quả (88 ha), ớt (100 ha), rau các loại (490 ha)… Các cây trồng này góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại các xã vùng cao trong huyện, góp phần thực hiện tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Trong 10 tháng năm 2016, toàn huyện có 543 hộ thoát nghèo (bằng 77,27% KH). Hiện, Mường Khương còn 54,45% hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Ông Giang Trung Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Khương cho biết, huyện có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, nhằm tạo sự ổn định cho sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Dù vẫn nằm trong danh sách huyện 30a, nhưng những kết quả đạt được của Mường Khương về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là minh chứng rõ nét nhất cho sự vượt khó, vươn lên của chính quyền và người dân nơi đây.

Theo Thu Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai tổ chức cuộc thi trực tuyến trên Internet Tìm hiểu cải cách hành chính

Trong tháng 8 năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến trực tuyến trên Internet “Tìm hiểu cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.

Lào Cai thu hút trên 2,7 triệu lượt khách du lịch

Theo số liệu thống kê của sở Du lịch, 04 tháng đầu năm 2024, khách du lịch đến Lào Cai ước đạt trên 2,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế trên 298.000 lượt, khách nội địa trên 2,4 triệu lượt, tăng 5,88% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ

Chú trọng tạo nguồn, kết nạp Đảng cho thanh niên ưu tú chuẩn bị lên đường nhập ngũ góp phần nâng cao chất lượng chính trị trong thanh niên, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong quân ngũ. Năm 2024, Bảo Yên là địa phương điển hình trong triển khai công tác này.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh

Bắt nhịp với xu thế phát triển mới, Lào Cai đang thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là trong thu hút đầu tư và bước đầu đạt kết quả tốt.

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.