“Cái nôi” đào tạo sĩ quan quân sự Lào, Campuchia

Hơn 10 năm qua, Hệ Quốc tế, Học viện Biên phòng (HVBP) đã đào tạo và cho “ra lò” hàng trăm sĩ quan quân sự Lào, Cam-pu-chia. Lực lượng này đã góp phần cùng với BĐBP Việt Nam bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Thành quả đó không những góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu đào tạo của nhà trường có bề dày truyền thống 50 năm, mà còn thắt chặt hơn tình đoàn kết hữu nghị giữa quân đội, nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.

Học viên Lào, Cam-pu-chia tại Học viện Biên phòng.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Mai Du Ngoạn, Chính trị viên Hệ Quốc tế, HVBP cho biết: “Hệ Quốc tế được thành lập ngày 16-10-2002. Từ ngày thành lập đến nay, đơn vị đã đào tạo được 3 khóa cử nhân quân sự Lào, 5 khóa cử nhân quân sự Cam-pu-chia. Hiện có 4 khóa Lào và 4 khóa Cam-pu-chia với 67 học viên Lào, 37 học viên Cam-pu-chia đang theo học tại Học viện”. Với phương châm gắn giảng dạy với thực tiễn, Hệ Quốc tế đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng tư duy tổng hợp của học viên. Nhờ đó, 100% học viên Lào, Cam-pu-chia hiện đang theo học tại Học viện đều xác định rõ mục tiêu, động cơ, trách nhiệm và thái độ học tập của mình. Đồng thời, ý thức tự giác chấp hành kỷ luật rất cao.     

Thực tế, để tiếp thu được bài giảng, điều kiện tiên quyết là các học viên Lào, Cam-pu-chia phải biết tiếng Việt. Xác định rõ vấn đề này, các cán bộ, giảng viên trong Hệ không chỉ chuyên tâm vào việc đào tạo các môn học chuyên ngành, mà còn tăng cường bồi dưỡng, phổ cập vốn tiếng Việt chuyên sâu cho học viên. Học viên Lào, Cam-pu-chia trước khi vào Học viện học các môn chuyên ngành sẽ phải qua 1 năm học tiếng Việt tại Đoàn 871 (Tổng cục Chính trị) và trường Trung cấp Biên phòng 2 tại Bà Rịa-Vũng Tàu. 4 năm đào tạo tại Học viện, học viên tiếp tục được nhà trường mở thêm các lớp phổ cập, nâng cao tiếng Việt ngoài các buổi học chính khóa.      
                                
Nhớ lại những ngày đầu sang học tại Việt Nam, Khăm-mặn Khủn-thạ-vi-lay, Đoàn trưởng học viên khối Lào chia sẻ: “Chặng đường học tiếng Việt của tôi cũng gian nan lắm! Nói được tiếng Việt thì dễ nhưng để viết được thì không dễ chút nào! Thú thực, cũng đã có lúc tôi tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng nhờ sự động viên, chỉ bảo tận tình của thầy, cô, bạn bè, đặc biệt là những người bạn Việt Nam, tôi bắt đầu học cách quen dần với mặt chữ. Đến nay, tôi đã có thể giao tiếp bằng tiếng Việt và tiếp thu được bài giảng ngay trên lớp rồi”.

Còn với Sothy Visal, Đoàn trưởng học viên khối Cam-pu-chia: “Ngoài giờ học vào các buổi chiều hay các ngày lễ lớn, chúng tôi thường tổ chức giao lưu bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ với các khối lớp Việt Nam. Thông qua các hoạt động này vừa tạo sự hòa đồng, tinh thần đoàn kết, hữu nghị, vừa giúp chúng tôi luyện thêm vốn tiếng Việt”.

Đánh giá kết quả học tập của học viên trong những năm gần đây, Thượng tá Mai Du Ngoạn phấn khởi cho biết: “Kết quả thi tốt nghiệp hằng năm có 100% học viên đạt yêu cầu, trong đó, 70% xếp loại khá, giỏi. Riêng khóa 3 Lào và khóa 5 Cam-pu-chia, 100% học viên đạt loại khá trở lên. Đa số học viên sau khi tốt nghiệp về nước nhận nhiệm vụ đều phát huy tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và được lực lượng chức năng các nước bạn phản hồi đánh giá cao”.

Ngoài công tác giảng dạy, công tác tổ chức hậu cần, nơi ăn, chốn ở của học viên cũng được cấp ủy, chỉ huy Hệ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Trong các bữa ăn hằng ngày, học viên luôn được đơn vị chú trọng cải tiến, thay đổi món để phù hợp với khẩu vị. Mặt khác, để tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của học viên, thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tình đoàn kết hữu nghị giữa quân đội 3 nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia cũng được lồng ghép tổ chức.

 “Qua hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, Hệ Quốc tế đã khẳng định được thương hiệu và là một trong những “lò” đào tạo có uy tín, cung cấp nguồn sĩ quan chất lượng cao cho hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Sau khi trở về nước nhận công tác, đội ngũ này đã trực tiếp cùng BĐBP Việt Nam chung tay bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Lịch sử thành lập, phát triển của Hệ luôn gắn liền với tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa 3 đất nước láng giềng anh em Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia”, Thiếu tướng, PGS, TS Trần Hữu Phúc, Giám đốc HVBP cho biết.

Thống nhất ý chí của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong Hệ Quốc tế; từ những thành tích đã đạt được, các thế hệ thầy và trò Hệ Quốc tế đang vững bước đi lên, cùng chung tay xây đắp bề dày truyền thống của ngôi trường Anh hùng.
(Theo bienphong.com.vn)

Tin Liên Quan

Chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện sống động bằng công nghệ 3D Mapping

Người dân Thủ đô Hà Nội có cơ hội ôn lại lịch sử, sống lại những khoảnh khắc hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ với việc bức tranh “Chiến dịch Điện Biên Phủ” được trình chiếu bằng công nghệ 3D Mapping, với âm thanh và lời thuyết minh sống động.

Sẽ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)”

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), ngày 5/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” gồm 4 mẫu tem ngay tại Điện Biên Phủ.

4 nhóm chỉ tiêu phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (Chiến lược AI ứng dụng)

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Kế hoạch hành động năm 2024 triển khai chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.