Họp liên ngành các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN

Ngày 14/12 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, với tư cách cơ quan điều phối quốc gia về hợp tác ASEAN, đã tổ chức họp liên ngành thường kỳ nhằm đánh giá tình hình hợp tác ASEAN, sự phối hợp của các bộ, ngành trong tham gia hợp tác ASEAN năm 2016, và phương hướng tham gia hợp tác ASEAN thời gian tới.
Cuộc họp đánh giá cao tầm quan trọng của năm 2016 là năm đầu tiên sau khi thành lập Cộng đồng ASEAN, triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột Cộng đồng, cũng như phấn khởi trước những kết quả ASEAN đã đạt được thời gian gần đây. Cụ thể, ASEAN đã thúc đẩy soạn thảo và thông qua các chương trình hành động, kế hoạch công tác ngành giai đoạn 2016-2020; xây dựng Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn 3 Sáng kiến hội nhập ASEAN (hỗ trợ các nước CLMV); thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN; cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Nét mới trong quá trình triển khai lần này là công tác giám sát, theo dõi thực thi được cải tiến đáng kể với phân công cụ thể, thời hạn rõ ràng, chú trọng đánh giá số lượng, chất lượng và tác động của các hoạt động hợp tác ASEAN.
 
Năm 2016, Việt Nam tiếp tục tham gia đầy đủ, hoàn thành nghiêm túc các cam kết và đóng góp hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, thể hiện qua việc tiến hành xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 của các bộ, ngành từ cấp quốc gia cũng như gắn kết với tiến trình hội nhập chung; chủ động thúc đẩy tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong xử lý những thách thức lớn nảy sinh trong khu vực, nhất là vấn đề Biển Đông; làm tốt vai trò vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ và tích cực hỗ trợ Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2016.
 
Cuộc họp nhận định năm 2017 ghi dấu mốc quan trọng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 10 năm ký Hiến chương ASEAN, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đặt ra thách thức cho sự đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời đòi hỏi ASEAN tăng cường sức sống mới cho giai đoạn phát triển Cộng đồng. Trên cơ sở đó, cuộc họp nhất trí Việt Nam cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong thúc đẩy hợp tác ASEAN, tập trung vào một số trọng tâm.
 
Đó là, tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 trên 3 trụ cột, tạo động lực và sức sống mới cho hợp tác ASEAN; phối hợp triển khai các ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2017 của Philippines (như xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, thông qua tiếp tục thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, lao động di cư và tạo thuận lợi cho thanh niên và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện cũng như dựa trên sáng tạo thông qua hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm chi phí kinh doanh).
 
Củng cố đoàn kết, thống nhất và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực, qua đó bảo đảm vai trò và lợi ích của ASEAN và các nước thành viên; thúc đẩy tiến triển thực chất trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu quả; tích cực tham gia triển khai các biện pháp tăng cường khuôn khổ hợp tác Cấp cao Đông Á.
 
Đóng góp đưa quan hệ đối ngoại của ASEAN đi vào chiều sâu và thực chất hơn, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ.
Tiếp tục cải tiến thể thức và hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy và các khuôn khổ hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với đối tác. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương tham gia hợp tác ASEAN, trong đó có tăng cường bộ phận chuyên trách về hợp tác ASEAN.
 
Tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN tại Việt Nam và trên thế giới, qua đó tiếp tục công tác tuyên truyền, quảng bá về ASEAN, nâng cao nhận thức, thúc đẩy bản sắc chung và lợi ích của Cộng đồng ASEAN.
Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...