Khám phá miền du lịch độc đáo Bát Xát

Những năm gần đây, Bát Xát là điểm đến được nhiều khách du lịch, dân “phượt” lựa chọn trong hành trình khám những sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì…

Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch chợ phiên Mường Hum.
 
Bà Hoàng Thị Thu Huyền, Trưởng Phòng Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Du lịch (Sở Văn hóa Du lịch Thể thao tỉnh Lào Cai) khẳng định: Gần đây, Bát Xát được xem như một điểm đến mới của du lịch Lào Cai bởi cung đường đẹp theo tuyến vòng cung qua các xã, mỗi xã lại có một thế mạnh riêng về bản sắc văn hóa đặc sắc, độc đáo và rất hấp dẫn. Có thể điểm qua như: Mường Hum, Bản Xèo là bản sắc văn hóa dân tộc Giáy, có chợ phiên, cảnh sắc nên thơ hùng vĩ, đặn sản cá suối Mường Hum; hay xã Nậm Pung, xã Dền Sáng với bản sắc của người Dao đỏ, rừng già nguyên sinh hấp dẫn và độc đáo suối tình Dền Sáng; xã Sảng Ma Sáo là bản sắc văn hóa dân tộc Mông, dịp đầu xuân có lễ hội “say sán”; đặc biệt là điểm đến Ý Tý thì rất độc đáo với bản sắc văn hóa của người Hà Nhì… Do đó, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đã và đang nghiên cứu và xây dựng những tuyến điểm du lịch tại Bát Xát để khai thác tiềm năng những sắc màu văn hóa “biến di sản thành tài sản”, vừa bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch tại địa phương.

Ở Y Tý, không chỉ có mây đẹp, có thung lũng vàng mùa lúa chín, còn hấp dẫn bởi những bản làng của ngôi nhà vuông mà ẩn chứa ở đó cả một kho tàng tri thức và những điều bí ẩn nơi đỉnh núi Nhìu Cồ San. Chẳng thế mà, trong năm 2016,  Công ty Du lịch Hồn Việt đưa vào khai thác tuyến du lịch cộng đồng đi bộ dã ngoại trải nghiệm những sắc màu văn hóa ở Bát Xát, mới thấy nơi đây có nhiều loại hình du lịch khá độc đáo có thể hình thành để đón khách du lịch, như du lịch chợ phiên (chợ Mường Hum, chợ Ý Tý); du lịch hoa (mùa hoa đỗ quyên ở Ý Tý); du lịch leo núi (chinh phục đỉnh núi Ky Quan San); du lịch làng nghề (những làng nghề nấu rượu thóc của người Dao đỏ ở các thôn San Lùng, Nậm Pung, Sim San; làng nghề chạm khắc bạc ở Mường Hum, làng nghề làm miến dong truyền thống ở Bản Xèo), du lịch khám phá ruộng bậc thang (với các danh thắng ruộng bậc thang ở Ý Tý, A Lù, Ngải Thầu, Mường Hum hội tụ đủ cả các mùa đổ nước, mùa cấy, mùa lúa chín, mùa gặt), du lịch ẩm thực (món cốm của người Giáy ở Quang Kim, bánh Pin của người Giáy ở Mường Hum, bia của người Hà Nhì ở Ý Tý)… 

Đến nay, huyện Bát Xát đã bảo tồn và phát triển một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội xuống đồng của người Giáy, Lễ hội Pút-tồng của người Dao, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen, lễ cúng rừng của người Hà Nhì, lễ cấp sắc của người Dao; trong đó lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đã được công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; ruộng bậc thang Ngải Thầu - Y Tý được công nhận thành danh thắng cấp quốc gia. Đây là những lợi thế để đưa vào khai thác các tuyến điểm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch ở Bát Xát trong những năm tới.

Chúng tôi có dịp theo chân đoàn khách du lịch từ Hà Nội lên Ý Tý, đúng dịp nơi đây tổ chức lễ hội Khô già già, một trong những lễ hội của người Hà Nhì đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể từ năm 2015. Bà Vũ Phương Trà, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Tôi thực sự có những ngày trải nghiệm tuyệt vời ở Ý Tý. Trong chuyến đi này, tôi đã được khám phá một chợ phiên biên giới độc đáo với đủ sắc màu; dịch vụ homestay tắm lá thuốc dân tộc; đi dã ngoại thăm thú bản làng của những ngôi nhà vuông độc đáo. Đặc biệt tôi được tham gia vào không gian văn hóa lễ hội của người Hà Nhì với rất nhiều nghi lễ độc đáo mà trước đây tôi chỉ được xem và biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thực sự tôi rất ấn tượng, nhất là khi được đến A Mú Sung, điểm mốc biên cương thiêng liêng của tổ quốc, ai cũng muốn một lần đến và chạm tay vào cột mốc xác định chủ quyền lãnh thổ ấy. 

Đến nay, trên địa bàn huyện Bát Xát có 20 cơ sở kinh doanh lưu trú dịch vụ du lịch. Trong 5 năm gần đây, huyện Bát Xát đón tổng lượng khách trên 35.000 lượt (trong đó khoảng trên 4.000 lượt khách quốc tế). Lượng khách đến với Bát Xát trong tăng theo từng năm khẳng định các tiềm năng du lịch của huyện bước đầu đã có sự khởi sắc. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng Bát Xát trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của Lào Cai, huyện Bát Xát đã xây dựng triển khai thực hiện đề án Phát triển Du lịch  gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, sẽ tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh du lịch cùng hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ góp phần phát triển kinh tế bền vững; đẩy mạnh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan của khách du lịch khi đến Bát Xát. Mục tiêu đến năm 2020, tổng lượng khách đến Bát Xát đạt trên 100.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 60 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, toàn huyện sẽ xây dựng được 30 cơ sở; 10 điểm, 5 tuyến du lịch sẽ được công nhận. Theo đó, sẽ phân vùng du lịch tại hai điểm du lịch chủ chốt là khu vực các xã: A Mú Sung, A Lù, Ngải Thầu, Y Tý (lấy Ý Tý làm trung tâm); Khu vực các xã: Mường Vi, Bản Xèo, Mường Hum và Dền Sáng  (lấy Mường Hum làm trung tâm). Bảo tồn kiến trúc nhà trình tường, hệ thống cối giã gạo bằng nước của dân tộc Hà Nhì. Xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát gắn với phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng trong khu vực.

Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Trước tiềm năng về các di sản văn hóa, huyện Bát Xát sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ và sản phẩm du lịch, bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch. Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch, hoàn thiện hệ thống các dịch vụ trực tiếp và dịch vụ hỗ trợ nhằm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ nhu cầu đa dạng của du khách. Đặc biệt, phát triển du lịch luôn đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững. Trong đó, chú trọng giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch cho người dân địa phương, thiết lập những quy chế ứng xử cho du khách khi tham quan, du lịch tại Bát Xát để cùng nhau bảo vệ môi trường du lịch bền vững./.
Hoàng Lam

Tin Liên Quan

Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp

Thời gian gần đây, tổ hợp lưu trú, ẩm thực kết hợp với trải nghiệm vườn mang tên O’Châu homestay tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa thu hút đông du khách. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên đón học sinh của các trường học, các gia đình có con nhỏ tới tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.

Lào Cai hưởng ứng Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”

Để đón đầu kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024, thúc đẩy phát triển du lịch và triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, tỉnh Lào Cai tham gia phát động Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai - điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ

Chỉ còn hai ngày nữa kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 sẽ chính thức bắt đầu. Theo kế hoạch, dịp này các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu, thu hút du khách. Hiện các điểm du lịch, cơ sở lưu trú cũng đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, nhằm mang đến cho du khách một kỳ nghỉ thú vị.