Săn mây Ý Tý

Ý Tý là xã vùng cao nằm ở cực Tây của huyện Bát Xát, cao trên 2.000 mét, quanh năm sương mù bao phủ. Những ngày đẹp trời thường có mây luồn khiến phong cảnh nơi đây hút hồn người.

Ngày trước nói đi Ý Tý, ai cũng ngại. Chuyện kể, có đôi trai gái yêu nhau, cô gái thách thức: "Bao giờ Ý Tý có kem/ Bát Xát có điện thì em lấy chồng". Chàng trai liền ứng khẩu: "Sợ rằng cải chửa ra ngồng/ Thì em con bế con bồng trên tay!". Nhưng bây giờ thì Ý Tý đã có điện lưới quốc gia về tận từng nhà dân, phủ sóng điện thoại di động và có cả internet, nháy mắt biết tin cả toàn cầu.

Con đường gần nhất từ thành phố Lào Cai lên Ý Tý là qua thị trấn huyện lỵ Bát Xát, các xã Bản Vược, Mường Vi, Bản Xèo, Mường Hum, Dền Sáng, Ý Tý, khoảng hơn bẩy chục cây số. Nhưng bây giờ đường xuống cấp, không đi nổi. Đành phải vòng sang phía Đông, theo đường vành đai biên giới, chạy dọc sông Hồng, xa hơn 30 cây nhưng đường khá tốt, xe máy lao vù vù.

Trước khi lên Ý Tý, tôi có một "mẹo vặt" là gọi cho Lưu Minh Hải, Trung tâm Khí tượng thủy văn Lào Cai: "A lô, thời tiết Ý Tý mấy ngày nay thế nào?". "Hôm nay mù tịt, không chụp được ảnh đâu. Chiều thứ ba anh lên, nắng đẹp, sáng thứ tư có mây luồn đấy". Sáng thứ ba, trời vẫn xám xịt, tôi và Huy Thức khăn gói quả mướp lên đường. Đi được trên bẩy mươi km thì đến A Mú Sung, nhưng càng đi càng thấy sương khói mịt mù. Nơi đây có suối Lũng Pô chảy từ cao nguyên Ý Tý sang, đổ dòng nước xanh vào sông Hồng đỏ lựng, tạo ra một ngã ba ấn tượng giữa miền biên viễn. Bỗng nhớ câu thơ của Dương Soái: "Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt". Đi khoảng 30 cây số nữa, vừa chạm vào đất Ý Tý thì nắng bừng lên. Nắng xuyên xuống làm óng ả những đám mây mù trên đường, xôn xao bên sườn núi, rực rỡ trên những tràn ruộng bậc thang.

Lâu lắm mới có một đêm ngủ trong ngôi nhà tranh, vách nứa. Cô giáo trẻ trường mầm non sang ngủ với bạn ở phòng bên để nhường phòng cho tôi và Huy Thức. Căn phòng khoảng 12 mét vuông, có một giường mét hai, đệm dầy, 2 chăn Hàn Quốc. Trên bàn làm việc có máy tính nối mạng hẳn hoi. Nhưng vách nứa nhiều chỗ hở hoác, phải dán giấy báo cho kín. Quá nửa đêm tỉnh dậy, nghe tiếng gió thổi ù ù, gió vật những tàu lá vào chái nhà nghe phành phạch. Thế là không ngủ được nữa. Tôi lẳng lặng dậy ra ngoài trời. Vằng vặc một trời đầy trăng, sao. Những ngôi sao không thèm nhấp nháy, còn trăng hai mốt khuyết một chút mà vẫn thừa ánh sáng đổ xuống lũng mây như dát bạc. Mây trắng toát ém đầy thung lũng, chờ đến sáng sẽ ngoi lên, rồi luồn đi khắp bản làng. Mây luồn là hiện tượng lý tưởng cho những tay phó nháy.

Năm giờ, Thịnh, giáo viên tiểu học và vợ anh, hiệu trưởng trường mầm non đã lục sục dậy nấu canh bánh đa cho chúng tôi ăn để còn chuẩn bị vác máy lên phục ở sườn đồi. Thịnh thấy tôi lò dò về, anh vội bật ngọn điện 200w ở hiên nhà làm sáng choang cả một cái sân rộng. Chờ anh quay vào bếp, tôi tắt bụp. Thịnh ngơ ngác, tưởng cháy cầu chì. Tôi liền giải thích: Cái này ở chỗ chúng tớ không thiếu, chỉ thiếu ánh trăng dát bạc xuống thung lũng mây như thế kia...

Đêm hôm gió là thế mà sáng ra lại lặng như tờ. Mây cứ nằm gan lì ở dưới thung. Hai phó nháy kiên trì mai phục. Thỉnh thoảng cũng có đám mây đùn lên tràn vào bản Hà Nhì, bản Dao, bản Mông. Nhưng thoắt cái, không nhanh tay thì chúng đã nuốt gọn những ngôi nhà, trơ ra một màu trắng toát. Những lúc như thế chỉ còn cách đứng ngây, tắc lưỡi như con thạch sùng. Tôi đã phải di chuyển vị trí mấy lần. Lỉnh kỉnh túi, lỉnh kỉnh máy, lỉnh kỉnh chân... rồ ga trên những đoạn đường vừa dốc vừa lủng cà lủng củng đá dăm. Cuối cùng thì cũng thu vào ống kính được vài hình ảnh, những hình ảnh chẳng biết có phản ánh được một phần vạn giá trị cái đẹp của hiện thực Ý Tý mây luồn giữa mùa xuân?

Nguyễn Ngọc Dương (Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Hầu Thào – Nơi Sa Pa còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ nhất

Có một nơi được gọi là “nơi Sa Pa còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nhất”. Nơi những thửa ruộng bậc thang như kiệt tác ẩn hiện giữa mây trời, nơi những bản làng người Mông mộc mạc, chân tình, nơi bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông có “sức hút” rất lớn với du khách trong nước, quốc tế. Và...

Giàng A Cấu – chàng trai người Mông làm du lịch cộng đồng

Giàng A Cấu là người dân tộc Mông xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Để có tiền phụ giúp gia đình, A Cấu rong ruổi theo mẹ đi bán hàng thổ cẩm trên thị trấn. Bằng sự nhạy bén trong tư duy, anh thấy khách “Tây” rất thích theo người Mông đi về bản để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc...

Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp

Thời gian gần đây, tổ hợp lưu trú, ẩm thực kết hợp với trải nghiệm vườn mang tên O’Châu homestay tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa thu hút đông du khách. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên đón học sinh của các trường học, các gia đình có con nhỏ tới tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.