Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đã được Chính phủ giải quyết, tháo gỡ

Với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách - Từ chương trình tới hành động”, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013 đã diễn ra sáng 3/6.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013 sáng 3/6
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, lãnh đạo nhiều bộ, ngành trong nước cùng các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và các nền kinh tế trên thế giới đã đến dự.
 
Kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được lắng nghe
 
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối năm 2012, cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp thúc đẩy cải cách và trợ giúp doanh nghiệp. Đến nay, sau 6 tháng, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đã được Chính phủ giải quyết, tháo gỡ.
 

Cụ thể, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Doanh nghiệp với những ưu đãi thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp ưu đãi đầu tư cho các dự án mở rộng đầu tư cũng như các dự án đầu tư mới cho khu vực FDI.

Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn đã được Chính phủ lắng nghe, triển khai thực hiện, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, trợ giúp cho doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn.”
Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN
Tại VBF diễn ra cuối năm 2012, cộng đồng doanh nghiệp đã đề nghị các giải pháp giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho, làm ấm thị trường bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp tích cực để giảm mạnh lãi suất, Chính phủ đã bố trí 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo có thể mua nhà ở xã hội và hỗ trợ thị trường bất động sản.
 
Đáp ứng kiến nghị tăng cường các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế như nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1, xây dựng cảng quốc tế cửa ngõ Lạch Huyện, có kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống cảng biển phía Nam (Thị Vải), cảng hàng không quốc tế Nội Bài…, đến nay, tuy còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhưng Chính phủ đã rất tích cực để triển khai các dự án, công trình đặc biệt quan trọng này.
 
“Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn đã được Chính phủ lắng nghe, triển khai thực hiện, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, trợ giúp cho doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát cũng như đã triển khai nhiều biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là các nhóm giải pháp khá đồng bộ đã được nêu trong Nghị quyết 02 của Chính phủ”, ông Lộc nhấn mạnh.
 
Thay mặt các nhà đầu tư Hoa kỳ, ông Mark Gillin, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) khẳng định nhiều vấn đề được thảo luận tại Diễn đàn này không phải chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên gặp phải những vấn đề về ngân hàng và nợ xấu. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên bị vấn nạn tham nhũng và quản lý yếu kém ảnh hướng đến nền tảng của nền kinh tế. Việt Nam cũng không phải là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với những quyết định khó khăn trong việc giải thể những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả.
 
“Một số người cho rằng những thách thức trên rất khó giải quyết và tình hình đặc thù ở Việt Nam không cho phép thực hiện những giải pháp khả thi. Chúng tôi không tin điều đó và chúng tôi nhận thấy rằng chúng ta có thể học tập rất nhiều từ những kinh nghiệm tích cực cũng như chưa tích cực khác trong thực hiện các cải cách”, ông Mark Gillin nói.
 
Trước đó, trong phát biểu đề dẫn của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, với mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh thực sự bền vững, hấp dẫn.
 
Cần những quyết định dũng cảm và mạnh mẽ
 
Thực tế trong nửa đầu năm 2013, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc giải thể vẫn tăng lên. Một trong những nguyên nhân là việc các biện pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tác dụng còn chậm và chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm.

 
Các nhà đầu tư tiếp tục đề xuất với Chính phủ nhiều nội dung 
nhằm ổn định môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Phát biểu tại Diễn đàn, các nhà đầu tư tiếp tục đề xuất với Chính phủ nhiều nội dung nhằm ổn định môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
 
Đại diện cho nhóm công tác thị trường vốn, ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital đánh giá, mặc dù chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp  nhà nước của Chính phủ Việt Nam đã gặt hái được một số thành công, song quá trình này thời gian gần đây đã bị chậm lại một phần do sự trì trệ của thị trường chứng khoán.
 
Ông Terry Mahony (Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Vincapital) nhìn nhận, việc chậm trễ trong cổ phần hóa, một phần do sự thiếu kinh nghiệm của các nhà quản lý.

Một “lỗ đen” nữa theo ông Terry là hệ thống ngân hàng đang gặp nhiều vấn đề. Theo đó, ông Terry cảnh báo, nếu không khắc phục được vấn đề nợ xấu thì Việt Nam sẽ không thể lưu thông tín dụng cho nền kinh tế.

Hơn nữa, với việc không nắm được chính xác số liệu nợ xấu, ông Terry cho rằng, cần phải có một sự minh bạch trong báo cáo, thống kê tài chính. “Cần phải đảm bảo được sự rõ ràng và nhất quán trong các con số báo cáo, nếu không chúng ta sẽ thấy các kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch đầu tư chỉ là một dự báo mà thôi chứ không thể nào đáng tin cậy được”.

Thể hiện sự tin tưởng, tiềm năng vĩ mô của Việt Nam là rất lớn với một thị trường 90 triệu dân, độ tuổi lao động trẻ, ông Terry liên hệ với trường hợp Brasil, những năm 1980 nước này đã được đánh giá là một quốc gia phát triển rực rỡ trong tương lai cho đến khi Brasil dũng cảm đưa ra những cải cách mới về kinh tế.

“Vì vậy, chúng tôi đưa ra những ý kiến của mình với tính xây dựng và chúng tôi thấy rằng, thay vì trì hoãn thì Chính phủ cần phải đưa ra những quyết định dũng cảm và mạnh mẽ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và cải cách khu vực ngân hàng” – ông Terry nói.
“Tôi vẫn rất tin tưởng vào tương lai của Việt Nam, nhưng chúng ta cần có một sự thức tỉnh để thực hiện các biện pháp cần thiết” – đại diện nhóm Công tác vốn chia sẻ.
 
Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ kiên định đối với các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, tỉnh táo trước những sức ép về tăng trưởng nhanh trước mắt song không bền vững.  Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp về mặt dài hạn.
 
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là kênh đối thoại chính thức, mang tính xây dựng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.
 
Với chủ đề: “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - Từ chương trình tới hành động”, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các vấn đề như: Cảm nhận môi trường kinh doanh của các Phòng Thương mại/Hiệp hội Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; Báo cáo về ngân hàng, thị trường vốn, đầu tư và thương mại, cơ sở hạ tầng, công nghiệp ô tô và xe máy, du lịch, giáo dục và đào tạo và ngành khoáng sản.
 
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức mở, trong đó đại diện các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ sẽ trao đổi thông tin với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng phải khuyến khích đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.
 
“Theo hướng đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Nhà nước đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là xây dựng được một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tăng tính minh bạch và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại vào các doanh nghiệp nhà nước. Khẩn trương thoái vốn Nhà nước ra khỏi lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ, để chuyển một phần nguồn lực sang đáp ứng các nhu cầu khác cấp bách và cần thiết hơn như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ các mục tiêu xã hội”, ông Vũ Tiến Lộc nêu trong bản kiến nghị tổng hợp chung của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ.
 
Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cần có sự đột phá hơn nữa, trong đó trước mắt là nhanh chóng đưa những sửa đổi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… vào cuộc sống.
 
Cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ tích cực đàm phán, triển khai ký kết và thực hiện sớm các hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực như: Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và các hiệp định thương mại tự do khác.
 
“Việc Việt Nam hoàn tất thành công Hiệp định TPP là rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam và sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư và tăng cường cơ hội cho tất cả mọi người”, bản kiến nghị của Amcham viết.
 
Kiên trì ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hôm qua 3/6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, 5 tháng đầu năm 2013, với nhiều giải pháp đồng bộ, Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu và có những bước chuyển tích cực.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu
ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế
Cùng với đó, các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh như giãn, hoãn thuế, tập trung tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, cải cách thủ tục hành chính... đã đạt được một số kết quả ban đầu.
 
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành xem xét, tiếp thu các khuyến nghị hợp lý, chính đáng của DN, đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đồng thời cũng là một bước hoàn thiện thêm năng lực tổ chức, hoạt động của hệ thống quản lý Nhà nước hữu quan.
 
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.
 
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và chính sách hỗ trợ tín dụng.
 
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục liên quan đến xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn. Tiếp tục rà soát, kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách không còn phù hợp; rà soát, cải cách chính sách thuế, phí, lệ phí, các thủ tục đăng ký kinh doanh doanh, tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản… góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, đặc biệt là cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
 
Thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trong nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thị  trường, giá cả; kiên quyết đấu tranh, xử  lý nghiêm và công khai các hành vi vi phạm pháp luật. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn lậu thuế, thao túng thị trường, buôn lậu…
 
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo, bảo đảm tính phù hợp, khả thi và phát huy hiệu quả khi triển khai thực hiện. Khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật.
 
Thực hiện có kết quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính; chú trọng đến công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chinh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
 
Tái cơ cấu kinh tế là một nội dung được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tập trung kiến nghị.
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh việc Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động tái cơ cấu trong một số lĩnh vực và Đề án tổng thể đã được phê duyệt.
 
Cụ thể, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa; tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính tại các doanh nghiệp nhà nước và tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối. Hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về công tác kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty.
 
Chú trọng thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, tạo bước chuyển biến trong tái cơ cấu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển./.
 
(Theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...