Điểm nhấn của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 9

Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 9 Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã diễn ra tại Hạ Môn (Trung Quốc) từ ngày 3-5/9. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự và phát biểu tại Lễ khai mạc, trong đó điểm lại lịch trình 10 năm của các nước Nhóm BRICS, tổng kết kinh nghiệm hợp tác BRICS và nhìn về tương lai phát triển của Nhóm.

Kết quả của Hội nghị được thể hiện trong Tuyên bố Hạ Môn của các nhà lãnh đạo, được giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.

  Các nhà lãnh đạo BRICS tại Hội nghị ở thành phố Hạ Môn, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhận thức chung và gia tăng hợp tác

Chủ đề mà Hội nghị đưa ra là “Tăng cường đối tác vì một tương lai tươi sáng”, phản ánh hệ thống nhận thức chung của các nhà lãnh đạo 5 nước trong Hội nghị lần thứ 9 này. Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Vương Nghị cho biết, sau khi dày công chuẩn bị trong một năm, các nước trong Nhóm BRICS đã giành được nhiều tiến triển mới trong thúc đẩy giao lưu và hợp tác ở các lĩnh vực kinh tế, an ninh chính trị, giao lưu nhân dân.

Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, thành quả Hội nghị đáng được các bên mong đợi và sẽ đặt cơ sở vững chắc để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác BRICS, mở ra “10 năm vàng son” thứ hai của hợp tác BRICS.

Ông Vương Nghị cho biết: “Vấn đề chính của Hội nghị trong phạm vi hẹp bao gồm tình hình kinh tế thế giới, quản trị kinh tế toàn cầu, vấn đề điểm nóng quốc tế và khu vực, an ninh quốc gia và phát triển. Còn trong phạm vi lớn, Hội nghị thảo luận trọng điểm vấn đề làm sâu sắc hợp tác BRICS, triển khai giao lưu nhân dân, thúc đẩy xây dựng cơ chế...”

Sự ra đời của cơ chế hợp tác BRICS là kết quả tất yếu của diễn biến bố cục và so sánh lực lượng trên thế giới; việc phát triển của cơ chế hợp tác BRICS, tiên đoán sự không ngừng nâng cao vị thế và vai trò của thị trường mới nổi và các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu.

Qua 10 năm phát triển, các nước Nhóm BRICS đã trở thành lực lượng then chốt thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng, thúc đẩy thay đổi trật tự toàn cầu, giữ gìn hòa bình và ổn định quốc tế.

Các thành quả được BRICS ghi nhận tại Hạ Môn là: Nhóm BRICS đã hợp lực phát triển lớn mạnh hơn; tiếng nói của Nhóm mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế; xây dựng nền tảng xã hội vững chắc hơn; tạo dựng được quan hệ đối tác rộng rãi hơn; và hình thành một cơ chế mạnh mẽ hơn.

Hội nghị đã tổ chức Đối thoại giữa các nước mới nổi với các nước đang phát triển, các nước trong nhóm BRICS đã cùng lãnh đạo các nước Ai Cập, Mexio, Tajikistan, Guinea và Thái Lan được mời thảo luận về các vấn đề “thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững” và “tạo dựng quan hệ đối tác phát triển rộng rãi”.

Được biết, trước đó hồi tháng 3, Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng về BRICS mở rộng (BRICS+) để tăng số lượng thành viên của khối này, bao gồm một số nước thuộc Nhóm G20, nhất là với các nước đang phát triển. Cũng trong Hội nghị này, các chuyên gia cho rằng việc tăng số lượng thành viên của nhóm BRICS có thể có lợi cho nền kinh tế toàn cầu.

Vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ

Theo giới quan sát, Hội nghị cũng quan tâm nhiều hơn đến cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều dấu hỏi khác cũng được đặt ra đối với các thành viên khác như Brazil, Nam Phi và nhất là LB Nga sau khi bị phương Tây gia tăng trừng phạt.

Theo giới quan sát, giờ đây BRICS đang ở vào thời khắc của sự thật, và phải đối mặt với câu hỏi rằng, liệu BRICS có thực sự trở thành một đối trọng mới với phương Tây trong trật tự kinh tế toàn cầu hay không, hay chỉ đơn giản tồn tại như là một Nhóm biểu tượng?

Sự khác biệt về quy mô và tính chất ở mức khó tương thích. Nhóm BRICS với nền kinh tế chiếm đến 22,5% tổng GDP của kinh tế toàn cầu tính đến năm 2016. Nhưng riêng nền kinh tế Trung Quốc đã chiếm 15% trong số đó, các nền kinh tế còn lại, Nga chiếm 1,7%, Brasil và Nam Phi chiếm 2,8%, sự quá chênh lệch đó có nảy sinh mâu thuẫn về lợi ích trong tương lai, khiến nảy sinh mâu thuẫn nội khối. 

Đại dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc có khiến sự băn khoăn hay thiếu mặn mà của Ấn Độ và Nga? Sự bất tương thích về lợi ích địa chính trị, nếu bị đẩy lên đỉnh điểm, có thể bùng phát thành các xung đột “nóng”.

“Ngân hàng phát triển mới” (NBD) mà BRICS thành lập từ mùa hè 2015 với tham vọng khổng lồ là trở thành đối trọng với các thiết chế tài chính như: WB, IMF, hay ADB, nhưng nay ngân hàng này chỉ tồn tại trên danh nghĩa và hoàn toàn lu mờ trước một thiết chế khác do Trung Quốc lập ra là AIIB, khiến Trung Quốc buộc phải tung thêm vào 4 triệu USD để thúc đẩy hoạt động của NDB. 

Theo giới quan sát, hai thành viên của BRICS là Brazil và Nam Phi hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị ở mức độ nguy cơ cao. Tăng trưởng kinh tế của Nam Phi chỉ ở mức 0,6%, Brazil là 0,2%, với thành tích kinh tế nghèo nàn như vậy thì sự đóng góp vào tham vọng của Nhóm là làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới như thế nào là câu hỏi khó.

Tuy nhiên, khi kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS cũng đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi về tình hình quốc tế, quản trị toàn cầu, hợp tác nội khối; khẳng định sự cởi mở, toàn diện, hợp tác cùng thắng; củng cố quan hệ đối tác sâu rộng, thực thi Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030; thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, vận dụng mô hình “BRICS +” và tăng cường giao lưu nhân dân, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau.

Như vậy, với 10 năm tồn tại và phát triển, BRICS đã từng được thế giới ghi nhận những thành tựu. Hội nghị lần này lại đạt được sự đồng thuận cao trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, những bất cập vẫn còn nhiều, nhất là sự bất đồng về lợi ích địa - chiến lược và sự không tương thích giữa các thành viên, có thể làm cho mục tiêu đầy tham vọng của khối càng xa vời hơn. Vì thế, giới phân tích và dư luận cho rằng, mục tiêu của BRICS hướng tới sự phát triển để trở thành đối trọng với phương Tây hiện vẫn còn đang ở phía trước./.

Theo Nguyễn Nhâm/dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.