Việt Nam, LB Nga đạt được nhiều thoả thuận quan trọng

Kéo dài thêm gần 2 giờ đồng hồ so với dự kiến, khóa họp lần thứ 20 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-LB Nga ngày 8/9 đã kết thúc tối đẹp với sự đồng thuận của hai bên về hàng loạt vấn đề lớn nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga Igor Shuvalov. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với tinh thần làm việc xây dựng, đặc trưng cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga, hai bên đã rà soát lại việc thực hiện Biên bản của khóa họp lần thứ 19 và thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong nhiều phương hướng triển vọng giữa hai nước thời gian tới.

Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga thời gian qua đang phát triển tốt đẹp, dựa trên sự tin cậy chính trị cao, với cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ chế và hoạt động hợp tác toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực. Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trên trường quốc tế đã góp phần tích cực vào sự phát triển của mỗi nước và vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, thịnh vượng.

Hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư phát triển năng động. Các dự án hợp tác trọng điểm được triển khai tốt, đạt kết quả tích cực. Kim ngạch thương mại song phương Việt-Nga 7 tháng năm 2017 đạt gần 2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Về đầu tư, tính đến hết tháng 7/2017, Nga có 115 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn trên 1 tỷ USD; Việt Nam có 18 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn 2,4 tỷ USD.

Các thành viên Uỷ ban đã dành thời gian trao đổi, thống nhất các biện pháp rất cụ thể nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện các nội dung hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, nông nghiệp, năng lượng, khai khoáng, tài chính-ngân hàng, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, giao thông-vận tải, y tế, xây dựng, lao động, văn hóa-thể thao và du lịch...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga Igor Shuvalov ký Biên bản khóa họp lần thứ 20. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về hợp tác kinh tế-thương mại, hai bên nhất trí cho rằng cần triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu để tạo bước đột phá trong hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nga, cũng như giữa Việt Nam và các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á-Âu, đưa mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 thành hiện thực.

Hai bên cũng thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ kim ngạch thương mại hai nước, trong đó trọng tâm là thúc đẩy xuất khẩu sang Nga các mặt hàng nông-lâm-thủy và mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam; thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc nâng cao chất lượng hàng xuất nhập khẩu, bảo đảm yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hai bên đã rà soát việc triển khai các dự án hợp tác được đưa vào Danh mục các dự án đầu tư ưu tiên Việt-Nga, nhất trí thúc đẩy triển khai các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, dầu khí, xây dựng kết cấu hạ tầng, đồng thời xem xét khả năng triển khai các dự án hợp tác mới như xây dựng đường sắt đô thị, tàu điện ngầm.

 

Hai Phó Thủ tướng chứng kiến ngành nông nghiệp hai nước trao đổi văn kiện hợp tác. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, Uỷ ban liên Chính phủ đánh giá tích cực đối với hoạt động của các liên doanh Việt-Nga trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga; nhất trí Chính phủ hai nước tiếp tục tạo điều kiện để các liên doanh này tiếp tục hoạt động hiệu quả, tăng cường và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực và dự án năng lượng khác. Hai bên cũng nhất trí cần thúc đẩy hợp tác xây dựng và nâng cấp các nhà máy nhiệt điện, thủy điện tại Việt Nam.

Chủ tịch hai Uỷ ban cũng nhất trí rằng giữa địa phương hai nước còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư xây dựng các trang trại, khu công nghiệp nhẹ tại Nga, đầu tư phát triển cơ sở và dịch vụ du lịch tại Việt Nam và để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương, cần tiếp tục duy trì trao đổi đoàn, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tọa đàm, triển lãm.

Bên cạnh những nội dung hợp tác song phương quan trọng đạt được trong nhiều lĩnh vực, Khoá họp lần thứ 20 cũng đã thảo luận để thúc đẩy giải quyết một số vấn đề còn tồn tại hoặc tiến triển chậm, các vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Ngay sau khi kết thúc khoá họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga Igor Shuvalov đã ký Biên bản khóa họp lần thứ 20.

Quang cảnh khóa họp 20 Ủy ban liên Chính phủ Việt-Nga. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp của hai nước đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác quan trọng.

Cụ thể: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp hai nước ký Thoả thuận hợp tác về kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nông-lâm-thuỷ sản; Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam và Trưởng Cơ quan Liên bang Nga về quy chuẩn kỹ thuật và đo lường ký Chương trình hành động giai đoạn 2018-2021 thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và đánh giá sự phù hợp; Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng IIB, Giám đốc ngân hàng Vnesneconombank của Nga ký Biên bản ghi nhớ về việc thu xếp vốn cho dự án Nhiệt điện Long Phú I; Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lũng Lô và Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đường sắt Nga ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai doanh nghiệp; Tổng Giám đốc FPT và Tổng Giám đốc Công ty Submikronnye Technology ký Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu.

Hai Phó Thủ tướng cũng đã chủ trì cuộc họp báo chung.

Theo Xuân Tuyến/baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...