Chủ tịch nước: Việt Nam luôn trân trọng hỗ trợ của LHQ trong xây dựng, phát triển đất nước

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (20/9/1977 - 20/9/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Thưa Chủ tịch nước, năm 2017 kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc. Xin Chủ tịch nước đánh giá về sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam-Liên Hợp Quốc trong những năm qua?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc vào ngày 20/9/1977 đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước ta. Trong suốt bốn thập kỷ qua, Việt Nam và Liên Hợp Quốc đã luôn nỗ lực vun đắp, xây dựng mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với những kết quả tích cực và nhiều tiềm năng phát triển.

Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng sự hỗ trợ và đồng hành của Liên Hợp Quốc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhất là sự hỗ trợ quý báu và thiết thực về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm trong những năm tháng khó khăn sau chiến tranh cũng như thời kỳ bị bao vây, cấm vận.

Vào những năm cuối thập kỷ 1970, đầu những năm thập kỷ 1980, ngoài nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa, viện trợ của Liên Hợp Quốc chiếm 60% tổng viện trợ cho Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Liên Hợp Quốc tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam với nguồn vốn hàng trăm triệu USD mỗi năm. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng giúp nước ta thực hiện hành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác với Liên Hợp Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại. Từ những ngày đầu gia nhập Liên Hợp Quốc đến nay, Việt Nam ngày càng chủ động và tích cực tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động của tổ chức này. Bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao vai trò đi đầu trong việc thúc đẩy phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền và quyền dân tộc tự quyết, chống chạy đua vũ trang, ủng hộ quá trình giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, cũng như sự đóng góp tích cực của nước ta vào quá trình xây dựng và thực thi các hiệp ước, công ước của Liên Hợp Quốc và xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại.

Đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, Việt Nam luôn coi trọng vai trò trung tâm của tổ chức này trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

Chúng ta còn đi đầu trong việc thực hiện Sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là đã đề xuất nhiều sáng kiến về các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và cũng là sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, nước ta đang nỗ lực triển khai thành công Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Sáng kiến của Liên Hợp Quốc về ứng phó với El Nino và La Nina và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Với những nỗ lực và đóng góp có hiệu quả đối với các hoạt động và quá trình phát triển của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, đánh giá cao, thể hiện rõ nhất qua việc chúng ta được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2008-2009), Hội đồng Kinh tế-xã hội (hai nhiệm kỳ 1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (nhiệm kỳ 2017 - 2021).

Xin Chủ tịch nước cho biết phương hướng hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc trong thời gian tới?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp 40 năm qua, chúng ta hết sức lạc quan về tương lai quan hệ Việt Nam-Liên Hợp Quốc. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng: “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc”, Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với Liên Hợp Quốc đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Là thành viên có trách nhiệm và tích cực trong các hoạt động của Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ sát cánh cùng các nước thành viên đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Tăng cường tham gia ở cấp độ cao hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, nỗ lực thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; ủng hộ các nỗ lực cải tổ Liên Hợp Quốc theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động.

Tập trung hoàn thành tốt vai trò thành viên trong các cơ chế của Liên Hợp Quốc và đi đầu với nhiều sáng kiến cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, tích cực vận động ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Nếu được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào vị trí này, chắc chắn Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực và thực chất vào những nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Việt Nam và Liên Hợp Quốc sẽ tập trung thực hiện Kế hoạch chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 được ký giữa hai bên vào tháng 7 vừa qua. Với 4 lĩnh vực ưu tiên: Đầu tư vào con người; bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững; thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác; tăng cường công lý, hòa bình và quản trị toàn diện, Kế hoạch này sẽ hỗ trợ nước ta trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc trong những năm tới.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước./.

Theo TTXVN

Tin Liên Quan

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...

Phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024

Nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024.