Việt Nam cam kết tạo lập môi trường đầu tư theo chuẩn quốc tế

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 2-4/3, chiều ngày 3/3 theo giờ địa phương (chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Thủ đô New Delhi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ.

 

Chủ tịch nước phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM), Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) phối hợp tổ chức.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong các lĩnh vực thuộc tiềm năng và thế mạnh của hai bên, như năng lượng, hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin và truyền thông, dược phẩm, y tế, nghiên cứu phát triển, nông nghiệp công nghệ cao...

Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, sau hơn ba thập niên thực hiện chính sách đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động, phát triển nhanh, ổn định và được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, thuận lợi và an toàn trong khu vực và trên thế giới.

Với quy mô dân số tiệm cận 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Năm 2017, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,81%, GDP bình quân đầu người đạt gần 2.400 USD. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân những năm tới từ 6,5% đến 7%; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 USD đến 3.500 USD, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 350 tỷ USD...

Cùng với đó là cam kết tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, tiếp tục tạo dựng các yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh về thể chế, kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, nhất là các ngành công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, du lịch...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, từ bối cảnh trên, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác đầu tư sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn với Ấn Độ trên những lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, chế tạo máy, hóa chất, dược phẩm, điện lực, dầu khí, chế biến nông thủy sản…

Chủ tịch nước gợi mở: “Với sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ, đặc biệt là những tập đoàn lớn trong thời gian gần đây, Ấn Độ sẽ nhanh chóng trở thành một trong những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, với chương trình phát triển kinh tế “Sản xuất tại Ấn Độ” do Thủ tướng Narendra Modi đề ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Ấn Độ”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Tập đoàn TATA đang triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú II có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng. Đây sẽ là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam, thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ đối với thị trường đầy tiềm năng Việt Nam. Cùng với đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ trong nhiều năm qua không ngừng gia tăng, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ được ký kết vào năm 2009. Ấn Độ hiện có 176 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 814 triệu USD, đứng thứ 28/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

“Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng được củng cố và phát triển. Ấn Độ luôn xác định Việt Nam là trụ cột và đối tác quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông”. Việt Nam cũng luôn đặt trọng tâm hàng đầu trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện với Ấn Độ, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định niềm tin, với quyết tâm của hai Nhà nước và sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ, mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 15 tỷ USD vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được. Việt Nam mong muốn Ấn Độ trở thành nhà cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào trong các ngành dệt may, da giày, chế tạo máy... cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam như hàng nông, thủy sản, sản phẩm gỗ, da giày… thâm nhập vào thị trường của Ấn Độ. Việt Nam cũng mong muốn tăng cường hợp tác du lịch song phương, đặc biệt là hình thức du lịch tâm linh và du lịch văn hóa, tăng cường hơn nữa việc quảng bá, thông tin, tuyên truyền về tiềm năng du lịch của mỗi nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, chặng đường phía trước của quan hệ hữu nghị và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang đứng trước những cơ hội to lớn. Tương lai tươi sáng của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hai nước.

Trên nền tảng vững chắc được kế thừa từ lịch sử, trên cơ sở chia sẻ nhiều điểm tương đồng về tầm nhìn và lợi ích chiến lược, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục giữ vai trò là lực lượng tiên phong, đi đầu trong hợp tác và liên kết kinh tế, hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư; góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ. “Kế thừa lịch sử, chia sẻ tầm nhìn, chúng ta sẽ cùng vun đắp một tương lai tốt đẹp hơn của hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác và phát triển”, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chứng kiến lễ công bố mở đường bay thẳng kết nối Việt Nam - Ấn Độ của Hãng hàng không Vietjet. Đường bay thẳng đầu tiên dự kiến được Vietjet khai thác sẽ là đường bay từ TPHCM đi New Delhi với tần suất 4 chuyến/tuần./.

Theo BNG

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.