ARF 20 dành nhiều thời gian trao đổi về Biển Đông

Ngày 2/7, tại Brunei đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 20 và các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 3.
 
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Tại Hội nghị ARF, các Bộ trưởng cho rằng: Trong bối cảnh khu vực vẫn có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh, ARF cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động thúc đẩy việc tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực của khu vực cũng như luật pháp quốc tế, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; đồng thời phát huy vai trò của các công cụ hợp tác chính trị - an ninh ở khu vực như Hiệp ước TAC, SEANWFZ, Tuyên bố DOC và các cơ chế ARF, ADMM+.
 
Trên cơ sở đó, sắp tới, ARF cần thực hiện tốt các chương trình công tác đã đề ra, thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, từng bước triển khai các hoạt động ngoại giao phòng ngừa phù hợp với các Nguyên tắc và Khái niệm của ARF và Kế hoạch Công tác về Ngoại giao phòng ngừa.
 
Các Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian trao đổi về những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông; nhấn mạnh các bên liên quan cần giải quyết hoà bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước luật biển Liên hợp quốc; hoan nghênh Tuyên bố 6 nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, khuyến khích các bên trao đổi ý kiến và cách tiếp cận các vấn đề nhằm tăng cường lòng tin, hợp tác để giải quyết rủi ro trên Biển Đông.
 
Các nước hoan nghênh nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và hướng tới sớm có Bộ quy tắc COC; hoan nghênh thông tin ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành tham vấn chính thức để sớm đạt COC.
 
EAS đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên
 
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS lần thứ 3, các Bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hiệu quả và tích cực trong các lĩnh vực ưu tiên gồm tài chính, năng lượng, giáo dục, bệnh dịch, quản lý thiên tai và kết nối ASEAN.
 
Đồng thời, nhấn mạnh cần tăng cường thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực thông qua đẩy nhanh tiến độ để hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2015. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng đánh giá cao tầm quan trọng của triển khai kết nối, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ ASEAN triển khai các dự án trong khuôn khổ Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC), hướng tới kết nối khu vực Đông Á cũng như kết nối Đông Á với các khu vực khác...
 
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như ứng phó với các thách thức, an ninh lương thực, phòng chống dịch bệnh…; hoan nghênh Tuyên bố sáng kiến phát triển Đông Á của Trung Quốc, đề xuất tăng cường bảo đảm an ninh lương thực, quản lý đánh bắt cá bền vững và bảo vệ môi trường biển của Brunei, hoan nghênh Hội nghị lần thứ nhất Liên minh chống sốt rét sẽ được tổ chức nhân dịp Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 8 tại Brunei tháng 10/2013 do Thủ tướng Australia và Thủ tướng Việt Nam đồng chủ trì.
 
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh biển ở khu vực, trong đó có Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982; hoan nghênh các nỗ lực khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác biển, bao gồm chống cướp biển, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, môi trường và an ninh biển, kết nối biển...
 
Hướng tới Khu vực Mậu dịch tự do Đông Á
 
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dự và phát biểu tại các Hội nghị nêu trên. Về ARF, Bộ trưởng nhấn mạnh, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ARF, ARF cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là diễn đàn chính trị - an ninh hàng đầu khu vực đóng góp nhiều hơn nữa cho hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực.
 
Trước những thay đổi của tình hình an ninh khu vực và thế giới, ARF một mặt tiếp tục tập trung tăng cường xây dựng lòng tin nhưng mặt khác cũng cần thúc đẩy hơn nữa năng lực ngoại giao phòng ngừa, ủng hộ nâng cao vai trò của các quan chức quốc phòng cũng như vai trò của Nhóm các nhân vật nổi tiếng và chuyên gia (EEP) và mối liên kết giữa ARF với Kênh II; tăng cường phối hợp giữa ARF với cơ chế ADMM+; nâng cao năng lực của Bộ phận ARF thuộc Ban Thư ký ASEAN.
 
Tại Hội nghị EAS, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định cần đảm bảo EAS tiếp tục là diễn đàn của các lãnh đạo để đối thoại và định hướng hợp tác về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, trên cơ sở các mục tiêu, nguyên tắc và thể thức của EAS, đã được xác định trong các văn kiện cơ bản, trong đó có Tuyên bố Hà Nội năm 2010.
 
Bộ trưởng chia sẻ quan điểm cần tăng cường vai trò của EAS trong việc xây dựng các quy tắc và khuôn khổ khu vực nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Đông Á. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả 6 lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Đông Á, cần thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại khu vực hướng tới thiết lập Khu vực Mậu dịch tự do Đông Á và Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức chung như quản lý thiên tai, an ninh và an toàn hàng hải, chống khủng bố và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
 
ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức tham vấn về COC
 
Về Biển Đông, trong trao đổi tại các Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã khẳng định hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải là mối quan tâm chung và là lợi ích của khu vực cũng như của các nước. ASEAN và các nước cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đóng góp vào các mục tiêu chung này, nhất là khi khu vực có những diễn biến phức tạp.
 
Bộ trưởng đề cao Tuyên bố 6 nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, và nhấn mạnh các nguyên tắc về xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982, trong đó có các quy định của Công ước về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC.
 
Bộ trưởng cũng hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc nhất trí tổ chức tham vấn chính thức về COC tại cấp SOM vào tháng 9/2013, mong rằng điều này sẽ tạo điều kiện để hai bên sớm đi vào thương lượng thực chất và đạt được COC. Bộ trưởng cũng đề nghị các nước bàn và xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực về ngăn ngừa sự cố ở biển, tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền đi biển gặp nạn trong đó có việc giúp đỡ nhân đạo đối với ngư dân./.

(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.