Mỹ và EU khởi động đàm phán về TTIP

Tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được dự báo gặp nhiều trở ngại, song nếu thành công TTIP sẽ cho ra đời một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 820 triệu người tiêu dùng.
 
Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh vụ bê bối liên quan hoạt động do thám trực tuyến và gián điệp của Mỹ đối với các nước châu Âu đang gây ra những rạn nứt nhất định trong quan hệ đồng minh truyền thống này, ngày 8/7, Mỹ và EU đã chính thức khởi động tiến trình đàm phán về TTIP.
 
Theo tuyên bố chính thức, cuộc gặp song phương tại thủ đô Washington tập trung vào nội dung thắt chặt quan hệ thương mại giữa hai khu vực kinh tế hàng đầu thế giới. Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman khẳng định TTIP sẽ mang lại cơ hội phát triển vượt bậc cho hai nền kinh tế Mỹ, EU, không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương nói riêng mà còn mang lại lợi ích cho hệ thống thương mại toàn cầu nói chung.
 
Trong khi đó, tại Geneva, Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Karel De Gucht bày tỏ tin tưởng TTIP sẽ là một bước tiến tích cực giúp Khu vực đồng tiền chung châu Âu thực sự thoát khỏi khủng hoảng, thông qua đòn bẩy chính là tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm.
 
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo con đường phía trước hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này khó tránh khỏi sóng gió do giữa Mỹ và EU vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng về chương trình đàm phán. Ngay từ thời điểm thỏa thuận, Washington đã đặt ra “giới hạn đỏ” không muốn đàm phán nội dung quy chế tài chính do lo ngại các quy định quản lý ngân hàng EU quá “lỏng tay”. Pháp nêu điều kiện tiên quyết là các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, băng đĩa và truyền thông số sẽ không được đưa vào thành một nội dung trong TTIP.
 
Ngoài ra, các vấn đề như quy chế ưu đãi mà chính phủ Mỹ dành cho các doanh nghiệp địa phương và châu Âu từ chối mở cửa đối với các mặt hàng công nghệ sinh học, đặc biệt là các loại thực phẩm biến đổi gien của Mỹ cũng sẽ là những rào cản trong đàm phán song phương.
 
Bên cạnh đó, vụ bê bối do thám tình báo Mỹ đối với các nước đồng minh châu Âu vẫn đang phủ bóng đen lên quan hệ Mỹ - EU. Mặc dù không có thông tin chính thức nào về các cuộc thảo luận liên quan đến an ninh diễn ra bên lề cuộc đàm phán, hãng thông tấn Pháp AFP dẫn một số nguồn tin cho biết giới chức an ninh và tình báo Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tư pháp Mỹ bàn về vấn đề thu thập thông tin tình báo, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân.
 
Việc tổ chức các cuộc gặp bên lề này là một bước đi nhượng bộ của Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm đảm bảo tiến trình đàm phán TTIP không rơi vào tình trạng bế tắc. Trước đó, thông tin từ cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cho biết các cơ quan mật vụ Mỹ đã thâm nhập mạng thông tin của các cơ quan đại diện của EU tại Washington và New York cũng như trụ sở Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ đã làm bùng lên làn sóng phản đối tại nhiều nước châu Âu.
 
Phản ứng trước tiết lộ trên, các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố sẽ tiến hành đàm phán TTIP theo đúng kế hoạch với điều kiện Mỹ phải chấp thuận đề nghị tổ chức đồng thời một cuộc thảo luận về các hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Brussels cũng gửi thư tới Washington cảnh báo nếu Mỹ không cam kết sẽ “tuân thủ đúng luật pháp” trong chương trình do thám của mình, EU có thể sẽ cân nhắc lại hai nội dung trao đổi thông tin chính về hành khách các chuyến bay và thông tin tài chính mà Mỹ yêu cầu.
 
TTIP nếu đàm phán thành công sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, mỗi năm có thể làm tăng thêm từ 0,5% đến 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho cả hai bên, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm mới. Kinh tế Mỹ - EU hiện chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại của toàn cầu. Nghiên cứu gần đây của Trung tâm châu Âu ước tính, hiệp định thương mại Mỹ - EU khi có hiệu lực có thể mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ euro (tương đương 150 tỷ USD) mỗi năm và mang lại cho nền kinh tế Mỹ 95 tỷ euro mỗi năm.
 
Giới chức hai bên hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận vào năm 2014, trước thời điểm EC tiến hành bầu Chủ tịch mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tiến trình đàm phán nhiều khả năng sẽ kéo dài đến năm 2015./.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.