Khám phá ngọn cao nhất của dãy Ngũ Chỉ Sơn

Nằm cách “thiên đường du lịch Sa Pa” chừng gần 40 km, tại xã Tả Giàng Phình có một dãy núi như năm ngón tay xòe thẳng lên trời, bốn mùa mây trắng vờn quanh, thảm thực vật trong rừng nguyên sinh phong phú thu hút du khách gần xa, đó là Ngũ Chỉ Sơn.
Khung cảnh kỳ vĩ dọc đường chinh phục Ngũ Chỉ Sơn.

Sự tích núi năm ngón tay

Ngũ Chỉ Sơn thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, giáp ranh giữa xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) và xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Ngũ Chỉ Sơn có 5 ngọn núi chính, thẳng đứng ở độ cao gần 3.000 m so với mực nước biển. Theo “porter” Thào A Dủ - người dân địa phương, người khám phá thành công tuyến đường leo Ngũ Chỉ Sơn từ hướng Sa Pa cho biết, tên gọi của đỉnh núi này gắn với một câu chuyện về thần khổng lồ. A Dủ bảo cũng chỉ được nghe câu chuyện từ những người già trong làng và cha mình kể lại. Từ thời khai sinh lập địa trên mảnh đất này bỗng xuất hiện một vị thần khồng lồ từ đâu tới với thân hình vạm vỡ, ngực của vị thần nở như hai trái núi, bắp tay cuồn cuộn, chân bước tới đâu khiến mặt đất lún tới đó. Thương người dân nơi đây nghèo, thần khổng lồ ngày đêm san đất làm ruộng nương, miệt mài dồn tất cả đất đá đắp một dãy núi, ngày qua ngày ngọn núi vượt lên chín tầng mây sắp chạm tới mái nhà trời. Ngọc Hoàng thấy thế nổi giận, sai thần sấm, thần sét xuống đánh phá dãy núi của thần khổng lồ. Thần sấm sét gầm thét, chớp rạch sáng lòe, mưa như trút nước suốt cả ngày lẫn đêm, đất đá nổ ầm ầm, mặt đất rung chuyển như con lắc. Đến ngày thứ năm thì thần sấm sét kiệt sức phải quay về chịu tội với Ngọc Hoàng vì không san bằng được dãy núi. Dãy núi bị đánh nham nhở chĩa thẳng lên cao giống năm ngón tay như thách thức với trời xanh. Rồi năm ngọn núi ấy vẫn đứng vững vàng như thế cho đến ngày nay. Người dân ở thung lũng Tả Giàng Phình đặt tên là Ngũ Chỉ Sơn, tức núi năm ngón tay.

Du khách có thể chinh phục Ngũ Chỉ Sơn bằng hai con đường, xuất phát theo hướng Lai Châu hoặc Lào Cai. Để bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh cao nhất của Ngũ Chỉ Sơn theo hướng Lào Cai, từ trấn Sa Pa, du khách phải vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo, cua tay áo để đến bản Suối Thầu 2, xã Tả Giàng Phình. Từ đây, du khách có thể nhìn thấy vẻ đẹp của Ngũ Chỉ Sơn vươn mình giữa thung lũng Tả Giàng Phình. Buổi sáng, khi mặt trời chọc thủng lớp mây mù, Ngũ Chỉ Sơn mờ xanh hiện lên ngạo nghễ tận đỉnh trời. Chiều tà, mặt trời đang sắc vàng chuyển sang ửng đỏ từ từ xuống núi thì Ngũ Chỉ Sơn ẩn hiện trong mây.

Chinh phục Ngũ Chỉ Sơn không hề đơn giản, nơi đây có rất nhiều vách núi dựng đứng, một bên hun hút rừng già đậm đặc sương mù và từ bốn phía gió quật liên hồi vào mặt. Porter Thào A Giang, người đã từng thử khai phá cung đường leo Ngũ Chỉ Sơn trong hai lần thất bại trở về chia sẻ: Ngọn núi này đã từng có rất nhiều đoàn chinh phục phải bỏ cuộc trở về, vì địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Hiện Ngũ Chỉ Sơn có năm ngọn, trong đó người dân địa phương mới khám phá thành công được hai ngọn cao nhất là 2.858 m và 2.853 m.

Ẩn mình sau màn mây trắng

Bắt đầu chuyến chinh phục đỉnh cao nhất của Ngũ Chỉ Sơn từ bản Suối Thầu 2, đoạn đường đầu tiên du khách sẽ men theo dòng suối dưới chân Ngũ Chỉ Sơn mát lành đan xen những loài hoa dại. Chinh phục đỉnh núi này bạn phải rất tập trung, khéo léo và nỗ lực, bởi nhiều quãng đường leo không có điểm tựa nào ngoài vài đoạn rễ cây để bám. Mệt mỏi, lấm lem nhưng khung cảnh hiện ra trước mắt bạn trong mỗi đoạn đường là tán rừng già xanh thăm thẳm, hoa rừng mộc mạc mà vẫn kiêu hãnh khoe sắc, địa y mọc trên thân cây cổ thụ xù xì mốc thếch hay đâu đó tiếng chim rừng hót líu lo giữa đại ngàn sẽ nhanh chóng làm bạn quên đi.

 Du khách chinh phục thành công đỉnh cao nhất dãy Ngũ Chỉ Sơn.

Sau 6 tiếng ròng rã leo dốc, xuyên rừng, du khách đã tới điểm nghỉ ở độ cao gần 2.600 m. Cuối buổi chiều, tại điểm nghỉ nắng xiên rực rỡ bao phủ các ngọn núi kỳ vỹ của Tây Bắc. Những tia nắng đâm xuống từng tán cây làm cho cả khu rừng thêm huyền ảo, rồi một lúc nhanh như chớp xa xa hoàng hôn đỏ rực cả một góc trời bình yên. Về đêm, giữa đại ngàn mênh mông thi thoảng lại văng vẳng tiếng kêu của một số loài động vật, cả khu rừng trở lên đầy ma mị…

Buổi sáng hôm sau, tiếng porter í ới gọi các bạn thức dậy để hít khí trời, nhanh chóng lót dạ để kịp đón bình minh ở độ cao gần 2.800 m. Lúc này trở đi là đoạn gian nan nhất trong hành trình chinh phục Ngũ Chỉ Sơn, đòi hỏi người leo phải có kỹ năng sinh tồn. Du khách phải vượt qua ba chiếc thang được làm đơn sơ, chỉ cần ngoái sang một phía là vực sâu thăm thẳm. Càng lên cao địa chất và khí hậu càng thay đổi. Cái lạnh cắt da cắt thịt xâm chiếm, nhiều khe nước nhỏ rất dễ trơn trượt, chỉ cần chểnh mảng bạn có thể bị ngã va vào những cây trúc sắc nhọn bên dưới do người khai phá đường chặt đi để thuận tiện leo hơn. Vượt qua những cụm trúc khoe mình giữa sương mai, ánh bình minh bắt đầu hé lên gam màu vàng cam giữa bầu trời trong xanh. Dẻo chân thêm chừng nửa tiếng đồng hồ, du khách sẽ đặt chân lên đỉnh cao nhất của Ngũ Chỉ Sơn cao 2.858 m. Gió bắt đầu ào ạt thổi mạnh, nếu bạn không đứng vững thì có thể bị quật ngã ngay. Đứng trên chỏm cao nhất chỉ cần vài phút bạn có thể cảm nhận được thời tiết nơi đây thay đổi nhanh chóng đến nhường nào. Khi thì mây mù phủ trắng không gian bốn phía, rồi bỗng mây tan đi để lộ khoảng trống trắng toát dưới chân, thấp thoáng ở độ cao dưới 2.000 m là một biển mây trắng xốp bồng bềnh êm ả, khác hẳn với khung cảnh gió núi thét gào mây mù cuộn đặc. Bốn ngọn còn lại hiện ra ngạo nghễ giữa trời xanh, biển mây bồng bềnh phía dưới…

Không có gì tuyệt vời và hạnh phúc hơn khi du khách được hòa mình với thiên nhiên, hít một hơi thật sâu để cảm giác thấy mọi thứ xung quanh thật trong lành. Cùng với đó, mọi mệt nhọc dường như tan biến, cảm thấy đã chiến thắng được bản thân mình khi vượt qua thử thách, thỏa ước nguyện chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn.

Theo Mộc Miên/LCĐT

Tin Liên Quan

Gần 400 khách du lịch đến Lào Cai trong chuyến tàu đầu tiên sau mưa lũ

8 giờ 30 phút ngày 24/9, chuyến tàu mang số hiệu SP4 khởi hành từ ga Hà Nội đã đến ga Lào Cai sau chuyến hành trình dài vượt qua cung đường được khắc phục sau trận mưa lũ gây thiệt hại nặng nề vừa qua.

Du lịch Lào Cai chung tay cùng bà con vùng lũ

Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của người Việt Nam, những ngày qua, các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ ở Lào Cai đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Chăm sóc cây xanh đô thị kiến tạo cảnh quan du lịch Sa Pa

Những năm gần đây, việc chăm sóc cây xanh đô thị và cây hoa trang trí đã trở thành một yếu tố kiến tạo nên không gian du lịch của thị xã Sa Pa. Đây là nỗ lực nhằm nâng cao cảnh quan đô thị, chất lượng môi trường thiên nhiên đối với du khách trong và ngoài nước.

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.