Một Việt Nam tích cực, trách nhiệm, một ASEAN sáng tạo, tự cường

Bước sang năm thứ 3 của Cộng đồng, ASEAN ngày càng phát huy được vai trò trung tâm, luôn có ý thức xây dựng năng lực tự cường và phát huy sáng tạo. Trong một ASEAN không ngừng tiến về phía trước đó, Việt Nam cũng ngày càng thể hiện được vai trò tích cực, có trách nhiệm, đóng góp cho sự phát triển chung của ASEAN.

 
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. (Nguồn: TTXVN)

Đó là những thông điệp Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn trước thềm Năm mới.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thành tựu mà ASEAN đạt được trong năm vừa qua, trên tinh thần chủ đề “xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo”?

Trước hết có thể khẳng định, kể từ khi thành lập, ASEAN luôn có ý thức và chủ động trong xây dựng năng lực tự cường và phát huy sáng tạo. ASEAN cũng đạt được nhiều kết quả tích cực thời gian qua về tự cường và sáng tạo. Chủ đề ASEAN “tự cường, sáng tạo”, do Chủ tịch ASEAN 2018 Singapore lựa chọn, đã nhắc lại các ưu tiên này của ASEAN, được cho là rất phù hợp trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, ASEAN cũng phát triển sang một giai đoạn mới khi bước sang năm thứ 3 hình thành Cộng đồng.

Tự cường và Sáng tạo của ASEAN trong năm 2018 thể hiện trong một số nội dung sau: (i) ASEAN đề cao đoàn kết, thống nhất và tiếng nói chung đối với các vấn đề khu vực, quốc tế như vấn đề Biển Đông, vấn đề Bang Rakhine, thống nhất cách tiếp cận chung về hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...; ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như thiên tai, biến đổi khí hậu, ma túy… 

(ii) ASEAN đẩy mạnh liên kết kinh tế, nỗ lực gia tăng thương mại nội khối, củng cố hệ thống thương mại đa phương thông qua việc mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, hoàn tất Gói cam kết thứ 10 trong Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ, kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN…

(iii) ASEAN ủng hộ các giải pháp sáng tạo, tận dụng cách mạng 4.0 là đòn bẩy cho phát triển kinh tế khu vực, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, cụ thể ASEAN đã thiết lập Mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN, ký Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN, xây dựng báo cáo chung của ASEAN về Cách mạng Công nghệ 4.0…

(iv) ASEAN hướng tới một Cộng đồng vì người dân và lấy người dân làm trung tâm, thông qua đẩy mạnh hơn nữa hợp tác ứng phó khẩn cấp thiên tai, thảm họa, tăng năng lực cho Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo (AHA), đảm bảo an ninh mạng, thông qua Tuyên bố về Hướng dẫn hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN tại các nước thứ ba…

Thế giới nhắc nhiều đến vai trò trung tâm cuả ASEAN trong khu vực. Vai trò đó thể hiện thế nào trong các cơ chế của ASEAN, thưa Thứ trưởng?

Thời gian gần đây, đúng là vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực được thế giới nhắc đến ngày càng nhiều. Các nước và bên đối tác của ASEAN, bao gồm cả các nước lớn, đều đánh giá cao, coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác khu vực.

Thông qua các cơ chế do ASEAN khởi xướng như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+…, ASEAN thể hiện là đối tác tin cậy và khuyến khích sự tham gia sâu rộng và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của các đối tác trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ các quy trình, nguyên tắc, chuẩn mực, quy tắc ứng xử cơ bản do ASEAN lập ra.

ASEAN khẳng định vai trò chủ đạo trong việc xác định các ưu tiên, chương trình nghị sự, định hướng phát triển của các tiến trình hợp tác. Đồng thời, ASEAN thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng, điều hòa các lợi ích khác biệt của các nước, nhất là các nước lớn, phù hợp với đặc thù, ưu tiên và lợi ích của ASEAN.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, sự gia tăng cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, ASEAN cần phát huy những thành tựu và nền tảng sẵn có, tiếp tục nỗ lực bảo đảm vai trò trung tâm của mình, bảo đảm giá trị và duy trì sức hút của Hiệp hội đối với bên ngoài.

Trong quá trình đó, ASEAN cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tương trợ lẫn nhau, tiếp tục gắn bó vì những mục tiêu chung. Đồng thời, ASEAN không ngừng củng cố và tăng cường hiệu quả của các cơ chế đối thoại, gắn bó hài hoà với lợi ích của các đối tác, chủ động nỗ lực xây dựng một cấu trúc khu vực mở, thu nạp, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ với ASEAN ở vị trí trung tâm.

Vậy đâu là cơ hội để Việt Nam có thể phát huy vai trò và đóng góp tích cực cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN, nhất là trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN?

Ngay từ khi trở thành thành viên của ASEAN năm 1995, Việt Nam đã luôn là thành viên tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong thúc đẩy hợp tác ASEAN. Minh họa rõ nét nhất về sự tham gia tích cực của Việt Nam là chúng ta luôn nằm trong nhóm các nước thành viên có tỷ lệ thực thi cao nhất các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN. 

Có thể nhóm các cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò và đóng góp cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN thành hai nhóm: một là các cơ hội theo cơ chế luân phiên của ASEAN như Nhiệm kỳ nước Điều phối quan hệ ASEAN với một đối tác; hai là các cơ hội do chúng ta chủ động đề xuất và được ASEAN thống nhất.

(i) Đối với nhóm một, chúng ta đã có Năm Chủ tịch ASEAN 2010 thành công trong tất cả các lĩnh vực, được các nước thành viên và đối tác đánh giá cao; các nhiệm kỳ điều phối quan hệ đối tác thành công với các đối tác lớn và quan trọng của ASEAN như Trung Quốc, EU, Ấn Độ và vừa nhận vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021 với nhiều kỳ vọng.

(ii) Đối với nhóm hai, Việt Nam đã chủ động đi đầu trong các nội dung có lợi thế và kinh nghiệm như hợp tác viễn thông, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển…

Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam chủ động nhận vị trí Chủ tọa Nhóm Đầu tư trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hay Chủ tọa Nhóm Dịch vụ trong đàm phán FTA ASEAN-Nhật Bản và đang thể hiện tốt vị trị của mình.

Về Năm Chủ tịch ASEAN 2020, đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện sự trọng thị, quảng bá hình ảnh, bản sắc, đất nước, con người Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN đối với bạn bè khu vực và quốc tế.

Với chủ trương chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong tham gia hợp tác ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN hài hòa, gắn kết, giàu bản sắc, có khả năng thích ứng cao và có trách nhiệm với quốc tế.

Xin cám ơn Thứ trưởng!


Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...

Phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024

Nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024.

Đại sứ Orlando Nicolas Hernandez Guillen: Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa lịch sử với quan hệ Việt Nam-Cuba

Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đánh dấu một thời khắc quan trọng với ý nghĩa lịch sử.

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Ngày 19/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Phiên họp cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ từ 22-24/9.

Sáng mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ

Cơn bão số 3 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua; bão số 3 và hoàn lưu của nó để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía bắc, nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai...