Hội nghị G7 kết thúc, đạt đồng thuận về một số vấn đề quốc tế

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các nhà lãnh đạo G7 đã tìm được điểm chung, rất tích cực và chưa có tiền lệ, cho phép các nước hướng về phía trước theo cách hiệu quả hơn.

Tối 26/8 theo giờ Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kết thúc tại thành phố Biarritz, Tây Nam nước Pháp.

Phát biểu tại họp báo với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh việc đạt được đồng thuận tại hội nghị về một số vấn đề quốc tế, trong đó cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, thương mại và cháy rừng Amazon là vấn đề trọng tâm. Theo ông, các nhà lãnh đạo G7 đã tìm được điểm chung, rất tích cực và chưa có tiền lệ, cho phép các nước hướng về phía trước theo cách hiệu quả hơn.

 
Các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) cùng đại diện Liên minh châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh ở Biarritz, Tây Nam Pháp ngày 25/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống Macron cho biết các bên đã nhất trí về hai vấn đề quan trọng là Iran không được sở hữu vũ khí hạt nhân và tình hình hiện nay không bao giờ được phép đe dọa đến ổn định khu vực. Mặc dù vẫn chưa có chi tiết cụ thể nào được thống nhất và mọi thứ vẫn có nguy cơ đổ vỡ, song các cuộc thảo luận kỹ thuật đã bắt đầu với một số tiến bộ nhất định.

Ông Macron cũng bày tỏ tin tưởng rằng nếu Tổng thống Iran Hassan Rouhani đồng ý gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, chắc chắn hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận, đồng thời hy vọng cuộc gặp này sẽ diễn ra trong vài tuần tới.

Ngoài ra, ông Macron cũng xác nhận đã được thỏa thuận với Tổng thống Mỹ về thỏa thuận đánh thuế các hãng công nghệ lớn, đồng thời cho biết Pháp sẽ tự xóa bỏ thuế kỹ thuật số này một khi luật quốc tế được áp dụng. Ngoài ra, Tổng thống Macron cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thay đổi các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định người đồng cấp Macron đã làm tốt nhiệm vụ tại hội nghị G7, đánh giá đây là một hội nghị thành công và với sự thống nhất lớn. Tổng thống Trump cho biết sẽ mời Tổng thống Nga Vladimir Putin khi Mỹ đăng cai tổ chức Hội nghị G7 vào năm tới, đồng thời nhận định nhà lãnh đạo Nga sẽ nhận lời mời.

Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani nếu hoàn cảnh phù hợp. Ông cho rằng một cuộc gặp với ông Rouhani trong vài tuần tới theo đề xuất của Tổng thống Pháp là điều khả thi, đồng thời tin rằng Tổng thống Iran cũng muốn có cuộc gặp này để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay.

Trong một cuộc họp báo tại Biarritz, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết đã đạt được sự nhất trí với Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đẩy nhanh các công việc còn lại nhằm ký kết một thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật vào cuối tháng 9 tới. Trước đó, Tổng thống Mỹ cho biết trước mắt sẽ chưa áp thuế đối với ôtô xuất khẩu của Nhật Bản.

Về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Thủ tướng Abe Shinzo cho rằng mối quan hệ ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc là điều "rất quan trọng" không chỉ với kinh tế hai nước, mà với cả kinh tế toàn cầu. Nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt kết quả tốt, giúp ổn định kinh tế toàn cầu.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo G7 sẽ công bố bản tóm tắt về các cuộc thảo luận sau khi hội nghị kéo dài 3 ngày này kết thúc. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Canada vào năm ngoái, Tổng thống Trump đã bất ngờ rút khỏi tuyên bố chung vào phút chót, do bất đồng với Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau về chính sách thương mại./.

Theo Đặng Ánh/TTXVN

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.